Nơi sẻ chia yêu thương
“Bếp ăn 0 đồng” ở địa chỉ số 33, đường Lê Ninh, đã trở nên thân quen với người bệnh đang điều trị tại Bệnh viện ĐKTP Vinh cơ sở 2. Nhiều tháng qua, cứ tầm 10 sáng, đều đặn mỗi ngày từ thứ Hai đến thứ Năm, họ lại qua địa chỉ này để nhận những bữa ăn trưa miễn phí.
Tất tả chạy xe máy từ Nam Đàn xuống, ông Võ Trọng Minh (68 tuổi) ghé “Bếp ăn 0 đồng” nhận cơm, để kịp giờ vào bệnh viện chạy thận. Đã quen với giờ giấc điều trị của người bệnh, Bếp cũng đã chuẩn bị những suất cơm khá sớm để kịp phục vụ. Cầm suất cơm trên tay, ông Minh nghẹn ngào: “Với những người điều trị bệnh thận nhiều năm như tôi, khó khăn, thiếu thốn, bởi thế được chăm lo những bữa bữa cơm ngon, có đủ đầy dinh dưỡng, thực sự không gì quý bằng”.
Là “khách quen” của bếp suốt nhiều tháng qua, ghé bếp nhận cơm, chị Chu Thị Lợi (37 tuổi) quê Diễn Châu còn nán lại chuyện trò với chủ bếp và những người làm ở đây, thân quen như người nhà. Chị Lợi lâm bệnh nặng, phải chạy thận tại bệnh viện đã hơn 3 năm nay. Chồng chị làm phụ hồ, nuôi hai con nhỏ cuộc sống rất khó khăn. Mỗi tuần phải chạy thận 3 lần, chị thuê trọ gần bệnh viện để tiện điều trị. Mặc dù nhà không quá xa nhưng thỉnh thoảng chị mới về thăm nhà, phần vì yếu mệt, phần để tiết kiệm tiền đi lại. Từ ngày có “Bếp ăn 0 đồng” chị mới có cảm giác được “ăn cơm nhà”.
“Được ăn những bữa cơm trưa ngon tôi có cảm giác ấm áp như đang ở nhà. Thường ngày tôi không có điều kiện để nấu ăn đầy đủ, đổi món, đảm bảo dinh dưỡng như thế. Không chỉ vì người bệnh thiếu thốn vật chất mà còn nhiều hôm mệt quá không thể tự lo cơm nước được, chúng tôi phải nhờ người quen cùng điều trị bệnh đến nhận hộ. Những bữa cơm trưa ở “Bếp ăn 0 đồng” tiếp thêm niềm tin giúp chúng tôi tiếp tục chặng đường điều trị vất vả phía trước” - chị Lợi xúc động chia sẻ.
Bà Đoàn Thị Quyền ở xã Minh Châu (Diễn Châu) cũng thường xuyên đi lấy cơm từ thiện, giúp 4 bệnh nhân cùng phòng điều trị tại bệnh viện, không đi lại được. Bà rưng rưng: “Bệnh nhân mừng lắm, nếu không có cơm trưa của "Bếp ăn 0 đồng", những người bệnh phải nằm một chỗ phải nhờ người nhà lo cơm nước, tốn kém, vất vả lắm”.
Ở “Bếp ăn 0 đồng”, không chỉ có người bệnh, người có hoàn cảnh khó khăn mà cả những người thân của họ đều được chào đón ân cần. Dịp 20/10 vừa rồi, bếp ăn còn trao tặng hoa và những món quà nhỏ tới các nữ bệnh nhân. Bởi mong muốn của anh Mai Tú (phường Đội Cung, TP.Vinh) - chủ “Bếp ăn 0 đồng”, nơi đây không chỉ trao những bữa cơm từ thiện mà còn là nơi sẻ chia yêu thương tới những số phận kém may mắn trong cộng đồng.
Tâm niệm “cho đi là còn mãi”
Từng trải qua giai đoạn khó khăn, vất vả, anh Tú thấu hiểu, đồng cảm với người nghèo, bởi thế khi công việc kinh doanh thuận lợi, cuộc sống khá giả hơn, vợ chồng anh đã trích lập quỹ từ thiện, để trao quà, ủng hộ những học sinh nghèo miền núi, người nghèo … Mong muốn duy trì hoạt động từ thiện thường xuyên, thiết thực hơn, từ giữa năm nay, vợ chồng anh mở “Bếp ăn 0 đồng” với tâm nguyện giúp người không may mắn mắc bệnh hiểm nghèo với bớt gánh nặng.
Để hiện thực hóa “Bếp ăn 0 đồng”, vợ chồng anh đã đi khảo sát địa điểm phù hợp nhu cầu của người bệnh, sau đó, chọn thuê mặt bằng cạnh Bệnh viện ĐKTP Vinh cơ sở 2 và mua các thiết bị cần thiết; với chi phí hàng chục triệu đồng. Đồng thời, mỗi tháng, vợ chồng anh trích gần 100 triệu đồng từ nguồn quỹ từ thiện của gia đình để nấu gần 2.000 suất cơm phục vụ người bệnh. Bếp không nhận tiền mà chỉ nhận hỗ trợ bằng thực phẩm từ các mạnh thường quân.
Không chỉ góp của mà gia đình anh còn dành nhiều thời gian, công sức cho “Bếp ăn 0 đồng”. Những bữa cơm từ thiện càng thêm ý nghĩa hơn khi chính mẹ anh là người đứng bếp mỗi ngày. Mặc dù đã lớn tuổi nhưng đồng cảm với thiện tâm của các con, bà Huyền (mẹ anh Tú) tự nguyện đồng hành chăm lo từng bữa cơm cho người bệnh, người nghèo.
Bà Huyền chia sẻ:“May mắn trời cho còn sức khỏe, tôi muốn cùng các con chung tay giúp đỡ người nghèo, đặc biệt là những bệnh nhân chạy thận sức khỏe yếu, hoàn cảnh khó khăn lắm. Bởi thế, mỗi ngày tôi dậy sớm đi chợ, tự tay lựa chọn những thực phẩm tươi ngon, đổi món thường xuyên và giám sát từng công đoạn chế biến để có những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng đảm bảo sức khỏe cho người bệnh và dành cả buổi sáng cùng với hai người làm, chế biến, đóng hộp từng suất cơm, để kịp giờ ăn cho người bệnh chạy thận. Thấy nhiều hoàn cảnh nghèo khó, vất vả mong được nhận cơm, thương lắm nên mỗi ngày chúng tôi lại gắng làm thêm mấy suất giúp họ; có ngày lên tới 120 suất. Công việc dù khá bận rộn, mệt nhưng giúp được mọi người là tôi vui, mãn nguyện!”.
Với những đóng góp ý nghĩa thiết thực cho cộng đồng, vừa qua, gia đình anh Mai Tú, vinh dự được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tặng Bằng khen vì đã có nhiều đóng góp trong hoạt động thiện nguyện trên địa bàn Nghệ An, giai đoạn 2021- 2023.
Còn vợ chồng anh Tú dù bận rộn với công việc nhưng vẫn luôn tranh thủ thời gian đến bếp phụ giúp nấu, bưng bê, chuyện trò cùng mọi người.
Chia sẻ về dấu ấn trên hành trình thiện nguyện thời gian qua, anh Tú vui vẻ: “Giờ em “giàu” lên nhiều, “giàu” ở tình cảm của người bệnh và mọi người yêu mến dành cho. Nhiều người bệnh gửi lời cảm ơn, có người còn góp gạo cho bếp. Những tình cảm chân thành ấy đã tiếp thêm động lực để gia đình em tiếp tục làm việc thiện. Chứng kiến nhiều hoàn cảnh người bệnh nghèo, có những người hôm nay còn nhận cơm, mấy hôm sau đã không còn nữa; cuộc đời vô thường lắm, bởi vậy, làm được gì có ích cho đời, em sẽ nỗ lực hết mình...”.
Không chỉ quyết tâm duy trì những bữa cơm nhân ái, vợ chồng anh Tú đang làm thêm dự án xe bánh mì miễn phí tại một số điểm trên địa bàn thành phố Vinh; mỗi ngày phát 200 cái bánh mì cho người nghèo, vào thứ Năm, Sáu, Bảy và Chủ nhật hàng tuần.
Với tâm niệm “cho đi là còn mãi”, gia đình anh Mai Tú dự định nối dài những hoạt động thiện nguyện trong thời gian tới như: Mở thêm “Bếp ăn 0 đồng” và xây điểm trường cho học sinh miền núi… để lan tỏa yêu thương, trao nhiều giá trị tốt đẹp cho cộng đồng./.