Đền Ông Hoàng Mười ở phía Nam tỉnh Nghệ An, trên tuyến Quốc lộ 1A, cách thành phố Vinh 2 km. Trên địa thế hình mỏ Hạc, cạnh sông Mộc, Đền Ông Hoàng Mười còn có tên chữ là “Mỏ Hạc linh từ”.
Đền được xây dựng từ thời hậu Lê (thế kỷ XVII) tại làng Xuân Am (nay là xóm 5, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên) để tưởng nhớ và tri ân công đức của Quan Hoàng Mười. Theo hệ thống Đạo Mẫu, Quan Hoàng Mười là con thứ mười của Đức Vua cha Bát Hải Động Đình, vốn là thiên quan trên Đế Đình, thần tiên trong chốn Đào Nguyên. Hiện nay, tại đền còn lưu truyền sự tích về Quan Hoàng Mười, người văn võ toàn tài, có công dựng nền thịnh trị, ổn định cuộc sống cho nhân dân quanh vùng. Đặc biệt, ngài luôn quan tâm, gần gũi, giúp đỡ những người dân nghèo khó; là một vị tướng tài có công lớn trong cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn. Ngài bị thương nặng, phi ngựa về đến quê nhà thì mất, dân làng chưa kịp mai táng, mối đã đùn đất lên quanh thi hài thành một ngôi mộ. Triều đình và nhân dân thương tiếc lập đền thờ bên cạnh ngôi mộ để làm nơi tưởng niệm ngài.
Công lao của Quan Hoàng Mười đã được các triều đại phong kiến ghi nhận và ban các thần hiệu “Khâm Sai Tiết Chế Nghệ An, Quảng Nam, Thuận Hóa Đẳng Xứ, Kiêm Thủy Bộ Chư Dinh, Bình Chương Quân Quốc Trọng Sự, Thái Úy, Vị Quốc Công”. Tại Đền hiện còn lưu giữ 21 sắc phong do các triều đại phong kiến Việt Nam ban tặng.
Trải qua nhiều thăng trầm của thời gian và qua nhiều đợt trùng tu, tôn tạo, Đền Ông Hoàng Mười vẫn lưu giữ được những kiến trúc, nghệ thuật đặc sắc và nhiều tài liệu, hiện vật đồ tế khí quý hiếm. Với những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, khoa học và nghệ thuật, đền Ông Hoàng Mười được UBND tỉnh xếp hạng Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp tỉnh năm 2002 và công nhận điểm du lịch văn hoá tâm linh năm 2018. Năm 2019, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (tại Quyết định số 2970/QĐ-BVHTTDL ngày 27/8/2019).
Lễ hội Đền Ông Hoàng Mười được hình thành và tồn tại với lịch sử của Đền. Trước đây, Lễ hội Đền Ông Hoàng Mười được tổ chức vào ngày 15 tháng 3 (âm lịch) hàng năm. Từ năm 1995, sau khi ngôi đền được phục dựng lại, lễ hội đền được chuyển vào ngày 09, 10 tháng 10 (âm lịch) hàng năm – ngày hóa của Quan Hoàng Mười, dịp tết cơm mới/tết Trùng thập/tết Hạ nguyên, ngày lễ của những người thực hành nghi lễ hầu đồng; ngày mà người dân tin là ngày tròn trịa, viên mãn, mang lại nhiều điều tốt đẹp, còn ngày 15 tháng 3 hàng năm chỉ tổ chức thắp hương, dâng lễ.
Lễ hội Đền Ông Hoàng Mười được tổ chức theo các nghi lễ truyền thống trang nghiêm, gồm lễ khai quang, lễ rước sắc, lễ yết cáo, lễ đại tế và lễ tạ. Nét đặc sắc Lễ hội Đền Ông Hoàng Mười là các hoạt động được gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu, đó là diễn xướng nghi lễ hầu đồng, đáp ứng nhu cầu thực hành tín ngưỡng giao tiếp, biểu đạt những ước muốn, khát vọng của du khách với thần linh (tín ngưỡng thờ mẫu một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đã được UNESCO công nhận).
Hầu đồng Quan Hoàng Mười có những nét đặc sắc khác biệt với các bài hát chầu văn ca ngợi công danh hiển hách của Quan Hoàng Mười, được cung văn tấu theo lối hát dân ca Nghệ Tĩnh. Ngài xuất hiện với phong cách đặc trưng của người con xứ Nghệ, đại diện cho cốt cách, khí phách con người xứ Nghệ: oai hùng, xông pha trận mạc, hào hoa, phong nhã, lãng mạn, yêu văn chương, thơ phú. Lễ hội Đền Ông Hoàng Mười là nơi bảo lưu những phong tục tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống của dân tộc; đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá tâm linh của Nhân dân.
Để tiếp tục bảo tồn, phát huy, lan tỏa giá trị Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Đền Ông Hoàng Mười; theo chia sẻ của bà Hoàng Thị Hoài Thanh – Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Hưng Nguyên, Trưởng Ban quản lý di tích Đền Ông Hoàng Mười, huyện Hưng Nguyên đã tập trung đầu tư mở rộng, xây dựng và nâng cấp các hạng mục từ khu vực tâm linh đến khu dịch vụ bằng nguồn công đức và nguồn xã hội hoá hơn 110 tỷ đồng. Huyện cũng xác định đây là điểm văn hóa tâm linh quan trọng của tỉnh, từ đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức hoạt động và quản lý nhằm phát huy tốt giá trị của di tích. Cùng với đó, các hoạt động Lễ hội Đền Ông Hoàng Mười được huyện Hưng Nguyên nghiên cứu đổi mới theo từng năm nhằm dần nâng tầm quy mô đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá tâm linh, thưởng ngoạn của Nhân dân địa phương và du khách thập phương.
Lễ hội Đền Ông Hoàng Mười năm nay được tổ chức trong hai ngày 21 – 22/11/2023 (tức ngày 09 – 10/10 âm lịch) với nhiều hoạt động đặc sắc; vừa đảm bảo các yếu tố truyền thống, vừa mở rộng quy mô, đa dạng, phong phú các hoạt động văn hóa dân gian kết hợp hiện đại. Về phần lễ, có lễ Mộc dục, lễ Khai tiệc, lễ khai quang, lễ rước sắc, lễ yết cáo, lễ đại tế, lễ tạ. Để tạo sự hấp dẫn và mở rộng không gian của lễ hội, tạo môi trường hưởng thụ văn hóa cho Nhân dân địa phương và các du khách; phần Lễ rước sắc được tổ chức rước bằng cả đường bộ và đường thủy trên dòng sông Mộc.
Về phần hội cũng hứa hẹn nhiều hoạt động sôi nổi. Ngoài thi đấu bóng chuyền với 16 đội, thu hút hơn 200 vận động viên tham gia và hoạt động trình diễn nhảy dân vũ thu hút hàng trăm người dân đến từ các xóm, thuộc xã Hưng Thịnh; thì điểm nhấn đặc trưng của Lễ hội Đền Ông Hoàng Mười là hoạt động đua thuyền, gồm 7 đội đua và Lễ thả đèn hoa đăng trên sông Mộc nằm cầu cho quốc thái dân an, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của người dân cùng du khách. Đêm khai Hội được huyện Hưng Nguyên chuẩn bị công phu với màn trống hội và xây dựng chương trình sử thi chào mừng.
Tại lễ hội được bố trí gian hàng trưng bày các sản phẩm làng nghề truyền thống, các sản phẩm mang tính đặc sản, sản phẩm OCOP, đáp ứng nhu cầu mua sắm, thưởng thức các sản phẩm địa phương. Trong khuôn khổ lễ hội năm nay, Ban Tổ chức lễ hội cũng tổ chức lễ trao quà cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn tại xã Hưng Thịnh, gồm hỗ trợ làm 10 nhà ở và hỗ trợ phương tiện đi lại với 10 xe máy, 100 xe đạp cho học sinh đến trường; 10 suất học bổng,…
Việc tổ chức Lễ hội Đền Ông Hoàng Mười nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc; tưởng nhớ công đức của các vị phúc thần, trong đó, nhân vật thờ chính là Ông Hoàng Mười. Lễ hội cũng góp phần giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước; truyền thống “uống nước nhớ nguồn” cho các tầng lớp Nhân dân; đồng thời quảng bá hình ảnh quê hương, con người Nghệ An giàu truyền thống lịch sử, văn hoá, cách mạng và huyện Hưng Nguyên nói riêng. Việc tổ chức lễ hội cũng góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch văn hóa tâm linh và các ngành kinh tế khác của địa phương phát triển theo Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về Phát triển du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn./.