Bên phố...

(Baonghean) - Trạm chờ cách bến xe chừng mười kilomet.
Phố đang vào độ đầu thu, khi cơn nóng mùa hè còn chưa kịp nguội và cái hanh hao của khí trời dễ làm người ta chếnh choáng.
Minh họa: Hồng Toại
Minh họa: Hồng Toại
Trạm ngoảnh mặt về phía Tây, một sai lầm hiếm thấy trong các thiết kế công cộng đủ để hành khách hứng trọn ánh mặt trời buổi chiều mà không cách gì chống đỡ. Dải nắng đỏ chiếu qua lớp mái ngói sàn sạt của những dãy nhà cao tầng chen chúc, phả xuống mặt đường nhựa sắc đỏ pha lẫn vàng đục của vô vàn luồng bụi bặm đang cuộn ngược phun lên mù mịt như sương rồi đáp xuống những viên gạch lót vỉa hè cũng đang au đỏ một  màu như vừa ra khỏi lò nung.
Chỉ có duy nhất một gốc sữa tựa lưng vào trạm và người vợ lùi ra mé ghế cố nép sát vào lớp vỏ xù xì của nó.
“Mùi hoa sữa thật kinh khủng”. Người vợ nói.
Chồng nàng có lẽ là người vùng cao nguyên miền Tây; anh ta có khuôn trán hơi ngả về sau, gờ lông mày nhô cao và làn da sẫm màu khó lẫn.
“Thơm đấy chứ. Hoa sữa được ví là gia vị của mùa thu”.
“Em chỉ thấy buồn nôn”.
“Em buồn nôn với hầu hết mọi thứ”.
“Không hẳn vậy”. Người vợ có vẻ mỏi mệt. Nàng tựa hẳn lưng mình vào gốc cây. “Đây không phải Hà Nội, càng không phải trong một ngày se lạnh để thưởng thức hoa sữa. Em đang đổ mồ hôi dưới cái nắng còn xe thì trễ giờ. Và em thực sự buồn nôn”.
“Em có thể nôn ra nếu muốn. Còn hơn là giữ cái mớ bực bội ấy ở trong ruột”. 
Cô vợ kéo sụp vành mũ đội đầu không biết để tránh nắng dọi vào mặt hay để kết thúc cuộc tranh cãi. Phía bên trái cách vợ chồng nàng một đoạn, hai người phụ nữ bịt bùng kín mít trong lớp áo che kính đen và khẩu trang xách theo lỉnh kỉnh bao bì xô chậu vứt la liệt xuống đất. Cạnh đôi nam nữ đang tựa vào nhau, một bà cụ ngồi đơn độc trơ trọi ngoảnh chính diện mặt trời. Ánh nắng đốt cháy những vệt đồi mồi loang lổ trên khuôn mặt tuyệt nhiên không hề có dấu vết của sự lay động.
“Có lẽ bà ta mù”. Người chồng nói. “Chỉ có người mù mới không né tránh thứ ánh sáng đáng sợ đang rọi thẳng vào mình như thế. Mà bà cụ hi vọng gì trong mớ tối tăm hỗn độn luôn hiển hiện đó kia chứ?” 
“Ít ra bà cụ cũng cảm thấy nóng rát trên mặt, để biết rằng mình quay về hướng nào”.
Cô vợ trả lời bâng quơ, dường như nàng không quan tâm. Nàng quệt tay xuống nền ghế rồi khẽ vê hai đầu ngón tay lại với nhau. Có lẽ đã quá lâu trời không mưa nên bụi đường lâu ngày được đặc ân tạo thành một lớp bột dày nâu sánh mịn phủ rây lên tất cả mọi thứ: lòng đường, cột điện, thân cây, trên cả những bông hoa sữa đang ủ rũ và trên khuôn mặt những hành khách chờ đợi một chuyến xe.
“Bụi nhiều ghê gớm”. Người vợ chun môi.
“Ở đâu chả vậỵ. Chỉ là đôi khi ta không thấy mà thôi”.
“Thế mà anh còn mặc áo sơmi trắng đi đường. Còn mặt thì cứ phơi ra đấy”.
“Quần áo về giặt là sạch”. Anh chồng cãi.
“Nhưng phổi anh thì em chẳng tháo ra mà giặt được”.
“Cái bẩn đã ngấm vào sâu thì phải có cách khác, em ạ”.
Người chồng hất hàm về phía trước và cô vợ bất giác nhìn theo. Phía bên kia đường, đối diện với trạm chờ là quán nhậu vỉa hè. Tấm biển hiệu cũ đã bong tróc bị bụi bao phủ chỉ còn lại mấy chữ“ Bia tươi. Bia hơ…Đặc s…Đồ …hậu”. Ngồi sát lề đường, mấy gã đàn ông đầu trọc, húi cua, vàng đỏ đang ngồi túm tụm thành năm ba đám quanh bàn nhậu. Đầu trọc bật nắp lon sành điệu, rót bia cho chiến hữu rồi bằng một động tác thuần thục, gã nắm tay lại bóp mọp vỏ lon vứt xuống đất. Bọt bia lẫn đá lạnh sóng sánh ra ngoài,  trong chốc lát tuôn vào những khuôn miệng đang mở toang hoang.
“Bọn họ nuốt cả bụi”.
“Khiếp, nuốt cả bụi”. Người vợ nhất trí. “Rồi sẽ rước bệnh vào người cho mà xem”.
“Có gì là quan trọng”.
“Sao không, giảm tuổi thọ. Về già rồi biết khổ, giờ thì chưa”.
“Chắc gì người ta đã sống được tới già. Với lại chí ít giờ họ cũng được vui vẻ”.
“Họ nuốt bụi và họ cứ nuốt bụi thường xuyên thì sẽ lãnh hậu quả. Thế thôi”.
Cô vợ vùng vằng ngoảnh đi chỗ khác.
Đã muộn bốn mươi lăm phút mà vẫn chưa thấy xe khách đến. Trên đường, một dãy công te nơ nối đuôi nhau chạy qua, thùng xe được bịt dưới lớp vải bạt màu xanh saphia. Bánh xe nghiến lên mặt đường tiếng rên chát chúa và những tiếng sịt, xì từ ống xe phả sang cả hai bên vỉa hè.
“Cụ thế nào rồi anh?”. Người vợ hỏi. 
“Cụ yếu lắm. Tuần nào mình cũng về và cụ đang yếu dần. Lần này thì yếu quá”.
“Em lo lắm”.
“Điều gì?”.
“Thì sức khỏe cụ ấy.”
“Tuổi già đều như vậy. Anh thì lo chuyện chú Quân.” Người chồng với tay kéo lại túi cam đang trên đà tuồi khỏi ghế. “Lần trước cụ bảo miếng đất chỗ Ba Gới sẽ cho anh hoặc chú Quân, mà cụ thì chưa viết di chúc”.
 Cô vợ quay ngoắt sang nhìn chồng, ánh mắt không giấu nổi vẻ kinh ngạc.
“A!”.
“Sao?”
“Em tưởng anh thương cụ đến mức hôm nào cũng kêu em về.”
”Cần cố gắng thôi”.
“Tình thương không cần cố gắng”.
“Nhưng miếng đất lại là một chuyện khác, nó nằm ngay trung tâm. Và chú Quân dạo này đang bận chưa về được”.
“Đáng lẽ anh không nên nói chuyện này khi cụ đang ốm”.
“Cái đáng lẽ là chúng ta không phải sống tận tầng mười hai”.
“Em không muốn nghe”.
“Nếu có nó chúng ta có thể kinh doanh.”
“Em không muốn nghe. Mấy giờ rồi.”
“Ít ra phải gần 400 m2”.
“Sao xe tới chậm thế, có mỗi một đoạn đường”.
“Em nên khéo léo với cụ hơn. Nếu muốn chúng ta có thể bán một nửa, từng đó đủ để chuyển căn hộ xuống tầng thấp hơn”.
“Sao xe chậm thế, em chỉ ước là xe tới đúng giờ”.
Bà cụ ngồi cuối góc trạm bỗng nhiên đứng dậy và bước xuống lòng đường. Giữa dòng xe nườm nượp, bà cụ lách qua một cách nhanh nhẹn và trong phút chốc đã băng sang phía bên kia.
”Chiếc màu xanh phía xa kia có phải là chiếc mình thường đi không anh?”
“Em có thể nhờ mẹ tác động với cụ. Mẹ đằng nào chả quý mình hơn”.
“Hình như là nó, anh chuẩn bị đồ đi”.
Cô vợ đứng dậy sắp xếp hành lí, cạnh đó những hành khách cùng tuyến cũng bắt đầu sắp dọn đồ đạc.
Người chồng mang ba lô lên vai rồi tiến lại gần vệ đường. Từ xa chiếc xe khách lừng lững tiến lại, êm ru và thong thả như muốn chứng minh sức mạnh uy quyền.
“Em đứng lùi vào một chút đi”.
“Ừ, em biết rồi”.
Chiếc xe lăn những vòng cuối cùng rồi đỗ xịch lại khi mũi xe tới ngang gốc cây hoa sữa.
 “Mà anh này!”. Người vợ dợm bước lên xe, quay lại ngập ngừng.
“Sao cơ?”.
“Hay nửa còn lại ta sẽ kinh doanh tiệm thuốc nhỉ?”.
 “À. Ừ. Ta lên đã. Không biết chiếc xe chui ở xó xỉnh nào ra mà bụi thế không biết”.
Truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Phú

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.