Bảo vệ, phát huy giá trị di sản thiên nhiên Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An
Góp ý các biện pháp tăng cường hiệu quả công tác của Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An, đại diện các sở, ngành, địa phương đã đề xuất nhiều ý kiến thiết thực nhằm tiếp tục bảo vệ tốt, phát huy hiệu quả giá trị di sản thiên nhiên của tỉnh; đặc biệt là triển khai các mô hình sinh kế dưới tán rừng.
Ngày 26/12, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị tổng kết các hoạt động Dự án BR và kết quả thực hiện nhiệm vụ Văn phòng Ban quản lý Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An năm 2024, định hướng năm 2025.
Tham dự có đồng chí Bùi Xuân Trường - Quản đốc Ban quản lý Dự án BR, Bộ Tài nguyên và Môi trường; đại diện lãnh đạo UBND các huyện, xã, các cơ quan, đơn vị liên quan. Ông Nguyễn Danh Hùng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Ban quản lý Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An chủ trì hội nghị.
Ban quản lý Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An có nhiệm vụ quản lý và điều phối các hoạt động, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn 7 tiêu chí của UNESCO đối với Khu Dự trữ sinh quyển thế giới; phát huy tốt 3 chức năng của Khu dự trữ sinh quyển (bảo tồn, hỗ trợ, phát triển).
Năm 2024, Văn phòng Ban quản lý Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây hoàn thành tốt các nhiệm vụ, đặc biệt là phối hợp triển khai nhiều chương trình, dự án có hiệu quả. Tiêu biểu như phối hợp triển khai nghiên cứu khoa học với mục tiêu nâng cao hiệu quả cung ứng dịch vụ môi trường rừng; đánh giá và đề xuất giải pháp thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững trong Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An; hỗ trợ triển khai các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn loài trên địa bàn huyện Kỳ Sơn; hỗ trợ xây dựng mô hình sinh kế trong Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An...
Trong đó, đặc biệt chú trọng việc phối hợp triển khai thực hiện Dự án “Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam” (viết tắt là dự án BR).
Dự án BR được Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ thông qua Chương trình Phát triển Liên hợp quốc triển khai trong 5 năm (từ năm 2019-2024), do Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện.
Địa điểm thực hiện dự án tại Hà Nội và 3 Khu Dự trữ sinh quyển: Khu Dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm - tỉnh Quảng Nam, Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai - tỉnh Đồng Nai và Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An.
Tại hội nghị, đã có nhiều ý kiến tâm huyết của các đại biểu là đại diện các cơ quan, đơn vị, địa phương, góp ý nhiều giải pháp nhằm phát huy hiệu quả hơn nữa công tác phối hợp triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ chung, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản thiên nhiên Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An.
Nhiều đại biểu bày tỏ mong muốn Ban quản lý Khu Dự trữ sinh quyển cũng như các địa phương, đơn vị liên quan với chức năng, nhiệm vụ riêng tích cực phối hợp, thực hiện các nội dung nhằm phát huy giá trị khu dự trữ sinh quyển thế giới của tỉnh.
Trong đó, ưu tiên các nội dung như: nhân rộng các mô hình sinh kế; tăng cường công tác truyền thông; tăng cường liên kết, trao đổi, chia sẻ giữa các địa phương, các cơ quan, đơn vị và các tổ chức trong các hoạt động liên quan; hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại các khu vực vùng lõi, vùng đệm Khu Dự trữ sinh quyển…
Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An trải rộng trên địa bàn hơn 2.000 thôn, bản vùng miền núi của tỉnh, với dân số hơn 1 triệu người. Vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển nằm trên địa bàn 21 xã với dân số 119.377 người, chiếm 11,31% dân số toàn khu. Đây là khu vực có các rừng đặc dụng có giá trị hết sức đặc biệt về thiên nhiên, là mẫu chuẩn hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Vùng đệm Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An nằm trên địa bàn 68 xã, dân số khoảng 248.219 người, hiện còn rất nhiều khu vực có giá trị đa dạng sinh học cao.