Bên lề sân cỏ Cúp Báo Nghệ An: Nữ trọng tài đầu tiên
2 trận bán kết lứa tuổi thiếu niên chiều nay có một điểm nhấn đặc biệt: Lần đầu tiên trong lịch sử Giải Bóng đá Thiếu niên - Nhi đồng Cúp Báo Nghệ An, một trọng tài nữ tham gia điều hành trận đấu.
“Vượt ốm” vào chung kết
Sau trận bán kết đầu tiên trên sân thiếu niên, các cầu thủ Quỳnh Lưu ghi tên mình vào trận chung kết sau loạt luân lưu. Để có kết quả này, đội tuyển và những cổ động viên Quỳnh Lưu đã rất nỗ lực.
Đồng hành với con ngay từ mùa giải, phụ huynh Đậu Huy Phúc chia sẻ: “Suốt thời gian vòng loại, những bất lợi ở môi trường nhà trọ khiến các cháu đồng loạt ốm. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ, thể lực của cả đội mà còn khiến phụ huynh lo lắng căng thẳng. Thậm chí có cầu thủ đã phải bỏ về giữa chừng. Vì từng đưa con tham gia giải những năm trước nên tôi hiểu rõ, tình trạng này chưa từng xảy ra trước đây”.
Cảm thấy tình hình không ổn, ban huấn luyện đã thay đổi chỗ ở tốt hơn, khang trang, sạch sẽ hơn, từ đây sức khoẻ và tinh thần của đội bóng đã cải thiện rất nhiều. “Tôi tin rằng chính sự thay đổi đó đã quyết định đến kết quả trận đấu hôm nay. Bây giờ thì muốn đấu thêm mấy trận nữa. Đấu xong bố mẹ cho đi chơi 1 chuyến thật thỏa mãn rồi về” – các phụ huynh vui vẻ nói.
Trọng tài nữ đầu tiên trong lịch sử giải đấu
Trong 2 trận bán kết chiều nay ở sân thiếu niên, lần đầu tiên trong lịch sử tổ chức Giải Bóng đá Thiếu niên – Nhi đồng Cúp Báo Nghệ An có trọng tài nữ tham gia điều hành trận đấu. Đó là trọng tài Nguyễn Thị Thi (sinh năm 2001).
Trong điều kiện thời tiết nắng và nóng đến mức cánh mày râu còn ái ngại tìm chỗ râm mát, thì nữ trọng tài nhỏ nhắn này đầu trần, chạy trên sân cả tiếng đồng hồ. Chỉ nhiêu đó thôi nữ trọng tài này cũng đã khiến nhiều người ngả mũ thán phục.
Lựa chọn công việc trọng tài vì đam mê thể thao từ nhỏ, Nguyễn Thị Thi quyết định học để trở thành trọng tài ngay sau khi tốt nghiệp cấp 3. Đến nay, Thi là nữ trọng tài quốc gia duy nhất ở Nghệ An.
Chia sẻ cảm nhận về Giải Bóng đá Cúp Báo Nghệ An, nữ trọng tài người Anh Sơn nói: “Mặc dù là một đấu lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng nhưng ban tổ chức giải đã làm việc rất chuyên nghiệp, các trận đấu có nhiều tình huống bóng gay cấn, hấp dẫn, các đội bóng đã rất nỗ lực, cống hiến cho khán giả những trận cầu đẹp mắt”.
Mẹ luôn đồng hành
Trong những trận đấu của mình, cầu thủ số 12 đội Thiếu niên thành phố Vinh - Phạm Mạnh Cường thường đi với chị gái. Bố Cường là lái xe đường dài, mẹ là công nhân tại Khu công nghiệp VSIP thường xuyên phải làm việc ca kíp nên dù rất muốn cũng không thể đến ủng hộ con trai được.
Không chỉ trong các trận đấu, bố mẹ Cường cũng có rất ít thời gian ở nhà với con. Không thể theo sát con nhưng tình yêu của bố mẹ đủ lớn để những đứa trẻ có thể cảm nhận và tự bảo ban nhau học hành. “Thường thì mẹ đi làm thâu đêm, bố chỉ ở nhà được 2 tiếng buổi tối. Dù gia đình còn nhiều khó khăn, bố mẹ không thể ở bên trong các sự kiện quan trọng thì chúng em vẫn tự tin rằng bố mẹ luôn đồng hành, tôn trọng và ủng hộ con cái hết mình. Chúng em cảm thấy may mắn khi là con của bố mẹ” - Phạm Thuỳ Trang, chị gái của Cường chia sẻ. Thay mẹ, thay bố, Trang đã chăm sóc, đồng hành với em trai và đi làm để hỗ trợ bố mẹ trang trải học phí cho em.
Từng gặp mẹ của Phạm Mạnh Cường trong trận tứ kết, chị chia sẻ: “Đêm qua tôi làm ca đêm từ 8 giờ tối đến 6 giờ sáng mới về. Định sẽ ngủ một chút cho lại sức nhưng nghĩ đến trận đấu của con lại không ngủ được nên đi ra đây động viên cháu. Mệt nhưng vui. Đây cũng là lần đầu tiên tôi đến cổ vũ cho cháu”.
Người mẹ có vóc dáng nhỏ bé và cách nói chuyện khiêm nhường, dịu dàng đó đã nuôi dạy được những đứa trẻ rất ngoan ngoãn và hiểu chuyện.