Bầu cử Mỹ lại 'rối ren' vì hacker

(Baonghean) - Trong khi đảng Dân chủ Mỹ cùng với Cục điều tra Liên bang (FBI) vẫn còn đang loay hoay xử lý hậu quả sau vụ tấn công của hacker nhằm vào Ủy ban quốc gia của Đảng dân chủ làm lộ hàng chục nghìn tài liệu mật, cuối tuần qua, một tin tặc lại tiếp tục thâm nhập vào hệ thống máy tính của đảng Dân chủ, thậm chí còn ngang nhiên công khai cả mật khẩu để xâm nhập hệ thống. Những vụ xâm nhập liên tiếp này đang gây áp lực lớn cho Mỹ cả về đối nội và đối ngoại, khi vòng bầu cử cuối cùng vào ngày 8/11 đang tới gần.

Cử tri hoài nghi

Cuộc xâm nhập mới nhất được một tin tặc có biệt danh là Guccifer 2.0 thực hiện vào hôm 13/8, sau đó “tung hê” lên mạng các tài liệu nội bộ của đảng Dân chủ liên quan đến cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới bao gồm thông tin của toàn bộ thành viên đảng Dân chủ trong Hạ viện gồm tên, số điện thoại, địa chỉ email và cả… mật khẩu để đăng nhập hệ thống.

Nhiều thông tin trong chiến dịch tranh cử của đảng Dân chủ bị công khai trên mạng. Ảnh: AFP.
Nhiều thông tin trong chiến dịch tranh cử của đảng Dân chủ bị công khai trên mạng. Ảnh: AFP.

Với những tài liệu đánh cắp được, Guccifer 2.0 cáo buộc cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang bị “thao túng từ sau hậu trường”, và cử tri Mỹ sẽ không được đóng vai trò quyết định trong “màn trình diễn chính trị” này.

Vụ hacker xâm nhập mạng máy tính của đảng Dân chủ khiến dư luật lập tức lật lại vụ 20.000 email của đảng Dân chủ bị WikiLeaks công bố hôm 22/7. Nội dung các email đã phanh phui mối quan hệ giữa giới chức của đảng Dân chủ và một số nhân vật có ảnh hưởng trong giới truyền thông Mỹ, cùng lúc phối hợp với bà Hillary Clinton để loại bỏ ứng viên đối thủ Bernie Sanders.  

Việc hệ thống của đảng Dân chủ liên tiếp bị xâm nhập trong vòng chưa đầy 1 tháng khiến cử tri hết sức lo ngại khi chỉ còn hơn 3 tháng nữa là diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Trong vụ việc hồi tháng 7, một quan chức của Ủy ban tranh cử đảng Dân chủ tiết lộ hacker đã truy cập vào máy chủ chương trình phân tích trong khoảng 5 ngày.

Còn trong vụ việc vừa mới diễn ra, Guccifer 2.0 đã khá mỉa mai về việc đặt mật khẩu cho hệ thống khi nói rằng “Sự phức tạp của những mật khẩu thật … đáng ngưỡng mộ” với việc các từ kiểu như “welcome”, “democrat” được lặp đi lặp lại nhiều lần. Guccifer 2.0 cũng cho biết việc lấy trộm thông tin lần này dễ hơn lần lấy gần 20.000 thư của Đảng dân chủ nhiều!

Trước lo ngại về việc hacker có thể tấn công làm thay đổi kết quả cuộc bầu cử vào tháng 11 tới, Bộ Nội vụ Mỹ đã phải lên tiếng cam kết cơ quan này sẽ làm việc cùng chính các tiểu bang và các hạt để duy trì tính bảo mật cho hệ thống bầu cử và ứng phó với bất kỳ sự cố an ninh phát sinh nào. Dù vậy, lời đảm bảo này chưa đủ để xóa tan mối hoài nghi của các cử tri Mỹ nếu những tài liệu mật liên quan đến quá trình tranh cử còn tiếp tục xuất hiện trên mạng xã hội như những lần vừa qua.

Thách thức quan hệ với Nga

Cùng với việc ổn định nội bộ, làm yên lòng người dân Mỹ về sự minh bạch trong cuộc đua vào Nhà Trắng, các vụ hacker xâm nhập hệ thống máy tính của đảng Dân chủ còn khiến Mỹ “đau đầu” để tìm cách xử lý mối quan hệ với Nga. Cho đến nay, mọi sự nghi ngờ về kẻ chủ mưu đứng sau hành động của những tên hacker đang đổ dồn vào Nga.

Danh sách thành viên đảng Dân chủ trong Hạ viện đăng tải trên trang cá nhân của Guccifer 2.0
Danh sách thành viên đảng Dân chủ trong Hạ viện đăng tải trên trang cá nhân của Guccifer 2.0

Sau khi Guccifer 2.0 cho biết các tài liệu mà tên này có được chủ yếu lấy từ máy tính của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, bà Pelosi đã tổ chức họp báo và cáo buộc “Đó là người Nga” - bất chấp Guccifer 2.0 khẳng định mình là người Rumani.

Trước đó, các cơ quan tình báo Mỹ cũng cho biết họ tin chắc các hacker mũ đen Nga đứng sau vụ tấn công hệ thống máy chủ của đảng Dân chủ hồi tháng 7. Đích thân Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 26/7 và bà Hillary Clinton hôm 31/7 cùng lên tiếng cáo buộc tình báo Nga tấn công hệ thống máy tính của Ủy ban quốc gia đảng Dân chủ để tìm cách tác động tới cuộc bầu cử Mỹ.

Theo cách lập luận của Mỹ, khi cuộc đua vào Nhà Trắng gần như là cuộc đua “song mã” giữa bà Hillary Clinton và ông Donald Trump, dường như Nga thích ông Trump là người chiến thắng hơn. Lý giải về mối quan hệ Donald Trump - Vladimir Putin, người ta còn cho rằng với vai trò là một doanh nhân, ông Trump và các cố vấn hàng đầu của mình đang có mối quan hệ làm ăn lớn với Nga.

Trong khi đó, phía Nga cũng hy vọng ông Trump sẽ là người có quan điểm bớt cứng rắn hơn trong quan hệ với Nga, và tuyên bố “không giúp thành viên NATO nếu bị Nga tấn công” của ông Trump - dù là thật hay không - có lẽ khiến ông Putin khá hài lòng. Dù vậy, toàn bộ những quan điểm này mới chỉ là suy luận mà chưa có một bằng chứng có sức nặng nào.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cáo buộc Nga đứng sau vụ tấn công mạng mới nhất (AFP)
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cáo buộc Nga đứng sau vụ tấn công mạng mới nhất. Ảnh: AFP.

Đó là lý do Nga đến nay vẫn khá “im hơi lặng tiếng”, để Mỹ một mình “độc diễn” chứ không tham gia “đấu khẩu” như thường lệ. Kể từ khi vụ việc xảy ra, Nga mới chỉ lên tiếng duy nhất một lần khi cho rằng những cáo buộc của Mỹ là “ngớ ngẩn”.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov còn khẳng định: “Nga không hề can dự và sẽ không bao giờ can dự vào chuyện nội bộ nước khác, đặc biệt là quá trình bầu cử ở các nước trong đó có cả Mỹ”.

Hiện Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) vẫn đang tiến hành điều tra làm rõ ai là người đứng sau các vụ hacker tấn công vào hệ thống máy tính của đảng Dân chủ Mỹ. Một quan chức giấu tên trong chính quyền Obama hôm 11/8 đã cho biết Mỹ đang cân nhắc áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga vì vụ việc này.

Các nhà phân tích cho rằng, dù FBI có tìm ra “điều gì đó” liên quan đến Nga hay không, trong mọi trường hợp, Mỹ đều cần có động thái phản ứng với Nga. Bài toán khó chính là động thái đó phải như thế nào, mức độ nặng - nhẹ ra sao để vừa không tỏ ra Mỹ là bên yếu thế, vừa không làm xấu hơn mối quan hệ vốn rất “băng giá” giữa Mỹ và Nga, nhất là khi Mỹ đang cần Nga trong giải quyết điểm nóng Syria và nhiều vấn đề khác.

Thúy Ngọc

tin mới

 Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực nếu Tel Aviv đáp trả

Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực giữa Iran - Israel nếu Tel Aviv đáp trả vụ tấn công 13/4

(Baonghean.vn) - Bình luận về khả năng có một cuộc chiến tổng lực và toàn diện giữa Iran - Israel sau sự kiện 13/4, PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an cho rằng, cuộc chiến sẽ bùng lên nếu Israel có các hành động đáp trả vào các căn cứ của Iran.

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

(Baonghean.vn) - Lần đầu tiên kể từ năm 1945, Đức đưa vài nghìn binh lính tiến sát tới biên giới Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Đức gọi những gì đang diễn ra là “một ngày tuyệt vời đối với Quân đội Đức”. Lữ đoàn Đức này đi đâu, và sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với lợi ích của Nga?

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

(Baonghean.vn) - Cựu Giám đốc Tổng cục An ninh Đối ngoại Pháp Alain Jouillet cho biết, nếu Nga và Ukraine không thể đạt được thỏa thuận trong những tháng tới, do áp lực từ các thế lực bên ngoài, thì một thỏa thuận ngừng bắn sẽ đạt được sau khi ông Donald Trump trở lại nắm quyền.

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

(Baonghean.vn) - Cựu chuyên gia phân tích của Lầu Năm Góc, Trung úy Không quân Mỹ đã nghỉ hưu Karen Kwiatkowski cho rằng, phương Tây đã đánh mất sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao phó cho Tổng thống Volodymyr Zelensky trong cuộc bầu cử tổng thống 5 năm trước đó.