Kinh tế

Bắt nhịp xu hướng kinh tế mới, ngoại giao đi trước một bước

Hoài Thu 30/07/2024 11:15

Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế, các đại sứ Việt Nam ở nước ngoài, trưởng các bộ, ngành, hiệp hội kinh doanh trong nước cũng như các địa phương, trong đó có Nghệ An đã triển khai nhiều hoạt động hiệu quả. Đồng thời, dự báo, đề xuất các giải pháp nắm bắt, đón đầu các xu hướng kinh tế mới để bắt nhịp với thị trường toàn cầu nhằm tăng khả năng cạnh tranh.

Nhận định xu hướng kinh tế mới

Ngày 15/8/2022, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 15-CT/TW về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ đã xây dựng kế hoạch và triển khai.

ngoại giao kinh te
Thông qua mạng lưới 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam đã ký kết với 60 đối tác kinh tế trên toàn thế giới trong 6 tháng đầu năm 2024. Ảnh minh họa: HT

Sau gần 2 năm, với những nỗ lực đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế, nhiều đoàn khảo sát đầu tư quốc tế, nhiều dự án lớn đã đến với các địa phương Việt Nam. Tại Hội nghị đẩy mạnh ngoại giao kinh tế diễn ra ngày 18/7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đón nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào, như: NVIDIA, Apple, Intel, Google, Inforsys, Siemens... Cùng với đó là đón các đoàn hàng trăm doanh nghiệp lớn từ Bắc Âu, Mỹ, Canada, Nhật Bản...

Các đại sứ quán, bộ, ngành cũng tranh thủ tối đa lợi thế mạng lưới 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết với các tổ chức, quốc gia để ký kết được với 60 đối tác, thúc đẩy đàm phán nâng cấp nhiều FTA hiện hành và tăng tốc đàm phán FTA với các đối tác mới, thúc đẩy đầu tư, thu hút nguồn lực để phát triển các ngành mới, đột phá.

Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, với những hoạt động ngoại giao cấp cao giữa Việt Nam và Trung Quốc thời gian qua đã tạo xung lực mạnh mẽ, mở ra các cơ hội và không gian hợp tác mới cho quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước; tạo nhiều cơ hội gia tăng xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam sang Trung Quốc. Ngoài ra, một lĩnh vực tiềm năng khác của thị trường Trung Quốc cần đẩy mạnh khai thác, đó là thu hút khách du lịch khi hai bên đã cơ bản khôi phục các chuyến bay thương mại với khoảng 200 chuyến/tuần.

Sản xuất dược liệu sạch tại huyện Con Cuông.
Xuất khẩu nông sản và dược liệu sang Trung Quốc hiện nay đang đà tăng trưởng tích cực. Ảnh: Hoài Thu

Về làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới, ông Phạm Sao Mai kiến nghị cần tiếp tục đăng ký thêm các doanh nghiệp xuất khẩu và vùng trồng đối với các sản phẩm nông sản đã được mở cửa thị trường giữa Việt Nam - Trung Quốc. Cùng với đó, cần thúc đẩy ký kết các nghị định thư về xuất khẩu nông sản; về vệ sinh và kiểm dịch sản phẩm thủy sản khai thác tự nhiên; về mở cửa xuất khẩu một số trái cây và dược liệu khác…

Trung Quốc hiện đang đẩy mạnh phát triển hệ thống các ngành nghề hiện đại làm động lực sản xuất chất lượng mới như sản xuất ô tô năng lượng mới, pin năng lượng mặt trời… Vì vậy, doanh nghiệp Việt cần lưu ý hướng hợp tác về khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, công nghệ bảo quản và chế biến nông, lâm, thuỷ sản; xuất khẩu các thiết bị tiêu dùng xanh, cung cấp các sản phẩm thương mại, dịch vụ du lịch để khai thác tiềm năng “kinh tế tóc bạc” do vấn đề già hoá dân số ở Trung Quốc được dự báo sẽ là thị trường tiềm năng lớn.

Một thị trường khác mà người dân, doanh nghiệp Việt Nam quan tâm, khai thác đã nhiều năm nay, mang lại hiệu quả kinh tế cao là Nhật Bản. Dự báo về xu hướng kinh tế ở Nhật Bản, ông Phạm Quang Hiệu - Đại sứ Việt nam tại Nhật Bản nêu: Nửa đầu năm 2024, hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản có một số kết quả đáng kể như về khoa học công nghệ, nghiên cứu đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, xuất khẩu hàng dệt may, và sắp tới là lĩnh vực chuyển đổi số. Hiện nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản vừa xúc tiến thành lập Hiệp hội chuyển đổi số Việt Nam tại Nhật Bản.

Xuất khẩu lao động sang Nhật Bản đang được đẩy mạnh ảnh tư liệu Minh Quân
Xuất khẩu lao động sang Nhật Bản đang được đẩy mạnh. Ảnh tư liệu: Minh Quân

Ngoài ra, xuất khẩu lao động sang Nhật Bản tiếp tục dự báo tăng. Riêng nửa năm 2024 đã có hơn 40 nghìn lao động Việt Nam đến Nhật Bản làm việc (chiếm 60% số lượng người Việt xuất khẩu lao động ở nước ngoài, và là lực lượng nhập khẩu lao động lớn nhất ở Nhật Bản).

Bên cạnh đó, tại Nhật Bản hiện có 2 xu hướng kinh doanh mới cần lưu ý khai thác, đó là doanh nghiệp Nhật Bản tận dụng các cơ chế thu hút đầu tư FDI của Việt Nam để phát triển chế biến thuỷ, hải sản Việt Nam xuất khẩu sang nước thứ ba, hoặc xuất khẩu trở lại Nhật. Xu hướng thứ hai là đầu tư mua bán gián tiếp tăng thông qua mua bán, sáp nhập doanh nghiệp.

Cũng thông qua Hội nghị đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế, các bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp trong nước đã đưa ra những nhận định về xu hướng phát triển kinh tế, sản xuất, kinh doanh mới trên thế giới mà Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt. Đó là ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số; phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, logistics; sản xuất công nghệ cao như chip bán dẫn; nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn; các ngành năng lượng mới…

Nghệ An đẩy mạnh ngoại giao kinh tế

Thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành kế hoạch triển khai với 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó chú trọng mở rộng, làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác, nhất là với các nước láng giềng, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện; Xây dựng ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; Thực thi và tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) và các hiệp định thương mại mà Việt Nam là thành viên, nhằm gắn Nghệ An vào chuỗi cung ứng quốc gia và quốc tế; chủ động thực thi các quy tắc và luật lệ chung về thương mại quốc tế.

Chế biến thuỷ hải sản để xuất khẩu sang nước thứ ba đang là xu hướng mới trong đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài ảnh tư liệu Thu Huyền
Chế biến thuỷ hải sản để xuất khẩu sang nước thứ ba đang là xu hướng mới trong đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài. Ảnh tư liệu Thu Huyền

Đặc biệt, trong nửa đầu năm 2024, UBND tỉnh đã cử 42 đoàn đi công tác nước ngoài tại Úc, Trung Quốc, Thái Lan, Lào và các nước châu Âu theo kế hoạch đã phê duyệt, với mục đích củng cố và mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác nước ngoài, thu hút đầu tư, thương mại, du lịch và các lĩnh vực khác.

Đồng thời, tổ chức đón tiếp và làm việc với 13 đoàn/198 lượt người nước ngoài; cấp phép đối với 38 đoàn/121 lượt người nước ngoài vào làm việc, chủ yếu để đối ngoại, khảo sát, tìm hiểu đầu tư, làm việc theo các chương trình, dự án... Thông qua công tác ngoại giao kinh tế giữa lãnh đạo tỉnh Nghệ An với các địa phương nước ngoài, năm 2024 đã có 1 thỏa thuận quốc tế được ký kết giữa Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Nghệ An và Hội Doanh nhân Việt Nam tại Úc.

Đoàn công tác tỉnh Nghệ An thăm trang trại công nghệ cao ở Australia ảnh tư liệu Thanh Huyền..
Đoàn công tác tỉnh Nghệ An thúc đẩy ngoại giao hợp tác kinh tế tại Australia. Ảnh tư liệu: Thanh Huyền

UBND tỉnh cũng đẩy mạnh kết nối đầu tư với các nhà đầu tư đến từ các nước, vùng lãnh thổ như: Hàn Quốc, Đài Loan, Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, các nước châu Âu…; làm việc với các nhà đầu tư lớn, như Tập đoàn Indochina Capital Vietnam, Liên doanh nhà đầu tư Công ty cổ phần Dears Brain và Công ty TNHH N&V Bridge, nhà đầu tư Best Pacific International Holdings Limited (Trung Quốc), Văn phòng JICA Việt Nam... nhằm đẩy nhanh tiến độ các công trình dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh; Phối hợp với các nhà đầu tư hạ tầng VSIP, WHA, Hoàng Thịnh Đạt kết nối và làm việc với doanh nghiệp tìm hiểu đầu tư vào Khu kinh tế Đông Nam như: Tập đoàn Hainan Drinda New Energy Technology (Trung Quốc), Công ty Asia Potash (Trung Quốc), Công ty xe điện HB (Hàn Quốc), Công ty Logistics Việt Nhật (Nhật Bản), Công ty US Asia Links (Hoa Kỳ)...

6 tháng đầu năm 2024: Nghệ An có 6.284 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 1.350,5 triệu USD; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 1.018,45 triệu USD. Cấp mới 3 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 48 triệu USD.

Hiện nay, tỉnh đang triển khai huy động 6 dự án mới sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 8,86 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn vay dự kiến hơn 6,87 nghìn tỷ đồng. Hiện đã có 1 dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, chuẩn bị ký kết hiệp định vay với nhà tài trợ.

Mới nhất
x
Bắt nhịp xu hướng kinh tế mới, ngoại giao đi trước một bước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO