Bí ẩn kim tự tháp lớn nhất thế giới
Nhắc đến kim tự tháp, người ta thường nghĩ ngay đến các công trình đồ sộ, nguy nga nằm giữa sa mạc bao la ở Ai Cập. Tuy nhiên, những kim tự tháp ở khu vực Trung - Nam Mỹ cũng quy mô và kỳ bí không kém.
Kim tự tháp lớn nhất thế giới
Đó không phải là kim tự tháp Giza (Ai Cập) mà là ở một nơi cách đó nửa vòng Trái đất: kim tự tháp Cholula (Mexico).
Năm 2016, các nhà khoa học từng làm một cuộc nghiên cứu trên trang BBC cho rằng kim tự tháp được xây dựng vào những năm 300 TCN này có phần chân lớn gấp 4 lần diện tích của kim tự tháp Giza (Ai Cập), rộng khoảng 450m và cao 66m.
Kích thước này tương đương với 9 bể bơi tiêu chuẩn Olympic.
Công trình này có tên địa phương là Tlachihualtepetl, mang ý nghĩa "ngọn núi nhân tạo" bởi ngoài độ cao "khủng" của mình, từ khoảng thế kỷ 15, nơi này bắt đầu bị bỏ hoang và gần như không được biết tới.
Cholula giờ chỉ còn lại các phần nền, phía trên đỉnh là một nhà thờ được xây từ khi Tây Ban Nha đến vùng đất này . |
Điểm đặc biệt của kim tự tháp Cholula là nó không phải một khối thống nhất như Giza mà được xây chồng lần lượt 6 tầng vào từng thời kỳ khác nhau.
Ông David Carballo - nhà khảo cổ học thuộc ĐH Massachusetts (Mỹ) - cho biết thêm Cholula có thể do nhiều dân tộc xây dựng nên và tôn thờ những vị thần khác nhau. Đây là điểm khác biệt lớn với những công trình văn hóa khác.
Khi quân đội Tây Ban Nha đến khai phá Trung và Nam Mỹ, nơi này càng trở nên hoang phế.
Vào năm 1519, tướng Hernan Cortes (Tây Ban Nha) dẫn quân vào khu vực kim tự tháp Cholula và sát hại nhiều người dân nơi đây (khoảng 10% dân số) rồi cho xây dựng nhà thờ ở những nơi đã đi qua để đánh dấu cuộc chinh phạt của mình.
Trên đỉnh kim tự tháp Cholula ngày nay, một nhà thờ nhỏ tên Iglesia de Nuestra Senõra de los Remedios vẫn "chễm chệ" đứng đó.
Suốt một thời gian dài, cây cỏ mọc um tùm che lấp kim tự tháp và nhiều người chỉ nghĩ đây là một ngọn đồi và bệ đỡ cho nhà thờ.
Mãi đến năm 1910, các nhà khảo cổ mới bắt đầu khai quật để tìm lại một công trình "thế kỷ" giờ chỉ còn là phế tích.
Từ năm 1930 tới nay, nhiều nỗ lực đã được thực hiện nhằm khai quật toàn bộ kim tự tháp.
Vào năm 2013, chính quyền địa phương quyết định tháo dỡ một phần nền công trình để nối liền hệ thống thoát nước của thành phố. Họ phát hiện ít nhất 63 bộ xương, trong đó có những hộp sọ của trẻ em.
Các nhà khoa học cho rằng đây là bằng chứng rõ ràng cho thấy kim tự tháp Cholula là nơi những thổ dân Trung - Nam Mỹ xưa thực hành tín ngưỡng tế sống của mình.
Đồng thời, hơn 8km đường hầm được đào bên trong cấu trúc này nhằm mục đích phát triển du lịch.
Đường hầm đến "địa ngục"
Khu vực đền đài Teotihuacan ở Mexico. |
Khu vực đền đài Teotihuacan nằm ở thung lũng Teotihuacan, miền trung Mexico bao gồm hai kim tự tháp chính là Mặt trời và Mặt trăng, cùng với một quảng trường tế lễ tên đền Rắn.
Đây là một địa điểm thiêng liêng tưởng niệm nhằm tôn thờ những vị thần vĩ đại của nền văn minh Maya.
Nền văn minh Teotihuacan - nằm cách phía bắc thủ đô Mexico City ngày nay khoảng 40km - tồn tại giữa thế kỷ thứ 1 và thế kỷ thứ 8. Vào thời kỳ cực thịnh, Teotihuacan có dân số ước tính tới 200.000 người.
Kim tự tháp Mặt trời là kim tự tháp lớn thứ 3 trên thế giới, trong khi đó, kim tự tháp Mặt trăng nhỏ hơn nhưng lại mang một bí mật đặc biệt.
Trang Science Alert cho biết các chuyên gia đã kiểm tra cấu trúc và xác định thêm một con đường bí mật nằm dưới tòa kim tự tháp Mặt trăng này. Đường hầm ở độ sâu 9m, kéo dài từ chân Kim tự tháp ở trung tâm quảng trường tế lễ tại Teotihuacan.
Kim tự tháp Mặt trăng - nơi có một đường hầm bí mật được xem như nơi nối hiện tại và địa ngục. |
Theo nhà khảo cổ Verónica Ortega, đường hầm này tựa như một thế giới trong lòng đất, một "đường đến địa ngục" của người dân Mesoamerican xưa.
Quanh quảng trường Mặt trăng có 12 nền kim tự tháp nhỏ hơn, được cho là chỗ dành cho hàng ngàn người thành phố chứng kiến các lễ hiến sinh.
Đồng thời, các ngôi mộ trong kim tự tháp có cả vật tế là người và động vật, cùng nhiều đồ từ ngọc và đá quý.