Kinh tế

Doanh nghiệp cần chủ động hơn trong thu hút lao động

Nguyễn Hải 17/07/2024 09:05

Sau khi liên tiếp 2 năm lọt vào tốp 10 tỉnh thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước, Nghệ An sắp có một số dự án lớn đi vào hoạt động nên nhu cầu tuyển dụng lao động sắp tới sẽ rất lớn.

Theo kết quả khảo sát của Ban quản lý Khu Kinh tế Đông Nam, giai đoạn 2022-2025, các doanh nghiệp thuộc Khu Kinh tế cần khoảng 90 ngàn lao động. Hiện tại, với trên 130 doanh nghiệp hoạt động, Khu Kinh tế Đông Nam đã thu hút gần 42.000 lao động.

Sắp tới có hơn 10 dự án sắp đi vào hoạt động, trong đó có những dự án lớn nên nhu cầu tuyển dụng lao động là rất lớn và dự kiến cần 50.000 lao động.

Tại các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo UBND tỉnh đầu tháng 7, các doanh nghiệp FDI đã đặt vấn đề và mong tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện trong tiếp cận, tuyển dụng. Ban quản lý Khu Kinh tế Đông Nam cũng liên tục đăng tải thông tin tuyển dụng công khai trên trang web của ban; đồng thời chia sẻ trên các trang thông tin, mạng xã hội khác nhưng vẫn khó tuyển.

Một thông báo tuyển dụng lao động cho doanh nghiệp FDI được đăng tải công khai trên Website của Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam. Ảnh: Nguyễn Hải
Một thông báo tuyển dụng lao động cho doanh nghiệp FDI được đăng tải công khai trên website của Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam. Ảnh: Nguyễn Hải

Một trong những lý do khiến việc tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp FDI hiện nay khó là do nhu cầu của doanh nghiệp cần 66% lao động là nữ và 55-60% trong số đó trình độ lao động phổ thông, chưa qua đào tạo.

Một lãnh đạo Phòng Lao động, Việc làm và An toàn lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chia sẻ: Tỉnh có dân số đông, mỗi năm có từ 36 - 40 ngàn người bước vào độ tuổi lao động. Thế nhưng, do phần lớn các lao động đều lựa chọn đi xuất khẩu lao động, làm việc ngoại tỉnh hoặc làm nghề tự do nên số lao động tham gia thị trường nhân lực địa phương không nhiều.

Lãnh đạo tỉnh cùng Liên đoàn Lao động tỉnh thăm khảo sát tình hình sản xuất tại Nhà máy Luxshare để nắm nhu cầu lao động. Ảnh: Cơ sở cung cấp
Lãnh đạo tỉnh cùng Liên đoàn Lao động tỉnh thăm khảo sát tình hình sản xuất tại Nhà máy Luxshare để nắm nhu cầu lao động. Ảnh: Cơ sở cung cấp

Báo cáo giải quyết việc làm vài năm trở lại đây của Nghệ An cho thấy, trong số khoảng 50 nghìn lao động cần việc làm hàng năm, có khoảng 20 nghìn lao động xuất khẩu lao động, chiếm 40%, khoảng 10 nghìn lao động đi làm ngoại tỉnh; khoảng 20 nghìn lao động ở lại địa phương. Tuy nhiên, trong số khoảng 20 nghìn người ở lại địa phương, có gần 10 nghìn người làm các ngành nghề tự do và không tham gia thị trường lao động.

Trên thực tế, các doanh nghiệp và khu công nghiệp chỉ còn khoảng 10 nghìn người để tuyển dụng. Không những thế, các doanh nghiệp vào Nghệ An chủ yếu tuyển lao động phổ thông. Doanh nghiệp khó tuyển và khó giữ chân lao động vì trả lương thấp thì chỉ cần có cơ hội, thu nhập tốt hơn thì lao động sẽ bỏ việc, nhảy việc...

Điều kiện môi trường làm việc tại các doanh nghiệp FDI Nghệ An khá tốt nhưng do thu nhập khiêm tốn nên chưa thu hút được lao động. Ảnh: Công nhân làm việc tại Công ty Điện tử Kysungsin Vina tại KCN WHA. Ảnh: Cơ sở cung cấp
Điều kiện môi trường làm việc tại các doanh nghiệp FDI Nghệ An khá tốt nhưng do thu nhập khiêm tốn nên chưa thu hút được lao động. Ảnh: Công nhân làm việc tại Công ty Điện tử Kysungsin Vina tại KCN WHA. Ảnh: Cơ sở cung cấp

Bên cạnh đó, theo nhiều lao động Nghệ An, sở dĩ họ lựa chọn đi xuất khẩu lao động hoặc làm ăn xa là do thu nhập của doanh nghiệp nội tỉnh quá thấp, chỉ từ 6-9 triệu đồng/tháng. Cùng thời gian làm việc như nhau là 8 tiếng/ngày và tính chất, khối lượng công việc tương đương nhưng nếu xuất khẩu lao động thì mỗi tháng thu nhập từ 30-45 triệu đồng/người; nếu làm việc tại các khu công nghiệp ngoại tỉnh thì dao động từ 12-17 triệu đồng/người là chưa công bằng.

Ông Trần Phi Hùng - Trưởng phòng Việc làm và An toàn lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Mức thu nhập là điểm nghẽn, lực cản lớn nhất của doanh nghiệp khu kinh tế. Mặc dù các doanh nghiệp Nghệ An đang trả lương cho lao động đúng theo quy định về lương tối thiểu vùng, nhưng còn thấp trong bối cảnh chi phí sinh hoạt ngày càng tăng.

 Nhà ở xã hội
Cụm dự án Nhà ở xã hội do một doanh nghiệp đang đầu tư xây dựng tại Khu công nghiệp Nam Cấm. Ảnh Nguyễn Hải

Đồng quan điểm, ông Đinh Văn Phong - Trưởng phòng Doanh nghiệp và lao động, Khu Kinh tế Đông Nam chia sẻ thêm: Nhu cầu tuyển dụng lao động vào làm việc tại KCN VSIP, WHA, Hoàng Mai I ngày càng tăng. Tuy nhiên, hạn chế của các doanh nghiệp FDI là muốn tuyển dụng lao động phổ thông, chưa qua đào tạo là nhằm tận dụng nguồn nhân công giá rẻ. Đây là tính toán sai lầm bởi lao động Nghệ An có nhiều lựa chọn. Cũng như các tỉnh, các chi phí sinh hoạt của lao động đều tăng nên mức lương thấp sẽ khó tuyển được lao động tốt.

Vấn đề về lao động làm việc tại các nhà máy, khu công nghiệp ở Nghệ An hiện khá cấp bách, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy chính quyền địa phương, nhà đầu tư, doanh nghiệp, ngành lao động và các trường đào tạo nghề, cơ sở dịch vụ việc làm…

Sắp tới các doanh nghiệp, nhà đầu tư FDI tại Nghệ An không chỉ mời gọi, thu hút lao động Nghệ An mà còn phải thu hút lao động ngoại tỉnh vào Nghệ An làm việc và trả lương xứng đáng.

Nhiều lao động trẻ đến Trung tâm Dịch vụ việc làm, Sở Lao động, TB&XH tìm cơ hội nhưng đích đến lớn nhất là xuất khẩu lao động. Ảnh: Nguyễn Hải
Nhiều lao động trẻ đến Trung tâm Dịch vụ việc làm, Sở Lao động, TB&XH tìm cơ hội nhưng đích đến lớn nhất là xuất khẩu lao động. Ảnh: Nguyễn Hải

Ông Trần Phi Hùng - Trưởng phòng Việc làm, An toàn lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Thời gian qua, một số doanh nghiệp, nhà đầu tư có nhu cầu sử dụng lao động lớn như Tập đoàn Luxshare ICT, Juteng… đã có các văn bản gửi UBND tỉnh và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hỗ trợ. Thực tế, ngành và các địa phương đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận nguồn lao động. Tuy nhiên, để hiệu quả hơn thì các doanh nghiệp, nhà đầu tư phải chủ động, đồng hành, công khai và quảng bá ưu thế doanh nghiệp.

Chuyên gia Nhật và đại diện Sở Lao động, TB&XH tỉnh sang tận đơn vị cung ứng lao động tại Nghệ An để kiểm tra năng lực lao động dệt may miền núi trước khi đi xuất khẩu Nhật Bản. Ảnh: Nguyễn Hải
Chuyên gia Nhật và đại diện Sở Lao động, TB&XH tỉnh sang tận đơn vị cung ứng lao động tại Nghệ An để kiểm tra năng lực lao động dệt may miền núi trước khi đi xuất khẩu Nhật Bản. Ảnh: Nguyễn Hải

Ông Hoàng Sỹ Tuyến - Trưởng phòng Hướng nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội bổ sung: Chỉ tiêu đào tạo tỉnh giao hàng năm khoảng 15.000 lao động, trong đó khoảng 10.000 chỉ tiêu giao cho các cơ sở dạy nghề trung cấp thuộc tỉnh và khoảng 5.000 chỉ tiêu cho các trường cao đẳng nghề Trung ương đứng chân trên địa bàn. Trong khi một số doanh nghiệp phía Nam chủ động liên hệ, kết nối với nhà trường để tuyển dụng lao động sau khi tốt nghiệp thì các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn Nghệ An vẫn đang khá "ung dung".

Để thu hút, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ để kết nối các học viên tại các cơ sở đào tạo nghề vào doanh nghiệp thực tập, làm quen với các thiết bị máy móc nhà xưởng; học viên, lao động nào đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn thì tuyển dụng vào làm ngay. Các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng phải kết hợp chặt chẽ với các nhà trường để ký hợp đồng đặt hàng, nếu cần thì ký hợp đồng hỗ trợ từ năm thứ 2 để sau khi tốt nghiệp, đáp ứng tiêu chuẩn nhà tuyển dụng, vào làm tốt thì được trả lương xứng đáng thì các bậc phụ huynh sẽ thay đổi.

Ký kết nối cung cầu lao động giữa Trường Cao đẳng KTCN Việt Nam – Hàn Quốc với doanh nghiệp. Hoạt động này cần thường xuyên và chặt chẽ hơn giữa cơ sở dạy nghề với các doanh nghiệp FDI. Ảnh tư liệu Báo Nghệ An
Ký kết nối cung cầu lao động giữa Trường Cao đẳng KTCN Việt Nam – Hàn Quốc với doanh nghiệp. Hoạt động này cần thường xuyên và chặt chẽ hơn giữa cơ sở dạy nghề với các doanh nghiệp FDI. Ảnh tư liệu Báo Nghệ An

Tại buổi làm việc mới đây của UBND tỉnh với các doanh nghiệp FDI và các sở ngành để kết nối tuyển dụng lao động cho các Khu công nghiệp, ông Vi Ngọc Quỳnh- Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chia sẻ: Để giữ chân lao động tại các doanh nghiệp và thu hút lao động từ các khu công nghiệp ngoại tỉnh về, tỉnh cần quyết liệt, dồn sức đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng xã hội, chăm sóc an sinh xã hội cho người lao động như chính sách nhà ở xã hội, điều kiện thăm khám sức khỏe, nhà trẻ cho con em lao động tại các khu công nghiệp tập trung; nhà ở cho các chuyên gia,…

Về lâu dài, cần nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ đặc thù đối với lao động làm việc, có đóng góp nổi bật tại Nghệ An. Cùng với tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động được hưởng chính sách hỗ trợ của tỉnh theo nghị quyết về hỗ trợ đầu tư của tỉnh, doanh nghiệp và nhà đầu tư nào chăm lo, xây dựng nhà ở cho lao động, công nhân làm việc thì nên được suy tôn, khen thưởng.

Mới nhất
x
x
Doanh nghiệp cần chủ động hơn trong thu hút lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO