Tìm giải pháp thu hút lao động cho các doanh nghiệp, dự án FDI trên địa bàn Nghệ An
Chiều 8/7, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị về tình hình cung – cầu lao động, giải quyết việc làm, giải pháp tháo gỡ khó khăn, thu hút lao động cho các doanh nghiệp, dự án FDI trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành; UBND, phòng Lao động – Thương binh và Xã hội các huyện, thành, thị; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; các đơn vị hoạt động dịch vụ việc làm, các doanh nghiệp cho thuê lao động; các doanh nghiệp FDI trong Khu Kinh tế Đông Nam có nhu cầu tuyển dụng lao động số lượng lớn; các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng khu công nghiệp trong Khu Kinh tế Đông Nam.
Nhu cầu tuyển dụng lao động lớn
Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, tính đến hết năm 2023, dân số trong độ tuổi lao động là 2.230.474 người, chiếm 64,85% trên tổng dân số toàn tỉnh.
Hằng năm, Nghệ An có khoảng 60.000 – 70.000 lao động có nhu cầu giải quyết việc làm, gồm: người đến tuổi lao động; quân nhân, công an hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương; học sinh tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp ra trường về tỉnh tìm việc làm, lao động bị mất việc làm trong các doanh nghiệp, lao động vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất có nhu cầu việc làm, lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài về nước; số lao động thất nghiệp ở thành thị, thiếu việc làm ở nông thôn.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 15.536 doanh nghiệp đang hoạt động, với gần 350.000 lao động đang làm việc. Trong đó, có 260 doanh nghiệp có vốn Nhà nước (26 doanh nghiệp Nhà nước thuộc tỉnh quản lý) với hơn 25.000 lao động; 164 doanh nghiệp FDI, với hơn 49.000 lao động; 15.112 doanh nghiệp ngoài quốc doanh, với hơn 276.000 lao động.
Giai đoạn từ năm 2019 đến tháng 6 năm 2024, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 241.862 lao động (bằng 106,22% kế hoạch đề ra); trong đó, việc làm trong tỉnh 98.742 lao động, chiếm 42,17%; việc làm ngoại tỉnh 45.874 lao động, chiếm 19,59%; làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 97.246 người, chiếm 40,22%. Xu hướng lao động làm việc ngoài tỉnh giảm dần và lao động trong tỉnh tăng dần theo các năm.
Theo khảo sát sơ bộ của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, trong 6 tháng năm 2024, nhu cầu tuyển dụng lao động ở các doanh nghiệp trong và ngoại tỉnh lớn, với 339 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng 45.049 lao động (trong đó: 258 doanh nghiệp trong tỉnh có nhu cầu tuyển dụng 28.877 lao động; 23 doanh nghiệp ngoài tỉnh có nhu cầu tuyển dụng 7.066 lao động).
Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam, năm 2024 và những năm tiếp theo, trong khu kinh tế, các khu công nghiệp có thêm nhiều doanh nghiệp FDI có quy mô sản xuất lớn và sử dụng nhiều lao động sẽ đi vào hoạt động (như: Luxshare-ICT Nghệ An 1 - xưởng số 2, Luxshare Nghệ An 2, Goertek Vina, Everwin, JuTeng, Sunny, Shandong, Runergy, Foxconn, Radiant, Hoa Lợi, Tân Việt, Thiên Năng...), do đó, nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao.
Theo kết quả khảo sát của Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam đối với các doanh nghiệp trong khu kinh tế, các khu công nghiệp Nghệ An, nhu cầu tuyển dụng lao động 6 tháng cuối năm 2024 và năm 2025 tiếp tục tăng cao: 6 tháng cuối năm 2024 có nhu cầu tuyển dụng lao động trên 29.945 người, năm 2025 có nhu cầu tuyển dụng trên 40.000 lao động.
Tháo gỡ khó khăn
Tại hội nghị, đại diện một số doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển dụng lao động số lượng lớn như Công ty TNHH Luxshare-ICT Nghệ An, Công ty TNHH Công Nghệ Everwin Precision, Tập đoàn Hoa Lợi... cho biết, hiện nay, việc tuyển dụng của lao động của các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, do một bộ phận lao động trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là lao động trẻ, chưa lập gia đình có tư tưởng thích tìm kiếm việc làm xa nhà hoặc lao động tự do, không mặn mà vào làm việc trong các doanh nghiệp vì phải chịu sự quản lý, bị ràng buộc bởi các nội quy, quy định của doanh nghiệp, các quy định của pháp luật về lao động.
Bên cạnh đó, cơ hội tìm việc của người lao động Nghệ An rất nhiều, kể cả làm việc trong tỉnh và ngoài tỉnh. Đặc biệt, đi xuất khẩu lao động nước ngoài được người lao động quan tâm do chi phí ngày càng giảm và minh bạch, khả năng làm việc ổn định, thu nhập cao gấp 5 - 8 lần so với làm việc ở các doanh nghiệp trong tỉnh, điều này cũng dẫn đến thực trạng khó tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, nguồn lao động chất lượng cao của Nghệ An còn hạn chế nên nhiều doanh nghiệp FDI khó tuyển dụng được lao động là kỹ sư lành nghề, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật cao, dẫn đến một số doanh nghiệp thời gian đầu hoạt động phải tuyển dụng lao động nước ngoài (Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản…).
Các doanh nghiệp FDI cũng đề nghị UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ thu hút lao động như: Đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu (nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp, trường mầm non, cơ sở y tế, khu vui chơi, giải trí, luyện tập thể thao, chợ, siêu thị…) phục vụ nhu cầu thiết yếu của người lao động; tăng cường tuyên truyền đến lao động các tỉnh lân cận về nhu cầu tuyển dụng của các khu công nghiệp, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An…
Trong khi đó, đại diện một số sở, ngành, địa phương, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho rằng, nguyên nhân dẫn đến việc các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khó thu hút lao động là do tiền lương, thu nhập tại Nghệ An còn thấp so với mặt bằng chung cả nước.
Theo khảo sát, hiện thu nhập bình quân của người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong khu kinh tế, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh được trả bao gồm các khoản phụ cấp chỉ đạt từ 5 - 6 triệu đồng/tháng, trong trường hợp làm tăng ca cộng tiền thưởng và các khoản phụ cấp khác thì tổng thu nhập cũng mới chỉ đạt từ 7 - 8 triệu đồng/tháng.
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long cho biết, lãnh đạo tỉnh Nghệ An cam kết sẽ nỗ lực đồng hành cùng các doanh nghiệp FDI trong việc khắc phục khó khăn trong tuyển dụng lao động.
Để hoạt động này được tiến hành thuận lợi, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam chủ động thu thập số liệu, dự báo về cung - cầu lao động để làm cơ sở cho công tác tuyển dụng của các doanh nghiệp; tham mưu tích cực hơn nữa vấn đề xây dựng nhà ở cho công nhân, thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục trong các khu công nghiệp.
Liên đoàn Lao động tỉnh tăng cường triển khai nắm bắt nhu cầu của lao động trong các doanh nghiệp; nắm bắt việc thực hiện các chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động.
Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị, đặc biệt là các huyện miền núi, chỉ đạo công tác điều tra, thu thập thông tin về nhu cầu việc làm của lao động địa phương; tăng cường tuyên truyền về các chính sách việc làm của tỉnh, về nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong tỉnh đến với người dân, người lao động.
Về phía các doanh nghiệp cần tích cực có các chính sách, đãi ngộ giúp người lao động có việc làm phù hợp, thu nhập hợp lý, cao hơn hoặc bằng các khu vực ngoại tỉnh; tạo điều kiện cho lao động có cơ hội phát triển nghề nghiệp, môi trường làm việc lành mạnh, tiến bộ nhằm giữ chân người lao động làm việc ổn định, lâu dài.