Con đường quanh co dẫn vào Xóm Cốc Mắm, xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp nay đã được rải nhựa trơn láng, hai bên đường nhà cửa san sát. Cốc Mắm có địa thế đẹp, lưng tựa vào núi, mặt hướng về sông. Người Thổ ở Cốc Mắm từ xưa được biết đến là những người chăm chỉ làm ăn, yêu thương đùm bọc nhau những lúc “tối lửa tắt đèn”.
Chị Nguyễn Thị Kim Chi – cán bộ Phòng Văn hóa huyện Quỳ Hợp, người có hơn 30 năm gắn bó với đồng bào Thổ ở đây chia sẻ: Đồng bào dân tộc Thổ nơi đây có hành nghề đan võng gai được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, là một nét đẹp văn hóa, là niềm tự hào của mỗi người dân ở Cốc Mắm. Bên khung cửi tết võng gai, những điệu dân ca của đồng bào Thổ cũng ra đời và vang mãi, là niềm cảm hứng cho cộng đồng ở đây đoàn kết, yêu thương nhau cùng vượt qua những khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Một trong những niềm tự hào của đồng bào dân tộc Thổ là tiếng cồng chiêng. Xóm trưởng xóm Cốc Mó chia sẻ: Đội cồng chiêng của xóm rất đều tay. Ai cũng có thể chơi cồng, ai cũng có thể nhảy múa theo tiếng chiêng mỗi khi có việc. Để duy trì được bản sắc văn hóa cộng đồng, trong hương ước của làng chúng tôi đề cập rất rõ đến việc gìn giữ và bảo tồn bản sắc văn hóa của người Thổ và đặc biệt lưu ý đến việc bảo tồn điệu cồng chiêng, vì bây giờ người trẻ đi xa nhiều, trẻ con nhiều trò vui giải trí, nếu không có những quy ước để đồng bào chủ động trong việc tổ chức sinh hoạt thì rất dễ mai một. Từ hương ước mà bây giờ trong CLB Cồng chiêng chúng tôi có cả thành viên 10 tuổi và cũng có cả thành viên 80 tuổi. Mỗi dịp lễ, tết hay các lễ riêng của đồng bào Thổ như Lễ hội Mừng lúa mới, lễ Bốc Mó, người dân lại quây quần bên chóe rượu cần và tiếng chiêng, tiếng cồng vang lên say mê.
Cũng như ở xã Thọ Hợp, xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp đang ra sức thực hiện tốt nghị quyết về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc trên địa bàn. Nghĩa Xuân có 52% đồng bào dân tộc Thổ. Những năm qua, chính quyền và nhân dân Nghĩa Xuân ra sức phục dựng các lễ hội, làng nghề thủ công như CLB Cồng chiêng, CLB Dân ca dân tộc Thổ, lễ hội Bốc Mó, lễ hội Bà chúa Mó tại thành Hoàng Làng, xây dựng làng nghề đan lát.
Hiện trên địa bàn huyện Quỳ Hợp có gần 30% đồng bào dân tộc Thổ sinh sống tập trung tại các xã Thọ Hợp, Nghĩa Xuân,… nhiều năm nay cũng với sự nỗ lực của đảng ủy, chính quyền địa phương 100% xóm có đồng bào Thổ đã có hương ước, quy ước quy định rõ việc phục dựng gìn giữ và phát huy những nét đẹp trong bản sắc văn hóa việc tang, việc cưới, lễ hội, các làn điệu dân ca.
Trong đời sống hiện đại, ở đâu đó trên địa bàn các xã Nghĩa Xuân, Thọ Hợp (Quỳ Hợp) và người Thổ cư trú ở huyện Tân Kỳ, Nghĩa Đàn vẫn có những tốp nam nữ tham gia “ngủ mái”. Đó là nét văn hóa đã có từ lâu đời của tộc người Thổ. Theo tục lệ này, đến tuổi cập kê, sau khi tìm hiểu, trai gái rủ nhau đi chơi, nhất là vào dịp đêm Rằm. Được phép của gia đình cô gái, người con trai đến “ngủ mái” tại nhà cô gái – người mình chọn để tìm hiểu. Trong đêm ngủ mái, trai gái có quyền tự do tâm sự với nhau một cách lành mạnh.
Người dân tộc Thổ ở Quỳ Hợp cho biết, việc “ngủ mái” không hẳn là từng cặp, mà thường có nhiều đôi nam nữ được sự đồng ý của bố mẹ về nhà trò chuyện tìm hiểu, rồi ngủ chung trên sàn. Sau đêm “ngủ mái” nếu người con trai, con gái đồng ý lấy nhau thì gia đình sẽ nhờ người làm mai mối (là ông Pìn), sau đó là những cuộc thăm hỏi thường xuyên rồi dạm hỏi và xin cưới… “Trong một thời gian, tục “ngủ mái” đã bị biến tướng và không còn phù hợp nên trong hương ước, quy ước mới được xây dựng, Phòng Văn hoá huyện đã định hướng cho các xã xây dựng hương ước dựa trên Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 14/12/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng con người văn hóa, gia đình văn hóa Nghệ An đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển. Bên cạnh đó, những phong tục trong cưới hỏi cũng được cải tiến theo hướng tối giản nhưng vẫn giữ được nét văn hóa của đồng bào”, bà Vi Thị Giang – Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Quỳ Hợp cho biết.
Theo đó, lễ cưới của đồng bào Thổ chỉ được tổ chức trong vòng 1 ngày không được giết gà, lợn, bò linh đình. Không có việc thách cưới rình rang 3 con trâu, 2 thủ lợn như trước. Điều này nhận được sự đồng tình của bà con và ngay sau đó hương ước đã đi vào đời sống một cách tự nhiên nhất.
Những nét văn hóa được xem là hủ tục của người Thổ trong việc tang cũng được loại bỏ điển hình như tục lệ nằm đường trong việc tang gia. Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Khánh Linh, SN 1983 là cán bộ văn hóa huyện Nghĩa Đàn cũng là người dân tộc Thổ chia sẻ rằng: Ngày xưa, hễ nhà nào có tang ma đều phải để 3 ngày đêm, lúc tiễn họ, con cái phải nằm đường, quan tài đi đến đâu thì các con phải nằm ở dưới cho đến nơi chôn cất mới thôi. Lúc đó, chúng tôi còn nhỏ nên hễ nhà nào có tang ma là đổ ra đường để xem, nhà nào có đông con “nằm đường” được nhiều nhất, dài nhất thì nhà đó được xem là chu đáo với người đã khuất.
Tuy nhiên, hiện nay, tục “nằm đường” đã gần như bị loại bỏ. Việc để người chết trong nhà 3 ngày 3 đêm cũng không còn nữa. Theo khảo sát của chúng tôi, trong hương ước của các thôn, xóm thuộc đồng bào Thổ đều quy định tang ma không được để quá 48h, các hủ tục như nằm đường hay cúng bái rình rang đều được cắt bỏ. “Dù nhiều người già làng, nhiều ông Mo vẫn cho rằng bỏ nghi lễ đó là mất đi tính hiếu thuận đặc trưng của đồng bào Thổ. Thế nhưng, phần lớn đồng bào nhất thế hệ trẻ đều cho rằng bản sắc văn hóa không có nghĩa là cứ phải duy trì hủ tục” – chị Khánh Linh nói.
(Còn nữa)