Kinh tế

Đến cuối năm 2025, các khu công nghiệp Nghệ An cần trên 70.000 lao động

Nguyễn Hải 25/07/2024 15:49

Theo Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam, từ nay đến cuối năm 2025, nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quy mô sản xuất lớn đi vào hoạt động nên nhu cầu tuyển trên 70 nghìn lao động.

Cụ thể, theo kết quả khảo sát của Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam, từ nay đến hết năm 2025, các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp và Khu kinh tế Đông Nam cần trên 70 nghìn lao động, trong đó 6 tháng cuối năm 2024 là 29.945 người và năm 2025 là 43.445 lao động.

Thông tin tuyển dụng trên dựa vào kết quả khảo sát, đăng ký của 73 doanh nghiệp tại các KCN thuộc Khu kinh tế Đông Nam đã và sắp đi vào hoạt động.

Đứng đầu danh sách cần nhiều lao động nhất là Luxshare-ICT Nghệ An, 6 tháng cuối năm 2024 cần khoảng 13.200 lao động và năm 2025 cần 20.000 lao động; Công ty Merry & Luxshare (Việt Nam) 6 tháng cuối năm cần 5.000 lao động và năm 2025 cần 6.000 lao động, Công ty giầy Crypress (Việt Nam) 6 tháng cuối năm 2024 cần 2.000 lao động và năm 2025 cần 4.000 lao động.

Tiếp theo, Công ty giầy Andromeda (Việt Nam) 6 tháng cuối năm 2024 cần 1.500 lao động, Công ty công nghệ Runergy (Việt Nam) 6 tháng cuối năm 2024 cần 1.262 lao động và năm 2025 cần 2.000 lao động, Công ty Everwin Precision (Việt Nam) và Công ty Mareep mỗi đơn vị cần 1.000 lao động 6 tháng cuối năm 2024 và năm 2025 cần thêm 2.000 lao động; Công ty điện tử Ju Teng, 6 tháng cuối năm 2024 cần 600 lao động và sang năm 2025 cần thêm 2.000 lao động.

z5623116495596_8e66d25bc669f833b043053097dc72ff.jpg
Người lao động tìm cơ hội việc làm tại hội chợ cung cầu lao động do Công ty VSIP phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam tổ chức. Ảnh Nguyễn Hải

Trong khi đó, Công ty TNHH Sangwoo Việt Nam, Công ty may An Nam Matsuoka, Công ty Kyungshin Nghệ An 6 tháng cuối năm 2024 cần 1.500 người (mỗi đơn vị cần 500 người), năm 2025 mỗi doanh nghiệp trên cần thêm 1.000 người. Xếp tiếp theo là 15 doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực may mặc, giày da và điện tử mỗi đơn vị đăng ký tuyển từ 300 - 500 lao động.

Đại diện Phòng doanh nghiệp và lao động, Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam cho biết thêm: không chỉ lo trước mắt, theo khảo sát, giai đoạn từ năm 2025 - 2029, chỉ tính riêng các dự án FDI trọng điểm đã có nhu cầu đăng ký sử dụng khoảng 98.701 lao động; nhân lực chủ yếu là lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, năng lượng xanh. Đây là áp lực không chỉ đối với doanh nghiệp mà còn của tỉnh. Hiện tại, với 154 doanh nghiệp đang hoạt động tại Khu kinh tế Đông Nam đang sử dụng gần 40.000 lao động.

Lao động nữ đang làm việc tại Công ty Điện tử Kysungsin Vina tại KCN WHA.Dù môi trường làm việc khá tốt nhưng do thu nhập thấp nên chưa thu hút được lao động. Ảnh Cơ cơ cung cấp
Lao động nữ đang làm việc tại Công ty Điện tử Kysungsin Vina tại KCN WHA. Ảnh: Cơ sở cung cấp

Thống kê của Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam cho thấy: vài năm lại đây, mặc dù các doanh nghiệp vẫn tuyển dụng được nhiều lao động nhưng không giữ chân được lao động do số người nghỉ việc gia tăng kỷ lục. Trong đó năm 2023 và 6 tháng năm 2024, số lao động nghỉ việc chiếm trên 50% số lao động tuyển dụng. Đơn cử tại Công ty Luxshare Nghệ An, năm 2023 đã tuyển dụng được 7.126 lao động nhưng có tới 3.793 người nghỉ việc, chiếm 53% số tuyển dụng; 6 tháng đầu năm 2024 tuyển dụng được trên 9.800 lao động nhưng có 7.759 người nghỉ việc, chiếm 79% số lao động được tuyển.

Nguyên nhân người lao động tại các KCN nghỉ việc chủ yếu là do mức tiền lương và thu nhập bình quân các doanh nghiệp tại Nghệ An trả cho lao động còn thấp. Năm 2023 và 6 tháng đầu năm, mặc dù mức trả 6,63 triệu đồng/tháng, tăng 5% so với năm 2022; tính cả các khoản, tổng thu nhập chỉ xấp xỉ 7 triệu đồng/tháng, thấp hơn so với mặt bằng chung cả nước (8,49 triệu đồng/người/tháng) và các tỉnh, thành khác như Thanh Hóa là 7,848 triệu đồng, Hà Tĩnh là 7,633 triệu đồng, TP Hồ Chí Minh là 11,4 triệu đồng và Hà Nội là 7,402 triệu/người/tháng.

(Nguồn Cục quan hệ lao động và tiền lương, Bộ Lao động TBXH)

Mới nhất

x
Đến cuối năm 2025, các khu công nghiệp Nghệ An cần trên 70.000 lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO