'Bệ đỡ' từ nguồn vốn vay chính sách ở Quỳnh Lưu
(Baonghean.vn) - Những năm gần đây, nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều người dân trong địa bàn huyện Quỳnh Lưu đã có thêm nhiều cơ hội đầu tư để thực hiện các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao thu nhập cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.
Đầu tư áp dụng máy móc vào sản xuất mộc mỹ nghệ
Để bắt kịp xu thế thị trường, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, hàng chục gia đình ở làng nghề mộc truyền thống Quỳnh Hưng xoay xở để thích ứng. Trong đó có việc vay thêm vốn ngân hàng đầu tư áp dụng máy móc vào sản xuất và tìm cách bán hàng, tiếp thị sản phẩm qua mạng xã hội.
Hiện nay xã Quỳnh Hưng có 4 xóm làm nghề mộc với khoảng hơn 300 thợ lành nghề. Trong đó, xóm 11 (xóm Thuận Giang trước đây) có số lượng hộ dân tham gia làm nghề đông nhất, có những hộ có tuổi nghề hơn 70 năm.
Ông Bùi Văn Tài ở xóm 11 cho biết, thời gian đầu làng nghề chủ yếu sản xuất các mặt hàng dân dụng, phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày như: Bàn ghế, tủ quần áo, giường ngủ… Khi nghề đã thành thạo, người làm nghề ở xã Quỳnh Hưng tiếp tục tìm tòi sáng tạo ra nhiều mẫu mã, sản phẩm khác.
Ông Bùi Văn Tài chia sẻ thêm, với sự phát triển đa dạng và thường xuyên thay đổi như hiện nay của thị trường, người làm nghề cũng phải thích nghi để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Nếu như trước đây sản xuất thủ công và dùng sức người là chủ yếu, thì nay các hộ làm nghề đều ứng dụng đưa máy móc vào hầu như tất cả các khâu sản xuất. Các loại máy được sử dụng nhiều nhất là máy cưa, máy bào, máy đánh bóng, máy đục, máy liên hợp, máy lu, máy tạo mộng, máy chạy chỉ, máy vít đinh,...
Những sản phẩm yêu cầu độ tinh xảo, tỉ mỉ và nhiều chi tiết phức tạp cũng được người làng nghề Quỳnh Hưng ứng dụng điêu khắc gỗ bằng kỹ thuật điêu khắc vi tính. Xưởng sản xuất gỗ của gia đình ông Tài cũng vậy, cần thường xuyên đổi mới, thường xuyên cần bổ sung nguồn vốn. Bản thân ông Tài cũng đã nhiều lần vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ thêm cho việc sản xuất kinh doanh.
Tổ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội do ông Bùi Văn Tài làm tổ trưởng có 44 hộ vay vốn, hầu hết đều thường xuyên vay vốn và cũng là tổ không có hiện tượng chậm trả lãi hoặc gốc. Dư nợ hiện tại của các hộ trong tổ khoảng 1,8 tỷ đồng, trong đó vay nguồn giải quyết việc làm là 445 triệu đồng. Như hộ ông Nguyễn Văn Hoa thường xuyên vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội. Từ chỗ đi làm thuê ban đầu, nay ông mở xưởng mộc riêng do mình và con trai quản lý. Ông Hoa năm nay hơn 50 tuổi, gắn bó với nghề mộc từ nhỏ, hiện ông có xưởng mộc riêng đặt tại nhà do con trai ông làm thợ chính. Ông Hoa cho biết, hiện tại ông vẫn duy trì việc vay vốn ngân hàng, và dần bàn giao xưởng cho con trai, ông làm thợ phụ giúp con các khâu phụ.
Ngoài cơ giới hóa các khâu sản xuất, người dân làng nghề mộc Quỳnh Hưng còn đa dạng hóa các nguyên liệu gỗ phục vụ sản xuất các mặt hàng khác nhau, từ các sản phẩm có giá thành vài triệu đồng cho đến những bộ bàn ghế hàng chục, hàng trăm triệu đồng, các sản phẩm trang trí nội thất, đồ thờ cúng… Sản phẩm của làng nghề mộc Quỳnh Hưng được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, nhất là Sài Gòn, Phú Quốc và các tỉnh phía Bắc.
Ông Tài cho biết, hiện nay sự cạnh tranh của thị trường rất khốc liệt, buộc người làm nghề phải thường xuyên thích nghi, đổi mới để bắt kịp xu thế. Ở xã Quỳnh Hưng hiện đã có nhiều thợ mộc lâu năm bỏ nghề, chuyển sang nghề khác như đi xuất khẩu lao động, vào Nam, ra Bắc tìm việc làm thuê hoặc làm công nhân các nhà máy. Những người trụ lại với nghề buộc phải tìm hướng thay đổi. Ngoài đa dạng hóa mẫu mã các sản phẩm, đưa máy móc thay thế các khâu sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, người làm mộc ở xã Quỳnh Hưng còn thay đổi cách tiếp thị sản phẩm.
Hiện nay chúng tôi quảng bá chủ yếu qua các mạng xã hội, kết hợp với việc giữ uy tín trong giao dịch làm ăn với khách hàng, có như vậy mới tồn tại được. Và đối với những hộ có quy mô sản xuất nhỏ, thì việc vay vốn ngân hàng cũng là một trong những “trợ lực” tích cực để họ vươn lên.
Giữ nghề nước mắm truyền thống
Cũng duy trì và phát huy hiệu quả trong vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội như ở Quỳnh Hưng, ở xã Quỳnh Ngọc cũng nhờ nguồn vốn ngân hàng mà nhiều hộ đã đổi đời, từ đói nghèo vươn lên khấm khá. Ông Phạm Sỹ Tuấn - Tổ trưởng tổ vay vốn thôn Song Ngọc cho biết, cả thôn có 3 tổ vay vốn. Tổ do ông Tuấn làm tổ trưởng có 57 hộ vay vốn, dư nợ hiện tại của tổ khoảng 1,8 tỷ đồng. Ông Tuấn chia sẻ, hầu hết các hộ trong tổ nói riêng và cả xã Quỳnh Ngọc nói chung, các hộ nghèo, cận nghèo đều vay vốn và phát huy tốt hiệu quả nguồn vốn vay.
Như chị Trần Thị Liên ở thôn Song Ngọc vay 70 triệu đồng vốn Ngân hàng Chính sách phát triển nghề sản xuất nước mắm truyền thống. Ngôi nhà của gia đình chị Liên nằm trong con ngõ khá nhỏ, khoảng sân rộng nhất trước nhà chị dành chỗ để hơn 200 trăm thùng ủ cá sản xuất nước mắm truyền thống.
Chị Liên cho biết, nghề muối cá sản xuất nước mắm chị được truyền dạy từ nhiều thế hệ trong gia đình. Từ nhỏ, cứ mỗi mùa cá, chị đã quen với công việc sáng ra ra bến chọn những mẻ cá đốm, cá cơm, cá trích tươi ngon nhất để mua về uớp muối, ủ cá chắt lọc tinh chất cho ra sản phẩm nước mắm cô đặc, nhiều dưỡng chất. Sản xuất nước mắm theo kiểu truyền thống của gia đình, với những quy trình khắt khe và ròng rã khoảng 2 năm trời mới cho thu hoạch một mẻ sản phẩm. Để có được một chai nước mắm hoàn chỉnh, đạt yêu cầu chất lượng, từ lúc mua cá về rửa sạch, chọn loại muối tinh khiết để ủ, rồi hàng ngày phải kiểm tra tỉ mỉ và khuấy đều ít nhất một lần… cứ như vậy trong 2 năm.
Mỗi thùng có thể muối được hơn 2 tạ cá, mỗi mẻ gia đình chị Liên ủ hết 6 - 7 tấn cá tươi. Với khoảng 200 thùng mỗi đợt thu hoạch có thể thu 2.000 - 2.500 lít nước mắm, giá bán tùy theo loại nước mắm là 80 - 100 ngàn đồng/lít. Để xoay kịp với thời vụ cá và thường xuyên phải khuấy đảo hàng trăm thùng ủ cá, cơ sở sản xuất nước mắm của chị Liên ngoài lao động của gia đình còn thuê thêm 1 lao động thường xuyên.
Chị Trần Thị Dung - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Quỳnh Ngọc cho hay: “Tiền đầu tư ban đầu khá lớn, nhất là những đợt hải sản đắt hàng, cho nên những hộ làm nghề sản xuất nước mắm ở xã Quỳnh Ngọc cần rất nhiều vốn đầu tư. May mắn là có nguồn vay ưu đãi lãi suất của Ngân hàng Chính sách xã hội, nên nhiều hộ cũng đỡ được chi phí, có vốn để phát triển sản xuất. Xã Quỳnh Ngọc hiện nay nguồn vốn vay do hội phụ nữ đảm nhận có dư nợ hơn 3 tỷ đồng, giúp ích rất lớn cho những gia đình khó khăn có điều kiện để vươn lên thoát nghèo”.
Có thể khẳng định, nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội là điểm tựa vững chắc giúp các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trang trải cuộc sống, tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Đây cũng chính là động lực quan trọng giúp huyện Quỳnh Lưu tiếp tục hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới nâng cao...