Nông dân vùng cao Con Cuông 'tự quản chéo' để trồng dược liệu sạch

Hoài Thu - 07/04/2024 15:06
(Baonghean.vn) - Gần chục năm nay, cánh đồng trồng dược liệu của nông dân xã Châu Khê (Con Cuông) luôn đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng để nhập cho công ty bao tiêu sản phẩm nhờ cách làm “tự quản chéo” của cộng đồng.

Giữa cái nắng hơn 40 độ C đầu tháng 4/2024, người dân thôn 2/9, xã biên giới Châu Khê (Con Cuông) vẫn đội nắng ra thăm đồng, chuẩn bị cho vụ thu hoạch cà gai leo. Giữa cánh đồng bạt ngàn xanh của cây cà gai leo, vùng ruộng dược liệu của ông Nguyễn Thế Dũng nằm gần bên trục đường chính dẫn vào thôn Nông Trang cũ, nay là thôn 2/9. Đến độ thu hoạch, cây cà gai leo đã cao hơn nửa thân người, cành cây leo cao quấn vào nhau, chi chít gai nhọn.

BNA_0711.JPG
Cánh đồng trồng dược liệu ở thôn 2/9, xã biên giới Châu Khê (Con Cuông). Ảnh: H.T

Đầu giờ chiều, sau khi cùng với anh Nguyễn Văn Hà tham dự cuộc họp chi bộ của thôn, ông Dũng cùng với anh Hà mang theo dụng cụ ra cánh đồng dược liệu để thu hoạch, kịp nhập hàng theo lịch đã hẹn với công ty bao tiêu sản phẩm.

“Trước khi thu hoạch phải dùng sào tre tách dây quấn vào nhau giữa hai luống cạnh nhau để “mở đường” vào ruộng. Muốn thu hoạch cây cà gai leo này ít nhất phải có 2 người phối hợp mới làm được. Một người cắt gốc, một người dùng cào quấn dây cà thành cuộn như thế này", vừa thuyết minh cách thu hoạch, ông Dũng vừa thoăn thoắt làm.

Trước đây ở thôn 2/9 mía là cây trồng chủ lực, với hơn 130 hộ thì hầu như hộ nào cũng trồng mía. Song so với cây mía thì cà gai leo là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần. Mỗi ha cà gai leo, người dân chúng tôi đầu tư ban đầu khoảng 2 triệu đồng tiền phân bón, 600 ngàn đồng tiền vật liệu bao ni lông phủ chống cỏ và giữ ẩm, khoảng 1 triệu đồng tiền giống cho năm đầu tiên và lưu gốc 3-5 năm không cần đầu tư giống. Sau 6-8 tháng chăm sóc sẽ cho sản lượng khoảng 3 - 4 tấn cây tươi.

Với giá thu mua hiện nay khoảng 4.500 đồng/kg, người dân thu về 12 - 15 triệu đồng/ha/vụ. Mỗi năm thu hoạch 2 vụ, thu về trung bình 25 - 30 triệu đồng/ha. Ở thôn 2/9, hộ trồng ít cũng khoảng 2 sào, hộ trồng nhiều từ 4 - 7 sào như ông Nguyễn Thế Dũng 6 sào, anh Nguyễn Văn Hà trồng 5 sào…

BNA_0735.JPG
Thu hoạch cà gai leo phải cần ít nhất 2 người cùng phối hợp. Ảnh: H.T

“Từ 3 ha thử nghiệm ban đầu, nay người dân thôn 2/9 đã phát triển vùng dược liệu cà gai leo lên 10 ha, mang lại thu nhập cao hơn hẳn các loại nông sản khác đã trồng trước đây”, anh Nguyễn Văn Hà - Phó trưởng thôn 2/9 cho biết. Anh Hà cũng là một trong những hộ đầu tiên tham gia liên kết thí điểm trồng dược liệu của xã Châu Khê, cung cấp nguyên liệu cho một công ty dược liệu trên địa bàn.

Anh Nguyễn Văn Hà cho biết, trong hợp đồng ký kết bao tiêu sản phẩm với công ty thu mua có những điều khoản về đảm bảo chất lượng xanh, sạch, không được phép có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, nhiễm bệnh, sinh vật có hại cho sức khoẻ con người. Công ty bao tiêu sản phẩm cũng thường xuyên đột xuất lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng, vì thế, mẫu sản phẩm của hộ nào vi phạm sẽ bị cắt hợp đồng bao tiêu.

BNA_0747.JPG
Ông Nguyễn Thế Dũng thu hoạch cây cà gai leo vụ mùa tháng 4/2024. Ảnh: H.T

Anh Nguyễn Văn Hà cho biết, nếu nông sản không đảm bảo chất lượng sẽ ảnh hưởng không chỉ đến nguồn thu nhập của hộ vi phạm, mà cả cộng đồng cũng sẽ bị ảnh hưởng uy tín. Vì thế, ngay từ đầu triển khai trồng loại cây mới này ở thôn 2/9, các hộ tham gia đã đặt ra quy định “giám sát chéo” lẫn nhau về việc tuân thủ quy trình trồng theo hướng hữu cơ, xanh, sạch. Cây cà gai leo cũng ít khi bị dịch bệnh. Trong quá trình từ khi xuống giống, chỉ có giai đoạn cây đạt 1-2 tuần tuổi có thể bị nhiễm nấm bạc lá.

Nếu phát hiện cây bị bệnh nhiễm, hộ trồng phải báo với ban quản lý thôn và phun thuốc sinh học phòng trừ. Ngoài ra, các hộ chỉ được phép tưới nước, bón phân hữu cơ vi sinh theo hướng dẫn của công ty. Nhờ cách làm các hộ dân tự giám sát, giúp đỡ nhau trong sản xuất, gần chục năm nay, 10 ha vùng trồng cà gai leo ở thôn 2/9 luôn đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của vùng sản xuất dược liệu thiên nhiên. Đây cũng là cách để đảm bảo uy tín và giữ nguồn thu nhập ổn định cho các hộ từ cây cà gai leo.

Người dân thôn 2/9 thu hoạch cà gai leo. Clip: H.T
Chia sẻ ý kiến của bạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO