7 cá thể hổ con về Vườn quốc gia Pù Mát đã hồi phục
(Baonghean.vn) - Sáng 2/8/2021, Vườn quốc gia Pù Mát cho biết: 7 cá thể hổ con đã được các cán bộ cứu hộ của Vườn quốc gia Pù Mát mớm sữa nên chúng đã nhanh chóng hồi phục và bắt đầu chơi đùa.
Ngày 1/8, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Nghệ An đề nghị Vườn quốc gia Pù Mát tiếp nhận cứu hộ 7 cá thể hổ từ một vụ buôn bán và vận chuyển trái phép động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ. Vườn đã phối hợp cùng Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW) nhanh chóng đến hiện trường để kịp thời chăm sóc, cho uống sữa và cứu hộ 7 cá thể hổ con.
Cán bộ cứu hộ cho hổ con uống sữa để phục hồi sức khỏe. Ảnh: Xuân Cường |
Như baonghean.vn đã đưa tin, ngày 1/8, Đội 3 Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Nghệ An kiểm tra xe mang BKS 37A - 032.58 do 2 đối tượng Trần Trung Hiếu (SN 1984), trú thị trấn Tây Sơn, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) và Nguyễn Văn Lai (SN 1967, trú xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) điều khiển đang vận chuyển trái phép một số động vật hoang dã (hổ) không có thủ tục giấy tờ từ thị trấn Hương Sơn, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đi qua địa bàn Nghệ An để tiêu thụ.
Đối tượng Nguyễn Văn Lai cho biết, 7 cá thể hổ con này được một người Lào (không rõ tên) thuê vận chuyển ra địa bàn huyện Diễn Châu (Nghệ An).
Chỉ trong thời gian ngắn, các cán bộ cứu hộ đã nhanh chóng, kịp thời đến hiện trường để chăm sóc cho các cá thể hổ. Một số cá thể hổ con đã bị kiệt sức do nhốt trong rọ nhựa chật chội, khát nước và bị bỏ đói trong quá trình vận chuyển. Các cán bộ cứu hộ của Vườn quốc gia Pù Mát đã sử dụng loại sữa mèo nhập khẩu chuyên dụng để mớm cho các cá thể hổ nên chúng đã nhanh chóng hồi phục và bắt đầu chơi đùa.
Hổ con được thả vào các chuồng cách ly để chăm sóc tại Trung tâm Cứu hộ Pù Mát. Ảnh: Xuân Cường |
Sau khi hoàn tất các thủ tục chuyển giao, 7 cá thể hổ con và đoàn cứu hộ đã được các chiến sỹ công an tỉnh Nghệ An trực tiếp hộ tống đến trung tâm cứu hộ ở Vườn quốc gia Pù Mát để chăm sóc. Tại đây các cá thể hổ sẽ được chăm sóc và cho uống sữa 2-3 tiếng/lần.
Ông Trần Xuân Cường - Giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát cho biết, cá thể hổ cuối cùng chụp được ngoài tự nhiên ở Việt Nam là tại Vườn quốc gia Pù Mát năm 1999. Hơn 20 năm nay, không còn thấy bất kỳ bức ảnh hổ ngoài tự nhiên ở Việt Nam. Vì vậy Trung tâm cứu hộ tại VQG Pù Mát không có các thiết kế và cơ sở vật chất để cứu hộ các cá thể hổ trưởng thành. Mặc dù vậy, nếu không cứu hộ 7 cá thể hổ trên sẽ không có cơ hội được sống sót. Vì vậy VQG Pù Mát sẽ phối hợp cùng Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam cố gắng chăm sóc khỏe mạnh cho 7 cá thể hổ trên và chờ quyết định của cơ quan chức năng để chuyển đến nơi có cơ sở vật chất để chăm sóc hổ.
Theo nghiên cứu, Hổ Đông dương (Panthera tigris) là loài động vật đang ở mức cực kỳ nguy cấp ở Việt Nam, chỉ còn dưới 3 con trong tự nhiên ở Việt Nam. Phần lớn hổ được nuôi tại 21 trang trại và cơ sở nuôi hợp pháp với số lượng hơn 300 cá thể, trong đó còn nhiều cá thể hổ bị nuôi trái phép các trang trại hoặc hộ gia đình. Đợt cứu hộ lần này lại một lần nữa chứng minh rằng hoạt động buôn bán hổ bất hợp pháp vẫn đang hoạt động ngấm ngầm mạnh mẽ ở Việt Nam.
Các cá thể hổ bị nhốt trong các lồng nhựa chật chội. Ảnh: Xuân Cường |
Theo ông Nguyễn Văn Thái - Giám đốc Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam và là người làm bảo tồn đầu tiên của Việt Nam đạt giải Goldman năm 2021 (giải được ví như Nobel Xanh): trên thế giới chưa có việc tái thả thành công hổ được sinh ra trừ trong môi trường nuôi nhốt về với tự nhiên do chúng khó có cách tập tính hoang dã có thể săn bắt mồi và do quen với con người nên gây ra các nguy cơ đe dọa đến sự an toàn của cộng đồng gần nơi định tái thả. Vì thế chúng tôi cần phải tìm một ngôi nhà mới để có thể chăm sóc và nuôi những cá thể hổ này lâu dài.