Luật mới quy định đèn vàng đi thế nào cho đúng?
Khi tham gia giao thông đường bộ, đèn xanh được đi, đèn đỏ là cấm đi. Vậy dự thảo luật mới quy định về đèn vàng như thế nào?
Trước hết, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ ghi nhận đèn tín hiệu giao thông thuộc hệ thống báo hiệu đường bộ.
Khoản 1 Điều 10 dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định, báo hiệu đường bộ, gồm: hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; đèn tín hiệu giao thông; biển báo hiệu đường bộ (gồm biển báo cấm, biển báo nguy hiểm, biển hiệu lệnh, biển chỉ dẫn, biển phụ); vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường; cọc tiêu, đinh phản quang, tiêu phản quang, cột Km, cọc H, mốc lộ giới đất hành lang an toàn đường bộ và đất của đường bộ; thiết bị âm thanh báo hiệu đường bộ.
Khoản 4 Điều 10 dự thảo luật này quy định, hiệu lệnh của tín hiệu đèn giao thông như sau:
Màu của đèn tín hiệu giao thông gồm màu xanh, màu đỏ, màu vàng; có hiển thị thời gian hoặc không hiển thị thời gian. Người tham gia giao thông phải chấp hành.
Cụ thể, tín hiệu đèn màu xanh là được đi; trường hợp người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang đi ở lòng đường, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ, nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường.
Tín hiệu đèn màu đỏ là cấm đi.
Tín hiệu đèn màu vàng phải dừng lại trước vạch dừng.
Trường hợp tín hiệu đèn màu vàng nhấp nháy, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông được đi nhưng phải giảm tốc độ, quan sát, nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường hoặc các phương tiện khác theo quy định.