Bầu cử Quốc hội Tây Ban Nha:"Chia năm xẻ bảy"

22/12/2015 11:00

(Baonghean) - Đúng như dự đoán của giới phân tích, cuộc bầu cử Quốc hội Tây Ban Nha đã chứng kiến sự đồi đầu gay cấn giữa các đảng truyền thống là đảng Nhân dân, đảng Xã hội và các thế lực mới nổi là đảng Chúng ta có thể (Podemos), đảng Công dân (Ciudadanos). Cuộc bầu cử lần này đánh dấu một kỷ nguyên mới trong nền chính trị Tây Ban Nha, chấm dứt thời kỳ đảng Nhân dân cánh hữu và đảng Xã hội cánh tả thay phiên nhau nắm quyền trong suốt hơn 3 thập kỷ qua.

Kết quả phân tán

1
Thủ tướng Mariano Rajoy tại một điểm bỏ phiếu. Ảnh: Herald Courier

Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ, đảng Nhân dân cầm quyền của Thủ tướng Mariano Rajoy đã giành chiến thắng với 123 ghế, chiếm 28,7% số phiếu bầu. Tuy nhiên, chiến thắng này của đảng Nhân dân là khá khiêm tốn so với số ghế 186 mà đảng này giành được hồi năm 2011, đồng nghĩa với việc để mất tỷ lệ tuyệt đại đa số ghế để có thể tự thành lập chính phủ.

Theo sát đảng Nhân dân cầm quyền là đảng Xã hội với 90 ghế (tương đương 22%). Nhưng đáng chú ý nhất là sự trỗi dậy mạnh mẽ của những “thế lực mới” là đảng Podemos với 69 ghế và đảng Ciudadanos với 40 ghế.

Theo các nhà phân tích, kết quả cuộc bầu cử Quốc hội lần này phản ánh sự thất vọng của cử tri Tây Ban Nha với đảng Nhân dân cầm quyền. Sau 4 năm chèo lái đất nước, đảng Nhân dân của Thủ tướng Mariano Rajoy đã giúp Tây Ban Nha phần nào phục hồi về mặt kinh tế.

Tuy nhiên, chính sách thắt lưng buộc bụng mà Tây Ban Nha áp dụng trong 4 năm qua đã đẩy nhiều tầng lớp dân cư vào tình trạng nghèo khó. Những thành tựu kinh tế chưa thực sự ấn tượng khiến người dân Tây Ban Nha cảm thấy sự đánh đổi cuộc sống nghèo khó của họ trong thời gian qua là chưa xứng đáng.

2
Đảng Nhân dân để mất tỷ lệ tuyệt đại đa số so với năm 2011. Ảnh: Sputnik

Tây Ban Nha dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng kinh tế 3% cho năm 2015 - một con số không quá tệ so với các nước láng giềng châu Âu. Thế nhưng, tỷ lệ thất nghiệp cao và khoảng cách thu nhập giữa các tầng lớp dân chúng đang dần xói mòn lòng tin của cử tri đối với đảng Nhân dân cầm quyền. Chưa kể, những cáo buộc tham nhũng cũng khiến đảng Nhân dân mất khá nhiều điểm trong cuộc bầu cử vừa qua.

Thủ tướng Mariano Rajoy, chủ tịch đảng Nhân dân cũng thừa nhận rằng chính phủ đã tiến hành nhiều chính sách “khó khăn và không được lòng dân” trong thời gian vừa qua nhằm đưa nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng. Tuy nhiên, ông Rajoy vẫn khẳng định đảng Nhân dân là “lực lượng chính trị mạnh nhất ở Tây Ban Nha”.

Chấm dứt mô hình chính trị truyền thống

Ông Rajoy có thể tuyên bố “đảng Nhân dân là lực lượng chính trị mạnh nhất ở Tây Ban Nha” dựa trên số phiếu cao nhất mà đảng này giành được trong cuộc bầu cử và đã không để xảy ra kịch bản xấu nhất là các đảng phái truyền thống mất hẳn đa số, nhường thế vượt trội cho các đảng mới. Thế nhưng, cần phải nhận thấy rằng đã có một sự thay đổi về chất trong chiến thắng của đảng Nhân dân.

Kết quả vừa công bố cho thấy mô hình chính trị lưỡng đảng truyền thống ở Tây Ban Nha đã chấm dứt. “Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới, ngay trên đất nước mình” - đại diện đảng Podemos đã vui mừng khi kết quả mà đảng này giành được được đánh giá là “đột phá”.

Theo Hiến pháp Tây Ban Nha, lãnh đạo đảng giành được đa số phiếu bầu sẽ đứng ra thành lập và đứng đầu chính phủ mới. Các nhà phân tích dự đoán quá trình thành lập liên minh sẽ rất khó khăn và mất nhiều thời gian, có thể là vài tuần - dù trong Hiến pháp không quy định thời hạn cụ thể. Với quan điểm ôn hòa, Đảng Công dân được xem là ứng viên tiềm năng nhất để đảng Nhân dân liên minh thành lập chính phủ mới.

3
Ông Pablo Iglesias, Lãnh đạo đảng Podemos vui mừng với kết quả đạt được. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên kết quả sơ bộ cho thấy số ghế của cả 2 đảng cộng lại cũng chỉ đạt 163, không đủ 176 ghế để chiếm đa số tại Hạ viện. Ở phe cánh tả, Podemos với chính sách phản đối thắt lưng buộc bụng đang nổi lên là một thế lực chính trị đáng gờm. Nếu Podemos cùng với đảng Xã hội và một số đảng nhỏ hơn liên minh lại, họ có thể giành được 175 ghế, chỉ thiếu 1 ghế để giành đa số tại Hạ viện. Dù vậy, lãnh đạo đảng Xã hội đã tuyên bố rằng với số phiếu ủng hộ nhiều nhất, đảng Nhân dân của Thủ tướng Rajoy có quyền ưu tiên đứng ra thành lập chính phủ.

Một khả năng nữa cho Thủ tướng Rajoy là liên minh cùng đảng Xã hội thành lập chính phủ mới, bởi cộng số ghế của cả hai đảng giành được vượt quá 176 ghế. Khả năng này có xác suất cao nhất khi Chủ tịch đảng Xã hội là Pedro Sanchez đã bắn tín hiệu “sẵn sàng đàm phán” với đảng Nhân dân. Theo các nhà phân tích, chính trường Tây Ban Nha có thể lặp lại kịch bản như chính trường Bồ Đào Nha, đó là đảng cánh hữu giành chiến thắng, nhưng bị chi phối bởi những thế lực cánh tả trong liên minh.

Ông Albert Rivera, lãnh đạo đảng Ciudadanos đã nói rằng, “Tây Ban Nha đã bước sang một kỷ nguyên mới, một kỷ nguyên dành cho những người trẻ”. Bởi vậy, dù phương án thành lập liên minh cầm quyền cuối cùng của đảng Nhân dân là gì, điều quan trọng là Tây Ban Nha sẽ phải có một lộ trình để đáp ứng nhu cầu thay đổi của cử tri, đó là tăng trưởng kinh tế, giảm tỷ lệ thất nghiệp và đảm bảo công bằng xã hội.

Thúy Ngọc

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Bầu cử Quốc hội Tây Ban Nha:"Chia năm xẻ bảy"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO