Bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa thông qua Lễ hội chùa Chợ Hến

Chùa Chợ Hến toạ lạc ở xã Bùi Khổng, tổng Hải Đô, phủ Hưng Nguyên (nay là xã Hưng Yên Bắc, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An). Chùa được xây dựng vào khoảng thế kỷ XV, với tên gọi Phúc Sơn tự. Đến giữa thế kỷ XVI, sau khi Tướng công Đinh Bạt Tụy được 3 cha con ông Nguyễn Đăng Thụy hiến kế, lập công lớn, đánh tan đạo quân giặc ở phía đông truông Hến, đem lại bình yên cho Nhân dân. Tướng công Đinh Bạt Tụy đã giúp dân khai hoang, lập làng, mở chợ Hiến (nay gọi là chợ Hến), tu sửa chùa Phúc Sơn tự và đổi tên là Hiến Phúc tự. Năm 1936, Nhân dân xây dựng thêm Quang Thiện đàn trong khuôn viên chùa. Quần thể kiến trúc này được Nhân dân gọi là chùa Chợ Hến, vì chùa cạnh chợ Hến.

Chùa được xây dựng ở lưng chừng núi, vị trí cảnh quan đẹp và khá độc đáo, bao bọc xung quanh là những xóm làng sầm uất, những cánh đồng thẳng cánh cò bay. Đứng ở vị trí chùa có thể quan sát được cả vùng rộng lớn của 3 huyện Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên. Giá trị đó đã được khắc vào câu đối ở chùa: “Giang sơn chung vượng khí/ Hiến tự tối anh linh” (Nghĩa là: Núi sông chung đúc khí tốt/ Chùa Hiến rất linh thiêng). Nơi đây cũng đã ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Năm Giáp Tuất (1874), đây là nơi chứng kiến cuộc đấu tranh quyết liệt của nghĩa quân Trấn Tấn và Đặng Như Mai trong phong trào Văn Thân chống thực dân Pháp dưới thời Nguyễn và cũng là nơi ẩn náu của nghĩa quân khi cuộc khởi nghĩa thoái trào. Trong phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp, chùa Chợ Hến là nơi đóng quân của nghĩa quân Ngô Quảng để trấn giữ vùng Nam Đàn – Nghi Lộc – Hưng Nguyên. Trong những năm 1930 – 1931, chùa được chọn làm nơi treo cờ Đảng; đây cũng là nơi hội họp bí mật của Đảng bộ huyện Hưng Nguyên trước cách mạng tháng Tám năm 1945.

Chùa Chợ Hến toạ lạc trên vị trí, cảnh quan đẹp và hiện đang lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị. Ảnh: Mai Hoa
Chùa Chợ Hến toạ lạc trên vị trí, cảnh quan đẹp và hiện đang lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị. Ảnh: Mai Hoa

Chùa gồm công trình kiến trúc: cổng chùa; tắc môn; hạ điện; thượng điện; bàn thờ thập đại chúng sinh; nhà khách. Các công trình kiến trúc được bố trí các độ cao khác nhau theo chiều cao dần, tạo cho các công trình không bị che chắn lẫn nhau mà còn tạo thêm sự uy nghiêm, linh thiêng cho công trình kiến trúc tôn giáo này.

Cùng với thời gian và qua nhiều đợt trùng tu, tôn tạo, nhưng chùa vẫn giữ nguyên các hạng mục công trình. Nơi diễn ra các hoạt động văn hóa tín ngưỡng, đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp Nhân dân. Chùa hợp tự nhiều loại hình tín ngưỡng: vừa thờ Phật, vừa thờ Mẫu, vừa thờ các vị thần có công với dân, với nước. Nhiều tài liệu, hiện vật có giá trị về lịch sử – văn hóa và nghệ thuật được lưu giữ tại chùa, như bia đá, sắc phong, câu đối, long ngai cùng với nhiều tài liệu chữ Hán. Đặc biệt kiệu long đình với những nét chạm khắc mềm mại, điêu luyện; các pho tượng cổ bằng gỗ được sơn son thếp vàng, thể hiện sự sống động, tinh thế tinh thần của từng hình tượng và khẳng định tài năng nghệ thuật điêu khắc của nghệ nhân xưa. Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mĩ; di tích chùa Chợ Hến được UBND tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử – Văn hóa cấp tỉnh năm 1999.

Lễ đại tế tại lễ hội Chùa Chợ Hến năm 2023. Ảnh: Mai Hoa
Lễ đại tế tại lễ hội Chùa Chợ Hến năm 2023. Ảnh: Mai Hoa

Di tích chùa Chợ Hến là nơi thờ Phật, Tam tòa Thánh mẫu và 3 vị nhân thần: ông Nguyễn Đăng Thuỵ và hai con trai Nguyễn Đăng Đài và Nguyễn Đăng Các – những người có công trung hưng nhà Lê ở thế kỷ XVI. Hàng năm tại chùa Chợ Hến, Nhân dân địa phương tổ chức các hoạt động lễ tế phật và tổ chức các ngày giổ của 3 vị nhân thần được tôn là Thành hoàng làng, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Để tôn vinh, phát huy và lan tỏa các giá trị lịch sử, văn hóa của di tích cũng như các hoạt động tín ngưỡng của Nhân dân, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân xã Hưng Yên Bắc đã tổ chức lễ hội chùa Chợ Hến hàng năm. Lễ hội năm nay được tổ chức từ ngày 20 đến 22/4, bao gồm phần lễ và phần hội. Phần hội với hoạt động chủ đạo là thi đấu bóng chuyền và chương trình giao lưu văn nghệ; thông qua đó xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thời thúc đẩy phong trào văn hóa – văn nghệ, thể dục – thể thao trong các tầng lớp Nhân dân, tạo động lực tinh thần, cổ vũ các phong trào ở địa phương phát triển. Phần lễ, ngoài lễ khai mạc là các hoạt động lễ nghi truyền thống, gồm lễ khai quang, yết cáo, đại tế và lễ tạ.

Lễ hội Chùa Chợ Hến năm 2023 chính thức tổ chức phần lễ trang trọng vào sáng ngày 22/4 với sự tham gia của lãnh đạo huyện Hưng Nguyên, xã Hưng Yên Bắc và đông đảo Nhân dân địa phương. Ảnh: M.H
Lễ hội Chùa Chợ Hến năm 2023 chính thức tổ chức phần lễ trang trọng vào sáng ngày 22/4 với sự tham gia của lãnh đạo huyện Hưng Nguyên, xã Hưng Yên Bắc và đông đảo Nhân dân địa phương. Ảnh: M.H

Đồng chí Thái Huy Dũng – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hưng Yên Bắc cho rằng: Tôn trọng các giá trị lịch sử và văn hóa của dân tộc, đặc biệt là văn hóa tín ngưỡng dân gian là trách nhiệm của mỗi thế hệ. Việc tổ chức lễ hội chùa Chợ Hến định kỳ hàng năm nhằm giáo dục truyền thống và tưởng nhớ công đức của các bậc tiền bối đã có công vì đất nước trong các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, từ đó có ý thức trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay. Đồng thời thông qua các hoạt động tại lễ hội, tạo môi trường sinh hoạt văn hóa tâm linh lành mạnh và không gian sinh hoạt, giao lưu văn hóa, thể dục – thể thao sôi nổi trong cho các tầng lớp Nhân dân; góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cũng như thúc đẩy phong trào văn nghệ, thể dục, thể thao ở địa phương phát triển.

Lễ hội thu hút đông đảo Nhân dân đến chiêm bái. Ảnh: M.H
Lễ hội thu hút đông đảo Nhân dân đến chiêm bái. Ảnh: M.H

Đặc biệt hiện nay, phát triển du lịch đang được coi là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, của tỉnh; ở vị trí và cảnh quan đẹp cùng với những giá trị lịch sử, văn hóa, chùa Chợ Hến có thể trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh của Hưng Yên Bắc nói riêng và huyện Hưng Nguyên nói chung.

Nhằm hiện thực hóa mong muốn này, bên cạnh quan công tác quản lý, bảo vệ di tích, thời gian tới địa phương cũng sẽ thu hút các nguồn lực để tiếp tục tu bổ, tôn tạo, nâng cấp di tích Lịch sử -Văn hóa nghệ thuật chùa Chợ Hến cũng như phát triển quy mô lễ hội chùa Chợ Hến; góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, đưa xã Hưng Yên Bắc phát triển giàu đẹp, văn minh.

Các hoạt động văn nghệ, thể thao sôi nổi tại lễ hội Chùa Chợ Hến năm 2023 thu hút đông đảo người dân tham gia. Ảnh: CTV
Các hoạt động văn nghệ, thể thao sôi nổi tại lễ hội Chùa Chợ Hến năm 2023 thu hút đông đảo người dân tham gia. Ảnh: CTV

Hưng Yên Bắc là xã có gần 60% giáo dân. Nơi đây, bà con lương – giáo luôn đoàn kết, đồng lòng, đồng thuận thực hiện các chủ trương, kế hoạch của cấp ủy, chính quyền và các phong trào do Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể triển khai.

Nổi bật, bà con đã tích cực khai thác lợi thế vườn đồi phát triển kinh tế nông – lâm kết hợp, nhiều mô hình trang trại vườn rừng kết hợp trồng chanh hàng hóa (toàn xã hiện có hơn 200 ha chanh địa phương và chanh không hạt) và chăn nuôi gà đồi, bò, lợn… Sản xuất lúa được người dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới vào đồng ruộng và các giống lúa chất lượng cao vào sản xuất với trên 70% diện tích.

Cùng với sản xuất nông nghiệp, Nhân dân cũng năng động phát triển các ngành nghề, như thành lập các tổ thợ xây, mộc, kinh doanh dịch vụ… Đặc biệt, phong trào xuất khẩu lao động được phát triển với gần 400 lao động đang làm việc tại nước ngoài. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 45 triệu đồng/năm (năm 2022).

Nhân dân Hưng Yên Bắc phát triển sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Hoàng Đức Chuyên - Thanh Tâm
Nhân dân Hưng Yên Bắc phát triển sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Hoàng Đức Chuyên - Thanh Tâm

Song song với phát triển kinh tế phát triển, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân chăm lo phát triển văn hóa – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh; đoàn kết xây dựng nông thôn mới nâng cao. Hiện tại, xã Hưng Yên Bắc đã đạt chuẩn Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế; 5/5 xóm đạt danh hiệu Làng Văn hóa. 2 trường tiểu học và mầm non đang hoàn thiện các tiêu chí đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2025.