Bí quyết phân biệt thịt lợn sạch và thịt lợn bẩn
(Baonghean.vn) -Trước tình trạng "thịt bẩn", "thịt độc" ngày càng nhiều khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang. Vậy làm thế nào để phân biệt bằng mắt thường có thể mua được thịt lợn sạch, đảm bảo vệ sinh và an toàn cho gia đình?
Những mẹo dưới đây sẽ giúp các gia đình lựa chọn được thịt lợn sạch không mang mầm bệnh, thuốc tăng trọng, chất tạo nạc...
1.Thịt lợn mang mầm bệnh
Thịt lợn gạo: Bằng mắt thường rất dễ dàng nhận thấy nếu lợn bị gạo, trong thớ thịt sẽ có kén giun màu trắng; những đốm trắng này hình bầu dục, có khi lớn bằng hạt đậu.
Lợn bị thương hàn: Bề mặt da có những nốt bầm hoặc lấm tấm xuất huyết, thịt nhão, tai bị tím.
Lợn bị bệnh tả: Nốt xuất huyết nằm dưới da hoặc trên vành tai, lấm tấm như nốt muỗi đốt.
Lợn bị tụ huyết trùng: Thịt có những mảng bầm, tụ máu.
Lợn bị bệnh đóng dấu: Bề mặt da có những nốt tròn đỏ hoặc tía, có khi màu tím bầm; kích thước khác nhau, như hình đóng dấu.
2. Nhận biết lợn ăn tăng trọng, chất tạo nạc
Khi thấy thịt nạc có màu đỏ đạm khác thường, lớp mỡ mỏng đó lợn đã ăn chất tạo nạc. |
Mùi vị: Thịt lợn siêu nạc sẽ có mùi tanh hơn thịt lợn sạch.
Màu sắc: Thịt lợn sạch có màu hồng tươi. Thịt lợn siêu nạc thường có màu đỏ đậm khác thường, sáng và bóng; da có thể xuất hiện những đốm đỏ.
Kiểm tra lớp mỡ: Lợn siêu nạc thường có lớp mỡ mỏng dưới 1cm và lỏng lẻo, phần nạc bám sát vào da. Với "thịt lợn sạch" mỡ thường dày 1,5 - 2cm, có màu trắng trong hoặc trắng ngà.
Kiểm tra khối thịt: Thịt lợn sạch, khối thịt rắn chắc, có độ đàn hồi cao khi ấn xuống, thớ thịt đều, đường cắt mặt thịt khô ráo.
Lợn ăn tăng trọng, chất tạo nạc thịt thường khô, cứng hơn và ít đàn hồi; có cảm giác ứ nước bên trong, cục nạc nổi thành u, khi thái có thể có dịch vàng chảy ra.
Một cách thử đơn giản khác là khi thái thịt thành miếng dày 3 - 4 cm, nếu không đứng thẳng được thì đó là thịt đã nuôi tăng trọng.
Thịt lợn sạch thường có lớp mỡ dày, độ đàn hồi cao. |
3. Kiểm tra chất bảo quản
Một số người bán thường “hô biến” thịt ôi thành tươi bằng cách ướp hàn the, muối diêm... để đánh lừa cảm quan người tiêu dùng.
Khi ướp những chất này, thịt trông sẽ đỏ tươi, không còn độ dính dẻo tự nhiên, thớ thịt săn, cứng, mất độ đàn hồi.
Khi cắt sâu vào bên trong, thịt khá nhũn, chảy dịch, màu hơi thâm, có mùi. Loại thịt này khi rửa sẽ chuyển màu nhợt và có mùi tanh rất khó chịu, mỡ có màu vàng.
Thịt có chất tạo nạc thường ra nhiều nước, khi nấu lên cũng có mùi không thơm như tự nhiên, khi ăn có cảm giác bị khô. |
4. Kiểm tra trong quá trình chế biến
Thịt lợn sạch khi luộc nước trong, không váng bẩn; khi rang miếng thịt nở ra, không có nước, có mùi thơm.
Thịt siêu nạc hoặc nuôi cám tăng trọng khi luộc thường nhiều váng, nước có mùi hôi, khi rang ra nhiều nước, ăn khô.
Nếu lợn cho ăn chất tạo nạc, khi nấu thịt sẽ bốc hơi mùi kháng sinh dễ nhận biết./.