Bệnh viện Y học cổ truyền xứng đáng ‘lá cờ đầu’ của ngành Y tế Nghệ An

Đinh Nguyệt 22/12/2022 20:21

(Baonghean.vn) - "Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An là lá cờ đầu của ngành Y tế tỉnh trong phát triển chuyên môn kỹ thuật, quản lý chất lượng và ứng dụng CNTT, cải cách hành chính"; đó là đánh giá của PGS.TS Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế Nghệ An tại buổi làm việc với Bệnh viện, chiều 22/12.

Tham dự buổi làm việc có: PGS.TS Dương Đình Chỉnh - Ủy viên BCH Đảng bộ Tỉnh, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An; Dược sĩ CKII Trần Minh Tuệ - Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An; Dược sĩ CKI Thái Bá Thắng - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh cùng đại diện các phòng, ban Sở Y tế.

Những dấu ấn nổi bật

Báo cáo tại buổi làm việc, Bác sĩ CKII Hồ Văn Thăng - Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An cho biết: Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An là Bệnh viện chuyên khoa hạng I tuyến tỉnh, hoạt động theo cơ chế tự chủ nhóm II; quy mô 550 giường bệnh kế hoạch; lượng người bệnh điều trị nội trú từ 1.200 - 1.400 người; hiện nay, tổng số viên chức hiện có của đơn vị là 370 cán bộ.

Bác sĩ CKII Hồ Văn Thăng - Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An báo cáo về thực trạng hoạt động và định hướng phát triển của đơn vị. Ảnh: Đinh Nguyệt

Thời gian qua, Bệnh viện tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị từng bước được đầu tư hiện đại, phát huy công suất tối đa, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh (KCB) ngày càng cao của người bệnh. Trang thiết bị dược được hiện đại hóa, từ đó, nâng cao hiệu quả sản xuất, vừa đảm bảo công tác bảo tồn và phát huy giá trị nguồn dược liệu, bài thuốc Y học cổ truyền. Hiện nay, Bệnh viện tự chế biến trên 90% dược liệu và sản xuất 37 mặt hàng thuốc từ dược liệu phục vụ nhu cầu điều trị.

Đội ngũ lãnh đạo các khoa, phòng đáp ứng được yêu cầu về tiêu chuẩn của Bệnh viện hạng I tuyến tỉnh. Bệnh viện đang chuyển hướng chuyên sâu các diện bệnh đặc thù, phát huy lợi thế y học cổ truyền và y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại, nâng cao năng lực cận lâm sàng.

Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học và chỉ đạo tuyến.

Năm 2022 là năm đánh dấu sự phát triển vượt bậc về ứng dụng CNTT tại Bệnh viện; Bệnh viện đạt mức 6 (Bệnh viện thông minh) ứng dụng CNTT vào toàn bộ hoạt động khám, chữa bệnh.

Hoạt động quản lý chất lượng Bệnh viện trở thành công việc hàng ngày, đưa vào kiểm tra, giám sát, đánh giá thi đua, trong kế hoạch phát triển của Bệnh viện; điểm quản lý chất lượng bệnh viện đang nằm trong tốp đầu cả nước. Quản lý chất lượng bệnh viện đã làm thay đổi bộ mặt Bệnh viện, chất lượng Bệnh viện được nâng cao, tạo nên sự hài lòng của người bệnh…

Trong khuôn khổ buổi làm việc, lãnh đạo Sở Y tế thăm, tìm hiểu hoạt động tại Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An. Ảnh: Đinh Nguyệt

Chất lượng hoạt động khám, chữa bệnh ngày càng được nâng cao, Bệnh viện trở thành địa chỉ khám, chữa bệnh tin cậy của người dân trong và ngoài tỉnh; Bệnh nhân đến khám, điều trị nội trú tăng lên hàng năm, năm 2022, có 22 nghìn lượt bệnh nhân khám và 19,8 nghìn lượt bệnh nhân điều trị.

Ngoài ra, Bệnh viện chú trọng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, nhân viên, đồng thời, quan tâm công tác an sinh xã hội bằng các việc làm thiết thực.

Ghi nhận những thành tích đã đạt được, năm 2022, Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; được UBND tỉnh công nhận danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc; Cờ thi đua UBND tỉnh; Cờ thi đua Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong hoạt động bệnh viện còn tồn tại khó khăn như: Diện tích quá chật hẹp, cơ sở vật chất phải sửa chữa, xây mới; một số công trình chưa quyết toán làm ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển của đơn vị; Chưa hoàn thiện bộ máy khoa/phòng trong đó có khoa HSTC nên khó khăn trong hoạt động và thực hành chứng chỉ hành nghề; nhân lực còn thiếu chưa đạt 65% tỉ lệ tối thiểu theo quy định; bất cập trong thanh toán chi phí KCB; nhiều bất cập trong đấu thầu thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị nên khó khăn trong hoạt động, phát triển của đơn vị.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Đinh Nguyệt

Định hướng phát triển của Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An đến năm 2025 trở thành Bệnh viện tuyến cuối về YHCT khu vực Bắc Trung Bộ, với quy mô 900 giường bệnh, hoạt động theo cơ chế tự chủ nhóm II; đạt điểm quản lý chất lượng 4.2.

Dược sĩ CKII Trần Minh Tuệ - Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An trao đổi, định hướng tại buổi làm việc. Ảnh: Đinh Nguyệt

Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận các vấn đề khó khăn vướng mắc trong tổ chức cán bộ, quy trình thực hiện bảo hiểm và bất cập về xếp hạng bệnh viện; vấn đề nguồn nhân lực, đào tạo liên tục, chỉ đạo tuyến dưới, nghiên cứu khoa học…

DS CKI Thái Bá Thắng trao đổi, giải đáp những vấn đề liên quan đến thực hiện bảo hiểm y tế tại Bệnh viện. Ảnh: Đinh Nguyệt

Phấn đấu trở thành Bệnh viện tuyến cuối về YHCT tại Bắc Trung Bộ

Phát biểu tại buổi làm việc PGS.TS Dương Đình Chỉnh - Ủy viên BCH Đảng bộ Tỉnh, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng của Ban Lãnh đạo và tập thể y bác sĩ, nhân viên của bệnh viện, trong điều kiện bệnh nhân đông, cơ sở vật chất còn hạn chế nhưng năm qua, đơn vị đã đạt được nhiều mục tiêu, dấu ấn quan trọng. Về thực hiện các mục tiêu: Phát triển chuyên môn kỹ thuật, giúp người dân tiếp cận được các kỹ thuật y tế tuyến Trung ương, chất lượng khám chữa bệnh, quản lý chất lượng bệnh viện và phát triển CNTT, cải cách hành chính; bệnh viện luôn là lá cờ đầu của ngành Y tế.

PGS.TS Dương Đình Chỉnh - Ủy viên BCH Đảng bộ Tỉnh, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An đánh giá cao thành tích Bệnh viện Y học cổ truyền đạt được thời gian qua. Ảnh: Đinh Nguyệt

Giám đốc Sở Y tế mong muốn, đội ngũ y bác sĩ nhân viên y tế của bệnh viện tiếp tục phát huy y đức tinh thần thái độ phục người bệnh; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng hiệu quả CNTT trong các hoạt động KCB, đảm bảo quy trình chuyên môn kỹ thuật, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh; xây dựng văn hóa đơn vị, đoàn kết, nêu gương trong công việc; tiếp tục quan tâm chăm lo đời sống công nhân viên chức, người lao động.

Hướng tới mục tiêu trở thành bệnh viện Đa khoa Y dược học cổ truyền, đồng chí Dương Đình Chỉnh đề nghị bệnh viện quan tâm một số nhiệm vụ: Chú trọng đào tạo về y học hiện đại bên cạnh phát triển chuyên môn y học cổ truyền; chú trọng bồi dưỡng nguồn nhân lực bài bản và có chất lượng; phát triển các kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu trong điều trị; Hiện đại hóa sản xuất thuốc, đảm bảo quy trình kỹ thuật, để phát huy thế mạnh này; Chú trọng đến các tiêu chí Quản lý chất lượng bệnh viện; Cần có định hướng phát triển dịch vụ KCB theo yêu cầu; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học…

Mới nhất

x
Bệnh viện Y học cổ truyền xứng đáng ‘lá cờ đầu’ của ngành Y tế Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO