Kinh tế

Bí đầu ra, một số nhà máy xi măng ở Nghệ An phải tạm dừng sản xuất

Văn Trường 31/07/2024 15:18

Thị trường nội địa chậm, xuất khẩu gặp khó trong khi chi phí sản xuất tăng cao khiến một số nhà máy xi măng ở Nghệ An thua lỗ, phải tạm dừng sản xuất.

Nhà máy xi măng dừng sản xuất do “tắc” đầu ra

Thời gian qua, các nhà máy xi măng trên địa bàn Nghệ An đều chung cảnh bế tắc đầu ra dẫn đến sản xuất, kinh doanh thua lỗ. Kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hoàng Mai sản xuất 780.000 tấn xi măng và 150.000 tấn clinker, lỗ hơn 50 tỷ đồng.

van truong 345
Một số đại lý bán xi măng ở huyện Nghĩa Đàn tiêu thụ chậm. Ảnh: Văn Trường

Ông Nguyễn Trung Thành - Giám đốc Xí nghiệp tiêu thụ Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hoàng Mai, cho biết: Từ đầu năm đến nay, thị trường xi măng trong nước lẫn xuất khẩu đều khó khăn. Giá xi măng xuống thấp, hiện có giá 1,6 triệu đồng/tấn (giảm 100.000 đồng/tấn so với cùng kỳ).

Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam 2 (huyện Anh Sơn) cũng gặp khó khăn tương tự, từ đầu năm 2024 đến nay đã có 2 tháng phải dừng sản xuất. 7 tháng đầu năm, nhà máy sản xuất 201.438 tấn clinker, 325.347 tấn xi măng, doanh thu 371 tỷ đồng, giảm 9,1% so với cùng kỳ. Thị trường nội địa và xuất khẩu khó khăn nên clinker sản xuất ra phải xả bãi khá nhiều.

van truong 3
Một số nhà máy Xi măng phải dừng lò nhiều tuần từ đầu năm đến nay. Ảnh: Văn Trường

Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ xi măng

Ông Nguyễn Trung Thành - Giám đốc Xí nghiệp tiêu thụ Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hoàng Mai cho biết thêm: Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, đơn vị đã thực hiện tiết giảm chi phí sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tiết giảm tiêu hao nguyên nhiên vật liệu. Qua đó, giảm giá thành sản phẩm, cạnh tranh với thị trường. Tiếp tục chăm sóc khách hàng cũng như tìm các thị trường nội địa, xuất khẩu.

Đối với Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam 2, thực hiện bám sát tình hình thực tế, phối hợp chặt chẽ giữa sản xuất, tiêu thụ và quản lý tồn kho để rà soát, xây dựng các kịch bản, linh hoạt lựa chọn phương án chạy lò hiệu quả.

van truong 2
Vận chuyển xi măng tại Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam 2 (huyện Anh Sơn). Ảnh: Văn Trường

Theo báo cáo Sở Công Thương, hiện toàn tỉnh có 4 nhà máy xi măng, sản lượng xi măng theo thiết kế đạt 7,8 triệu tấn/năm; trong đó có: Nhà máy Xi măng Sông Lam (Đô Lương) công suất 4 triệu tấn/năm; Nhà máy Xi măng Hoàng Mai công suất 1,4 triệu tấn/năm; Nhà máy Xi măng Sông Lam 2 (Anh Sơn) công suất 0,6 triệu tấn/năm;... Được biết, trong 4 nhà máy xi măng từ đầu năm 2024 đến nay có 2 máy đã dừng lò vì tiêu thụ khó.

Thời gian qua, nhu cầu xây dựng dân dụng và công trình đầu tư công giảm, thị trường bất động sản phục hồi chậm. Do đó, doanh nghiệp xi măng trên địa bàn Nghệ An gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ. Trong khi lượng xi măng trong nước dư thừa, nhu cầu thế giới giảm mạnh, thì giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, cạnh tranh giá khốc liệt, dẫn đến các nhà máy xi măng địa bàn tỉnh hoạt động cầm chừng, kinh doanh thua lỗ.

7 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh sản xuất được trên 4,1 triệu tấn xi măng, giảm 4,66%/so với cùng kỳ, hiện các nhà máy xi măng trên địa bàn tỉnh đang tồn kho hàng ngàn tấn clinker và xi măng.

van truong m34
Đẩy mạnh đầu tư công là một trong những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng. Ảnh: Văn Trường

Dự báo ngành xi măng sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó các nhà máy xi măng trên địa bàn tỉnh có nguy cơ tạm dừng sản xuất. Sở Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp ngành xi măng phải theo dõi sát tình hình thị trường, tìm các giải pháp chủ động ứng phó linh hoạt, tăng cường năng lực cạnh tranh, tìm kiếm các thị trường mới. Đặc biệt, Nghệ An cần đẩy nhanh phát triển đầu tư công, cũng như đẩy nhanh tiến độ các công trình dự án lâu nay còn chậm, phát triển nông thôn mới nâng cao, nông thôn kiểu mẫu, xây dựng hạ tầng giúp các nhà máy tiêu thụ sản phẩm xi măng.

Ngày 15/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng. Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại có cơ chế, chính sách hỗ trợ về vốn vay để doanh nghiệp nhanh chóng khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng bền vững.
Đẩy mạnh đầu tư công, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, hạ tầng đô thị, nông thôn, các công trình hạ tầng quốc phòng - an ninh, đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội.... để thúc đẩy tiêu thụ xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng.
Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp sản xuất xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng cần tái cấu trúc quản trị, tài chính, đầu tư... để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Đầu tư máy móc, mua sắm thiết bị công nghệ mới, hiện đại nhằm tiết giảm nhiên liệu, chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Tìm kiếm cơ hội hợp tác, đẩy mạnh xuất khẩu...

Mới nhất

x
Bí đầu ra, một số nhà máy xi măng ở Nghệ An phải tạm dừng sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO