Cộng đồng phát triển cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên ở Tương Dương - Bài 2: Đổi thay ở Na Kho
Hơn 2 năm nay, bản Na Kho, xã Nga My của huyện biên giới Tương Dương có nhiều đổi thay trong phát triển kinh tế. Sự đổi thay rõ nhất là về phát triển kinh tế với những mô hình “lạ mà quen” từ trồng dược liệu.
Bản Na Kho cách trung tâm xã Nga My, huyện Tương Dương hơn 20 km. Đón chúng tôi ở ngay nhà văn hóa của bản, Trưởng bản Na Kho Lữ Văn Uôn dẫn chúng tôi đi thăm mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng lớn nhất của bản. Đây cũng là mô hình đầu tiên mà 15 hộ của bản Na Kho được thụ hưởng từ năm 2022.
Cùng đi có một số hộ tham gia trồng dược liệu, là các hộ được thụ hưởng nguồn tài trợ của Dự án Hỗ trợ cộng đồng các xã vùng đệm phát triển cây dược liệu dưới tán rừng nhằm tăng thu nhập và bảo tồn đa dạng sinh học ở Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An. Trưởng bản Lữ Văn Uôn cho biết, đây là mô hình “lạ mà quen” của dân bản.
Lạ bởi đây là lần đầu tiên ở bản xa xôi này có một mô hình trồng dược liệu trên lưng chừng núi, dưới tán rừng, được đầu tư bài bản, được hướng dẫn tỉ mỉ về trồng cây dược liệu.
Quen bởi cây bách bộ là loài dược liệu quen thuộc với người dân nơi đây. Na Kho là xã vùng sâu của xã Nga My, nằm sâu trong vùng lõi của Khu BTTN Pù Huống, cuộc sống của người dân phụ thuộc nhiều vào các hoạt động khai thác tài nguyên rừng. Từ bao đời nay dân bản Na Kho thường khai thác tự nhiên củ bách bộ trong rừng để bán. Song trồng cây bách bộ dưới tán rừng thì chưa có ai làm.
Anh Lô Văn Sơn - một trong những hộ được thụ hưởng của Dự án Hỗ trợ cộng đồng các xã vùng đệm phát triển cây dược liệu dưới tán rừng nhằm tăng thu nhập và bảo tồn đa dạng sinh học ở Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An tại bản Na Kho cho biết, cả bản có 15 hộ tham gia chăm sóc vườn cây bách bộ hơn 3 ha, với khoảng 9.000 cây giống.
“Tôi và 14 hộ của bản tham gia chăm sóc cây bách bộ dưới tán rừng đã hơn 2 năm nay, từ tháng 7/2022. Cây sinh trưởng, phát triển tốt. Theo quy định của các hộ thì cứ 1 – 2 tuần cùng nhau lên thăm vườn, phát dọn cây cỏ xung quanh. Đây là loài cây ưa bóng mát nên không cần phát dọn nhiều, chỉ cần kiểm tra tình trạng phát triển, các choãi cắm để cây leo được chắc chắn. Trước đây, dân bản Na Kho khai thác củ bách bộ từ rừng tự nhiên, song ngày càng ít. Nay cây được trồng nên không còn phải trèo đèo, lội suối vào rừng sâu tìm củ nữa”, anh Lô Văn Sơn nói.
Người dân bản Na Kho cho biết, củ bách bộ khai thác tự nhiên sau khi mang về nhà được thương lái thu mua với giá 400 ngàn đồng/yến củ khô, hoặc 80.000 đồng/yến củ tươi. Nay được tài trợ vườn cây bách bộ, không chỉ giúp người dân có thêm nguồn thu nhập mà còn giúp thay đổi tư duy về trồng trọt, khai thác cây dược liệu địa phương.
Ông Kha Văn Thứ - Phó Chủ tịch UBND xã Nga My cho biết, từ năm 2022, người dân ở 2 bản của xã là Xốp Kho và Na Kho được thụ hưởng nguồn tài trợ từ Dự án Hỗ trợ cộng đồng các xã vùng đệm phát triển cây dược liệu dưới tán rừng nhằm tăng thu nhập và bảo tồn đa dạng sinh học ở Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An. Tại bản Na Kho là mô hình cây bách bộ hơn 3 ha, ở bản Xốp Kho là mô hình cây ba kích tím cũng hơn 3 ha và đều được trồng dưới tán rừng.
Cây bách bộ là một cây thuốc quý, có tác dụng trị viêm khí quản, lao phổi, ho gà, lỵ, amip; bệnh giun móc, giun tóc, giun kim; tình trạng ngứa ngáy đa, eczema, viêm đa. Củ bách bộ còn dùng diệt bọ chét, rệp, chấy rận, sâu bọ. Bách bộ là loại cây giống ưa khí hậu ôn hòa, ưa bóng khi còn nhỏ, thích đất pha cát, nhiều mùn, ẩm mát. Trồng vào mùa mưa, nếu không có mưa thì phải tưới. Sau 2 năm có thể khai thác củ. Để lâu (3 - 5 năm) thì củ to và chất lượng cao. Sản lượng đạt khoảng 6 - 10 tấn/ha, sau khi phơi/ sấy khô thu về 2 - 4 tấn khô.
Các vườn dược liệu không chỉ tạo thêm việc làm, nguồn thu nhập cho hàng chục hộ dân ở mỗi bản, mà còn giúp tăng cường hoạt động quản lý bảo vệ rừng, phục hồi và thu hái bền vững cây dược liệu dưới tán rừng; phát triển các mô hình nhân giống và trồng cây dược liệu dưới tán rừng; giúp nâng cao nhận thức và năng lực cộng đồng trong quản lý và phát triển cây dược liệu dưới tán rừng.
Dự án “Hỗ trợ cộng đồng các xã vùng đệm phát triển cây dược liệu dưới tán rừng nhằm tăng thu nhập và bảo tồn đa dạng sinh học ở Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Tây Nghệ An” do Trung tâm Môi trường và Tài nguyên sinh học (CEBR) và các chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật, Trường Đại học Vinh thực hiện.
Dự án này do Chương trình tài trợ các dự án nhỏ (SGP) - Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) điều phối thực hiện trong khuôn khổ Dự án: “Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam” (Dự án BR) do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện và GEF tài trợ thông qua UNDP Việt Nam.