Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An: Lần đầu tiên nuôi sống thành công bé sinh non hơn 24 tuần
(Baonghean.vn) - Sau hơn 3 tháng được chăm sóc tích cực tại Khoa Hồi sức Sơ sinh, bé gái con mẹ N.T.N, sinh non 24 tuần 5 ngày, nặng 700g đã khỏe mạnh xuất viện, cân nặng 2,4 kg. Đây là trường hợp bé sinh non nhất được nuôi sống thành công tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An từ trước đến nay.
Với tiền sử hiếm muộn, chị N.T.N (34 tuổi, Nghi Lộc) phải áp dụng biện pháp hỗ trợ sinh sản. Rất may mắn, ngay lần đầu tiên thực hiện thụ tinh ống nghiệm, chị N.T.N đã có song thai. Hạnh phúc với niềm vui chuẩn bị lần đầu làm bố, làm mẹ, vợ chồng chị N. cố gắng dưỡng thai tối đa.
Tuy nhiên, sau hơn 24 tuần thai kỳ bình yên, chị N.T.N phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng có dấu hiệu dọa sinh non. Khả năng giữ thai thêm trong cơ thể mẹ không còn, cần chuyển sinh ngay, việc đảm bảo được cuộc chuyển sinh “mẹ tròn con vuông” là rất khó… sinh mạng 2 bé ngay khi chào đời bị đe doạ.
Bệnh viện đã dành sự chăm sóc, điều trị đặc biệt cho trẻ sinh non, nhẹ cân. Ảnh: Hoàng Yến |
Kết luận “không mấy tươi sáng” của cuộc hội chẩn khẩn giữa các bác sĩ sản khoa và hồi sức sơ sinh của Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã khiến vợ chồng chị N. lòng như lửa đốt. Hai vợ chồng sản phụ chỉ còn biết đặt trọn niềm tin, hy vọng vào các y, bác sĩ.
Sáng 25/11/2022, 2 bé sơ sinh cực non yếu, gồm 1 trai và 1 gái chào đời sau 24 tuần 5 ngày trong dạ mẹ, với cân nặng chỉ 600g và 700g. Với tên gọi theo mẹ là con mẹ N.T.N 1 (bé gái), và con mẹ N.T.N 2 (bé trai). Sau sinh, 2 bé không khóc, không có phản xạ, nhịp tim chậm.
Với sự phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị sẵn sàng từ trước, các bác sĩ hồi sức tích cực sơ sinh đã túc trực ngay trong phòng sinh, ngay lập tức hồi sức, đặt nội khí quản cho 2 bé và nhanh chóng chuyển về khoa Hồi sức Sơ sinh bằng thiết bị chuyên dụng.
Với rất nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sơ sinh và đã nuôi thành công nhiều trẻ sinh non, nhẹ cân, bác sĩ chuyên khoa 2 Trương Lệ Thi - Trưởng Khoa Hồi sức Sơ sinh khẳng định: “Đây là một ca đặc biệt khó. Trẻ sinh cực non (dưới 28 tuần thai) và nhẹ cân (dưới 1.000g) tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ sơ sinh như ngạt, suy hô hấp, xuất huyết não và phổi, hoại tử ruột, nhiễm khuẩn, rối loạn chuyển hóa, tan máu vàng da…”.
Sau hơn 3 tháng điều trị, bé sinh non đã phát triển ổn định với cân nặng 2.4 kg và có thể tự bú mẹ. Ảnh: Hoàng Yến |
Bác sĩ Trương Lệ Thi cho biết: “Chúng tôi đã phải áp dụng cùng lúc nhiều biện pháp đồng bộ, như nằm lồng ấp, thở máy qua Nội khí quản, bơm Surfactant, nuôi dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn, kháng sinh, thuốc vận mạch qua catheter tĩnh mạch rốn, đồng thời đặt động mạch rốn để theo dõi huyết áp liên tục. 2 bé cũng được làm các xét nghiệm máu, chụp X-quang… để tầm soát các bệnh lý”.
"Tuy nhiên, do sinh cực non và rất nhẹ cân, sức khỏe của bé trai vô cùng yếu, sau 2 ngày cầm cự, tình trạng bé chuyển biến xấu nhanh chóng, không thể duy trì sự sống. Sự sống của bé gái còn lại là tất cả những niềm hy vọng cuối cùng chúng tôi phải nỗ lực gìn giữ cho gia đình nhỏ của sản phụ N.T.N” - bác sĩ Thi chia sẻ.
Dành trọn yêu thương, Khoa Hồi sức Sơ sinh đã theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe, chăm sóc vỗ về bé gái con mẹ N.T.N. Với chế độ điều trị đặc biệt, các bác sĩ đã áp dụng cùng lúc các phương pháp hiện đại với các trang thiết bị dành cho trẻ sơ sinh non yếu. Bên cạnh đó, các chế độ ánh sáng, tiếng ồn, nhiễm khuẩn… được đặc biệt kiểm soát nghiêm ngặt.
Hơn 3 tháng tỉ mỉ chăm sóc 24/24h, tình trạng của trẻ dần chuyển biến tích cực. Từng mốc tiến triển của bé chính là niềm vui từng chút của khoa, và gia đình. Sau hơn 3 tháng điều trị, bé phát triển ổn định với cân nặng 2,4 kg và có thể tự bú mẹ.
Ngày 6/3, bé được xuất viện về nhà trong niềm vui của gia đình và tập thể Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Ảnh: Hoàng Yến |
Ngày 6/3, bé được xuất viện về nhà trong niềm vui của gia đình và tập thể Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Tiến sĩ Trần Văn Cương, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cùng Khoa Hồi sức Sơ sinh đã chúc mừng gia đình và trao quà, dành những lời chúc an lành nhất tới em bé.
“Thời gian đầu con mới sinh, tôi lo lắng, sợ hãi đến mức không dám cho vợ lên Bệnh viện gặp con. Tôi đã từng không dám tin con gái mình có thể sống. Bao lần nhìn con bé bỏng “thập tử nhất sinh” trong lồng ấp… Nay đã có thể âu yếm con yêu trong vòng tay, nhìn vợ cho con bú, tôi nghĩ là điều kỳ diệu.” – Anh P.V.H. - chồng chị N. chia sẻ.
Chăm sóc và điều trị trẻ sinh non và cực non vẫn luôn là thách thức lớn trong lĩnh vực hồi sức sơ sinh vì tỷ lệ biến chứng và tử vong cao; nhiều nguy cơ cao mắc các bệnh về đường hô hấp, nhiễm khuẩn, đe dọa tính mạng. Sự sống của bé gái con mẹ N.T.N không chỉ cần có các trang thiết bị máy móc hiện đại, các phác đồ đặc biệt, mà quan trọng hơn cả chính là sự chuẩn bị phối hợp nhịp nhàng, khoa học của chuyên khoa Sản - Nhi./.