Bất an với những cây cầu yếu ở Nghệ An

Việt Phương 26/10/2019 08:20

(Baonghean) - Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện còn hàng trăm cây cầu có kết cấu yếu, không đảm bảo an toàn. Cầu xuống cấp luôn là nỗi lo lắng, bất an của người dân khi tham gia giao thông, nhất là trong mùa mưa lũ.

BẤT AN TỪ NHỮNG CÂY CẦU XUỐNG CẤP

Sau gần 15 năm sử dụng, cây cầu dân sinh bắc qua sông Thái nối 2 xã Quỳnh Hưng và Quỳnh Diễn đang xuống cấp nghiêm trọng. Cây cầu dân sinh này có chiều dài 40m, rộng 1m được nhân dân hai xã Quỳnh Diễn, Quỳnh Hưng đóng góp xây dựng vào năm 2005. Do được xây dựng từ lâu nên hai bên lan can cầu đã bị gãy đổ, xiêu vẹo; mỗi khi tham gia giao thông qua đây, là nỗi ám ảnh của rất nhiều người dân.

Cầu dài nhưng bề rộng chỉ được 1 mét, trong khi hệ thống lan can đảm bảo an toàn thì đỗ gãy; đây chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ ngã xe xuống sông gây đuối nước tử vong.

Hàng ngày để mưu sinh, nhân dân nơi đây phải đánh cược tính mạng trên cây cầu này du biết là rất nguy hiểm. Được biết, đã có hàng chục vụ ngã xe xuống sông khi đi qua cầu; trong đó gần đây có 3 vụ làm 3 người tử vong do đuối nước.

Cầu dân sinh bắc qua sông Thái nối 2 xã Quỳnh Hưng và Quỳnh Diễn đang xuống cấp nghiêm trọng.
Cầu dân sinh bắc qua sông Thái nối 2 xã Quỳnh Hưng và Quỳnh Diễn đang xuống cấp nghiêm trọng.

Được biết, UBND 2 xã Quỳnh Diễn và Quỳnh Hưng có tờ trình gửi tỉnh, huyện về việc xin chủ trương hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng lại cầu mới nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi. Về phía địa phương, do điều kiện ngân sách xã hạn hẹp, trong khi để làm mới cây cầu đòi hỏi kinh phí lớn.

Tương tự, cầu Phúc Giang (xã Phúc Thành, Yên Thanh) nằm trên tuyến đường giao thông trục chính của xóm Phúc Giang, kết nối khu dân cư phía trên và phía dưới xóm nên hàng ngày ngoài phục vụ giao thương buôn bán, tuyến đường này còn phục vụ cho học sinh đến các trường tiểu học và mầm non của xã. Năm 2010, do ảnh hưởng của cơn bão số 10, kèm theo mưa lớn đã làm sập và cuốn trôi cầu Phúc Giang.

UBND huyện cũng đã hỗ trợ kinh phí cho địa phương để đắp bù phụ đường tạm phục vụ nhân dân đi lại. Tuy nhiên, vào mùa mưa lũ do nước thượng nguồn của đập Quán Hài đổ về nhiều đã phá hủy hoàn toàn đường tạm, dẫn đến người dân bị cô lập, hoặc đi đường vòng tránh xa trong nhiều ngày liền, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh của nhân dân trong xóm. Cầu xuống cấp, vào mùa mưa lũ đi lại rất khó khăn nên chúng tôi rất mong được đầu tư phục vụ nhu cầu đi lại của bà con.

Ông Phan Văn Tuyên - Chủ tịch UBND huyện Yên Thành

Một địa phương khác có nhiều cầu cống cần được đầu tư là huyện Nghĩa Đàn. Hiện nay, trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn có hơn 50 cầu dân sinh trên các tuyến đường huyện, đường xã đã kết nối các vùng phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều cống, tràn thường ngập lụt về mùa mưa gây ách tắc giao thông, thậm chí có xã bị chia cắt cục bộ ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, đặc biệt là các cháu học sinh. Trong số đó có khoảng 10 cầu yếu cần nâng cấp, sửa chữa để đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia giao thông.

Cầu Găng nối Nghĩa Hưng với Nghĩa Hiếu vừa được đầu tư mới thay vì tràn tạm bợ nguy hiểm bên cạnh.
Cầu Găng nối xã Nghĩa Hưng với xã Nghĩa Hiếu vừa được đầu tư mới thay vì tràn tạm bợ nguy hiểm bên cạnh. Ảnh: Việt Phương

Trước những cây cầu xuống cấp, nguyện vọng chính đáng của người dân, các địa phương đã xác định đây là những công trình cấp bách cần sớm được khắc phục nhưng do kinh phí khó khăn nên lực bất tòng tâm.

Anh Phạm Ngọc Lưu - Phó phòng Hạ tầng, UBND huyện Nghĩa Đàn cho biết: Trong các tràn bị ngập lụt có tràn làng Găng nối xã Nghĩa Hiếu và xã Nghĩa Hưng, đây là một trong những vị trí bị ngập lụt nhiều nhất (thường từ 3 đến 4 ngày một đợt) mà cử tri xã Nghĩa Hưng kiến nghị qua mấy nhiệm kỳ HĐND nhưng do kinh phí của địa phương còn hạn chế nên một thời gian dài người dân phải đi lại trên tràn rất nguy hiểm, nhất là vào mùa mưa lũ.

NỖ LỰC XÂY DỰNG CẦU

Là địa phương có thời tiết khắc nghiệt, hàng năm, tỉnh Nghệ An phải gánh chịu nhiều mưa bão, nên việc đảm bảo an toàn cho người dân qua những cây cầu yếu, xuống cấp rất cần được quan tâm. Theo sở GTVT, trên địa bàn tỉnh hiện có hàng trăm cây cầu có kết cấu yếu, chịu tải trọng thấp, không đáp ứng được nhu cầu đi lại, vận chuyển, ảnh hưởng đến sự phát triển của kinh tế, xã hội ở địa phương. Để có thể sửa chữa và xây mới những cây cầu, trong những năm qua, tỉnh đã tranh thủ nguồn vốn của các chương trình, dự án khác, thậm chí là từ các tổ chức, cá nhân để đầu tư nâng cấp cầu.

cầu bản thắm châu hợp, Quỳ Hợp trước và sau khi được đầu t
Cầu bản Thắm ở xã Châu Cường (Quỳ Hợp) trước và sau khi được đầu tư bằng nguồn vốn dự án LRAMP. Ảnh: Việt Phương

Năm 2017, Nghệ An là một trong 50 tỉnh được thụ hưởng từ Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) từ nguồn vốn hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (WB). Thực hiện dự án, Nghệ An được đầu tư 102 cầu với tổng mức 222,7 tỷ đồng, chia thành 7 dự án thành phần. Nhiều cây cầu xuống cấp, không đảm bảo an toàn đã được các địa phương rà soát, tổng hợp để lựa chọn đầu tư.

Quá trình triển khai xây dựng, Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các địa phương trong tỉnh rà soát nhu cầu cũng như lựa chọn vị trí xây dựng cầu đảm bảo theo tiêu chí của dự án, chủ đầu tư là Ban Quản lý đường bộ 4 (Tổng Cục đường bộ Việt Nam) trực tiếp kiểm tra thực địa thi công. Về phía địa phương sẽ chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng, vận động người dân hiến đất và thực hiện công tác rà phá bom mìn tại các địa điểm lựa chọn.

Trong năm 2018, 4 dự án thành phần với 34 cầu, cống đã được hoàn thành; năm 2019 tiếp tục thi công hơn 60 cây cầu...

Hiện các đơn vị liên quan đang tập trung nhân lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành 102 cầu cống như kế hoạch đề ra; cầu Phúc Giang (xã Phúc Thành, Yên Thành) cũng được lên kế hoạch đầu tư dịp này.

Ông Nguyễn Duy An - Trưởng phòng dự án 1- Ban quản lý Dự án CTGT, Sở GTVT Nghệ An

Năm 2018, 2019, nhờ dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (Bộ Giao thông vận tải) đầu tư mà Nghĩa Đàn được xây dựng mới 7 cầu dân sinh, trong đó có cầu Găng nối Nghĩa Hưng với Nghĩa Hiếu. Đến nay, các hạng mục đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng, đáp ứng sự mong mỏi bấy lâu của người dân.

Cầu thầy Đồng, Thanh Xuân, Thanh Chương mới được đầu tư từ dự án do WB tài trợ.
Cầu Thầy Đồng, xã Thanh Xuân (Thanh Chương) vừa mới được đầu tư từ nguồn vốn WB.

Cầu dân sinh được triển khai chính là cơ hội lớn để hoàn thiện hệ thống cầu đường tại địa phương bởi vì qua rà soát cho thấy nhu cầu xây dựng cầu dân sinh trên địa bàn tỉnh hiện nay còn rất lớn. Lãnh đạo sở GTVT cho biết, ngoài dự án LRAMP, tỉnh cũng đã tranh thủ nguồn vốn của bộ, ngành Trung ương, tổ chức xã hội tăng cường sửa chữa, xây dựng mới thay thế các cây cầu yếu.

Mới nhất

x
Bất an với những cây cầu yếu ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO