Bình đẳng giới để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Phụ nữ Nghệ An 49,14% lực lượng lao động trong xã hội. Để phụ nữ vươn lên đóng góp tích cực cho xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam các cấp tỉnh Nghệ An có nhiều hoạt động hỗ trợ chị em vượt qua rào cản tâm lý, định kiến về giới để nỗ lực vươn lên làm chủ cuộc sống, đóng góp tích cực cho xã hội.
Mai Hoa • 29/10/2024
Phụ nữ Nghệ An 49,14% lực lượng lao động trong xã hội. Để phụ nữ vươn lên đóng góp tích cực cho xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam các cấp tỉnh Nghệ An có nhiều hoạt động hỗ trợ chị em vượt qua rào cản tâm lý, định kiến về giới để nỗ lực vươn lên làm chủ cuộc sống, đóng góp tích cực cho xã hội.
* * * * *
Một trong những chương trình, hoạt động trọng tâm của các cấp Hội Phụ nữ ở tỉnh Nghệ An là tuyên truyền, hỗ trợ phụ nữ phòng, chống bạo lực gia đình. Với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, các cấp hội giúp chị em bảo vệ bản thân, gia đình, xây dựng cuộc sống hòa thuận, bình đẳng.
Lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ
Vài năm sau khi lấy chồng, nhiều người mừng thầm cho chị N.T ở xã Quỳnh Lương (huyện Quỳnh Lưu - Nghệ An), có cuộc sống khá viên mãn. Thế nhưng, khi sức khỏe của 2 đứa con không được tốt, công việc làm ăn của vợ chồng gặp nhiều khó khăn thì tính nết của chồng chị thay đổi, thường xuyên chán nản, cục cằn, sẵn sàng bạo hành vợ.
Cứ nghĩ “ngậm đắng, nuốt cay”, cam chịu để cho qua chuyện, thế nhưng, khi được Hội Phụ nữ xã, xóm tư vấn, chị N.T đã dần tự tin, chia sẻ một cách cởi mở về câu chuyện của gia đình mình để tìm hướng tháo gỡ. Bản thân chị cũng có thêm kiến thức, kỹ năng, đặc biệt là vượt qua trở ngại tâm lý “xấu chàng hổ ai”, tự đấu tranh mà như chị nói là “giành sự bình yên của chính mình và các con”.
Cùng ở xã Quỳnh Lương, chị T.H trở thành nạn nhân bạo hành của người chồng say rượu. Suốt gần 20 năm cam chịu và có thời gian, chị T.H bị trầm cảm. Chị H cho biết, cũng đã nhiều lần nghĩ đến chuyện mẹ con dắt díu nhau ra khỏi nhà để được giải thoát, nhưng rồi cứ "sợ này, sợ nọ" nên chị cắn răng chịu đựng. Khi được tiếp cận các thông tin về phòng, chống bạo lực gia đình được cán bộ Hội Phụ nữ xã tuyên truyền, chị H đã cho gia đình nhà chồng biết mình bị bạo hành. Cùng đó, bản thân chị cũng tiếp thu thêm những kỹ năng “lạt mềm buộc chặt”, dần dần chồng chị thay đổi, yêu thương, có trách nhiệm lo cho vợ con hơn. Giờ đây, chị T.H đã khỏi bệnh trầm cảm và cuộc sống ngày một tốt lên.
Chị Bùi Thị Thoa - Chủ tịch Hội Liên hiệp Hội Phụ nữ xã Quỳnh Lương cho biết, để giảm thiểu bạo lực gia đình, trên cơ sở tham mưu của Hội Phụ nữ xã, UBND xã đã thành lập Đội phản ứng nhanh phòng, chống bạo lực gia đình do Phó Chủ tịch UBND xã làm đội trưởng và các thành viên gồm: Công an xã, công chức tư pháp, văn hóa, cán bộ Mặt trận Tổ quốc, Hội LHPN xã và các Chi hội trưởng Phụ nữ các thôn có người bị bạo lực gia đình.
Nhiệm vụ của Đội là tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng, chống bạo lực gia đình; sâu sát, gần gũi, hướng dẫn chị em - nạn nhân bạo lực gia đình hoặc có nguy cơ bạo lực gia đình cách quản lý cảm xúc và ứng phó khi bạo lực đến với mình. Từ hoạt động của đội phản ứng nhanh đã góp phần nâng cao năng lực cho cán bộ và nhận thức của người dân trong phòng, chống bạo lực gia đình, nhất là đối tượng bị bạo hành và bạo hành. Đồng thời, kết nối để chữa bệnh, hỗ trợ mô hình sinh kế cho chị em, bởi một trong những nguyên nhân tạo ra bạo lực gia đình bắt nguồn từ điều kiện kinh tế khó khăn, chật vật.
Hoạt động của đội phản ứng nhanh phòng, chống bạo lực gia đình xã đã giúp nhiều chị em “cởi trói” tâm lý cam chịu, im lặng để đấu tranh chống bạo lực gia đình đến với bản thân và con cái họ.
Chị Bùi Thị Thoa - Chủ tịch Hội LHPN xã Quỳnh Lương
Ở huyện Quỳnh Lưu, tại xã Quỳnh Thắng, bên cạnh việc thành lập đội phản ứng nhanh, xã còn thành lập 2 câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình cho 2 đối tượng: Câu lạc bộ “Sức sống mới” dành cho nạn nhân bị bạo lực và nguy cơ bị bạo lực (là các bà vợ trong gia đình); Câu lạc bộ “Người đàn ông trách nhiệm” dành cho người gây bạo lực gia đình (các ông chồng). Ở các xã như Quỳnh Diễn, Quỳnh Tân, Sơn Hải…, tổ chức Hội Phụ nữ cũng đã phối hợp với chính quyền và các ngành thành lập Câu lạc bộ “Phòng, chống bạo lực gia đình”. Phổ biến ở nhiều địa phương là các câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”; “Gia đình 5 không, 3 sạch”, “Phụ nữ và pháp luật”… Hội Phụ nữ các cấp ở Quỳnh Lưu cũng tổ chức nhiều cuộc thi online tìm hiểu về phòng, chống buôn bán người; phòng, chống bạo lực gia đình; cuộc thi vẽ tranh về phòng, chống xâm hại tình dục…
Chị Hồ Thị Thuý Hằng – Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Quỳnh Lưu cho rằng, các câu lạc bộ, các cuộc thi do các cấp hội phối hợp thành lập đều hướng tới mục đích nâng cao nhận thức về phòng, chống bạo lực gia đình cho người dân nói chung và phụ nữ nói riêng; đồng thời trang bị kỹ năng “ứng phó” không để bạo lực xảy ra hoặc cách phòng vệ cho người phụ nữ khi bạo lực xảy ra. Mục đích cuối cùng là xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, văn minh. Phương pháp của cán bộ Hội Phụ nữ khi đến với hội viên, phụ nữ là lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ để cùng nhau tìm một giải pháp, biện pháp hữu hiệu nhằm đấu tranh với bạo lực gia đình.
Nỗ lực thay đổi
Nạn nhân chính của bạo lực gia đình, phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Với vai trò là tổ chức đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho các tầng lớp phụ nữ, một trong những chương trình, nội dung công tác của các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh thời gian qua là tập trung tuyên truyền gắn với hỗ trợ phụ nữ phòng, chống bạo lực gia đình bằng nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, giúp phụ nữ tự bảo vệ mình, bảo vệ gia đình, xây dựng cuộc sống hòa thuận, bình đẳng.
Tại huyện Quỳ Châu, ngoài phối hợp với các tổ chức trong hệ thống chính trị đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; Hội Phụ nữ huyện chỉ đạo các Hội cơ sở và chi hội xây dựng và duy trì nhiều câu lạc bộ “Phòng, chống bạo lực gia đình” tại các thôn, bản; huy động cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia trong các tổ hoà giải, tổ tự quản nhằm lắng nghe, tiếp xúc, phát hiện và vào cuộc hoà giải các mâu thuẫn, các hành vi bạo lực gia đình tại từng địa bàn dân cư.
Ở huyện Đô Lương, các cấp hội đẩy mạnh các hoạt động truyền thông cộng đồng về phòng, chống bạo lực gia đình tại các trường học, tổ chức diễn đàn cấp xã và thông qua sinh hoạt chi hội, cụm chi hội…; gắn với chủ trì hoặc phối hợp với một số ngành liên quan tổ chức các diễn đàn giao lưu “Phòng chống bạo lực gia đình và tệ xã hội”, “Mẹ chồng mẫu mực, nàng dâu hiếu thảo”; thành lập và duy trì hoạt động các câu lạc bộ “Mẹ và con”, “Cùng con tiếp bước”; các mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em”, Chi hội phụ nữ “5 không, 3 sạch” (trong đó có tiêu chí không có bạo lực gia đình, ngôi nhà bình yên).
Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đô Lương, bà Thái Thị Hiền: Thông qua các hoạt động nêu trên đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ, chống bạo lực gia đình từ chính người phụ nữ và trẻ em. Từ đó, lan toả về ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong giám sát, phát hiện, vào cuộc phòng chống bạo lực gia đình. Ở một số cơ sở đã thành lập và duy trì mô hình đội phản ứng nhanh về phòng, chống bạo lực gia đình; 33/33 xã, thị trấn xây dựng, duy trì “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” để khi có bạo lực gia đình, phụ nữ và trẻ em tìm đến, được hỗ trợ về tinh thần và tư vấn pháp lý. Cán bộ và hội viên phụ nữ trở thành là thành viên nòng cốt trong các tổ hoà giải ở cơ sở, tham gia tư vấn cho phụ nữ, trẻ em bị bạo lực gia đình.
Ở phạm vi toàn tỉnh, thông qua triển khai Đề án 938 về "Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027" và Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em"; các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông, tập huấn, đối thoại, diễn đàn, tổ chức các hội thi, câu lạc bộ về bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình; giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử trong gia đình…
Các cấp hội tổ chức nhiều phong trào, cuộc vận động, xây dựng các mô hình hỗ trợ xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, như: “Hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững”; “Hỗ trợ cộng đồng phòng chống xâm hại trẻ em, phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”; “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em”; “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”; “Tổ tư vấn pháp luật cho phụ nữ và trẻ em”; “Hỗ trợ phụ nữ và trẻ em chịu ảnh hưởng bởi bạo lực giới”; xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, “5 có, 3 sạch”…
Riêng Dự án 8, sau gần 3 năm triển khai thực hiện, toàn tỉnh đã thành lập 257 “Tổ truyền thông cộng đồng”; 28 “địa chỉ tin cậy”; 31 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”; tổ chức 30 cuộc đối thoại chính sách… trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bà Lê Thị Hương Giang – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh khẳng định: Thông qua các hoạt động trên đã góp phần nâng cao nhận thức, đồng thời giải quyết một số vấn đề chung của phụ nữ, nhất là định kiến giới, bạo lực gia đình, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, vi phạm pháp luật.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cũng nêu trăn trở: Trong công tác này, vẫn còn những trở ngại từ chính là tâm lý của người phụ nữ là cam chịu, mặc cảm, không dám chia sẻ mình bị bạo lực gia đình. Hoặc họ chưa đặt niềm tin vào ai để có thể giải quyết được tình trạng bị bạo lực của gia đình mình. Đó là vấn đề mà các cấp Hội Phụ nữ ở Nghệ An đang tiếp tục trăn trở, đổi mới cách tiếp cận, đi sâu, đi sát, gần gũi lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ và bằng nhiều giải pháp, nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, góp phần xây dựng gia đình no ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.
Phụ nữ “chân yếu, tay mềm”. Với phụ nữ khuyết tật lại càng khó khăn hơn, song bằng nỗ lực bản thân và hỗ trợ của các cấp Hội phụ nữ, nhiều chị đã vượt lên nghịch cảnh, biến những điều không thể thành có thể, tạo lập hạnh phúc gia đình và làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn.
Nghị lực phi thường
Chị Nguyễn Thị Thanh, ở thị trấn Cầu Giát (Quỳnh Lưu) bị khuyết tật ngôn ngữ, mất khả năng phát âm do mắc bệnh u máu và trải qua nhiều lần phẫu thuật cắt bỏ khối u khi còn nhỏ.
Vừa bệnh tật, vừa chịu tổn thương về tinh thần và hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, nhưng với ý thức trách nhiệm của người chị cả trong gia đình, chị Thanh đã vượt qua tất cả cùng mẹ tìm kế sinh nhai. Sau một thời gian buôn rau, bán dưa cà, đậu phụ, năm 2015, chị được Hội Phụ nữ huyện Quỳnh Lưu hỗ trợ xây dựng mô hình thu mua, bảo quản, cung ứng hải sản.
Trải qua 7 năm khởi nghiệp, đến nay, chị đã đầu tư 2 kho đông lạnh gắn với chế biến hải sản, sản phẩm của chị cung ứng cho một số siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch và xuất khẩu ra nước ngoài. Bên cạnh tăng thu nhập cho gia đình, chị còn tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương với thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Mình cố gắng để cải thiện cuộc sống gia đình và vui vì còn giúp được một số người có thêm việc làm, thu nhập.
Chị Nguyễn Thị Thanh- thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu
Chính suy nghĩ đó, hàng năm, chị trích hàng trăm triệu đồng từ lợi nhuận và kêu gọi sự đồng hành hỗ trợ những người bạn hàng hỗ trợ vốn, trao tặng các mô hình sinh kế và tặng quà cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài huyện và nhận đỡ đầu một trẻ mồ côi tại xã An Hòa. Năm 2022, chị được nguyên tặng kỷ niệm chương tôn vinh nữ doanh nhân có trái tim vàng vì cộng đồng.
Chị Phan Thị Hiền, ở xã Diễn Thái (Diễn Châu) bị khuyết tật vận động bẩm sinh, đi lại rất khó khăn. Bằng suy nghĩ: Học để có việc làm, có thu nhập, tự chủ cuộc sống, chị đã nỗ lực học, tốt nghiệp trường cao đẳng dược và mở quầy thuốc tây. Đặc biệt, từ nghề làm bánh ong truyền thống của quê hương, chị đã trăn trở tìm kiếm, lan tỏa sản phẩm bánh ong ra thị trường thông qua kết nối, quảng bá sản phẩm lên mạng xã hội Facebook, Zalo.
Dần dần sản phẩm bánh ong Diễn Thái được người tiêu dùng trong tỉnh và khắp cả nước biết đến. Để tăng lượng sản phẩm đưa ra thị trường, chị tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô và mua máy móc phục vụ chế biến; thành lập tổ liên kết sản xuất gồm 15 thành viên tham gia nhằm tăng số lượng và chất lượng sản phẩm đến người tiêu dùng. Riêng gia đình chị, mỗi năm sản xuất khoảng 4 - 5 tấn bánh ong, doanh thu mỗi năm khoảng 450 triệu đồng. Hiện tại sản phẩm này đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục xây dựng sản phẩm OCOP.
Chị Thanh và chị Hiền là 2 trong những tấm gương phụ nữ khuyết tật vượt khó vươn lên tiêu biểu trong toàn tỉnh được Hội LHPN tỉnh Nghệ An tôn vinh. Họ giống như cây xương rồng trên cát, dù trong điều kiện sống khắc nghiệt nhất, vẫn mạnh mẽ vươn lên và nở hoa. Những người phụ nữ đó đã vượt lên bóng tối, thắp sáng cho cuộc sống bằng chính nghị lực của họ.
Hỗ trợ phụ nữ khuyết tật vươn lên
Theo số liệu thống kê, hiện toàn tỉnh Nghệ An có hơn 69.000 người khuyết tật, trong đó phụ nữ khuyết tật có khoảng hơn 17.000 người. Triển khai thực hiện Chỉ thị số 11, ngày 08/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An về việc giúp đỡ người khuyết tật; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh Nghệ An lần thứ XVI, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh có nhiều hỗ trợ thiết thực đối với phụ nữ khuyết tật, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của người khuyết tật; tạo điều kiện để người khuyết tật tham gia bình đẳng vào các hoạt động của xã hội. Phối hợp xây dựng môi trường không rào cản, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người khuyết tật và hỗ trợ người khuyết tật phát huy khả năng của mình. Mục tiêu đặt ra có 80% phụ nữ khuyết tật được hỗ trợ bằng các hình thức khác nhau để vươn lên trong cuộc sống.
Hoạt động trọng tâm là tuyên truyền, nâng cao nhận thức, xóa bỏ sự phân biệt đối xử với phụ nữ khuyết tật; tuyên truyền các chủ trương chính sách an sinh xã hội đối với phụ nữ yếu thế để phụ nữ khuyết tật tiếp cận. Các cấp Hội Phụ nữ cũng tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ khuyết tật phát triển kinh tế thông qua tập huấn, hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, vay vốn phát triển kinh tế, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm…
Bên cạnh đó, nhiều cấp hội sáng tạo, tổ chức nhiều phong trào, mô hình tiết kiệm, tạo nguồn lực hỗ trợ phụ nữ khuyết tật phát triển sản xuất, kinh doanh; tặng sổ tiết kiệm, làm nhà ở, nhận đỡ đầu con của phụ nữ khuyết tật…
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh chia sẻ: Hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ khuyết tật “để không ai bị bỏ lại phía sau” là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tổ chức hội các cấp, góp phần thúc đẩy nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh. Đó là 1 trong 3 nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII và Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đề ra.
Hội Phụ nữ các cấp trong tỉnh Nghệ An đang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khuyết tật, như hỗ trợ sinh kế, nâng cao năng lực, xây dựng các công trình vệ sinh, nước sạch, mái ấm tình thương, tiếp cận các dịch vụ trợ giúp xã hội, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới...
Các cấp hội phối hợp hỗ trợ các gia đình và phụ nữ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi của địa phương để phát triển kinh tế, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; hướng dẫn phụ nữ khuyết tật tham gia các lớp dạy nghề, tạo việc làm và thu nhập ổn định. Một số cấp hội nỗ lực tổ chức kết nối để phụ nữ khuyết tật tiếp cận các dịch vụ xã hội phù hợp, nhằm tạo điều kiện, cơ hội phát triển bình đẳng đối với phụ nữ khuyết tật.
Thực tiễn đã chứng minh, rất nhiều chị em không thua kém nam giới. Ngày càng xuất hiện những phụ nữ làm chủ kinh tế, khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp thành công và tham gia tích cực vào hoạt động xã hội.
Đồng hành cùng phụ nữ phát triển kinh tế
Ở bản Cà, xã Châu Hồng (Quỳ Hợp), chị Lương Thị Lý có hoàn cảnh khá khó khăn. Xây dựng gia đình từ “hai bàn tay trắng”, khi có thêm 2 đứa con, đặc biệt con trai đầu của chị bị bệnh thiếu máu, hàng tháng phải đi viện tuyến tỉnh để điều trị, cuộc sống gia đình lại càng khó khăn.
Cuộc sống gia đình cứ “cầm cự” như vậy đến năm 2019, chị Lý được tham gia lớp tập huấn về chăn nuôi và hỗ trợ vay vốn ngân hàng do Hội Phụ nữ quản lý. Gia đình chị mua 2 con bò sinh sản phát triển chăn nuôi. Quá trình nuôi đó, cán bộ Hội Phụ nữ thường xuyên động viên, hướng dẫn thêm kiến thức chăn nuôi. Dịp lễ, Tết, hay có nguồn hỗ trợ nào, Hội Phụ nữ và cả hệ thống chính trị ở địa phương đều ưu tiên dành cho gia đình, tạo động lực để gia đình chị vươn lên.
Từ 2 con bò giống, sau 5 năm, gia đình chị Lý đã có 12 con bò; trong đó đã bán 6 con được hơn 120 triệu đồng để trả tiền vay ngân hàng và sửa chữa nhà ở, mua sắm các vật dụng ti vi, tủ lạnh... Hiện nay, ngoài tài sản cùng 6 con bò, vợ chồng chị Lý làm ruộng vườn, cùng nguồn thu nhập của đứa con thứ 2 đã đi làm, cuộc sống gia đình ổn định và thoát khỏi hộ nghèo.
Nhận thức, tư duy và niềm tin đối với cuộc sống của chị Lương Thị Hồng, ở bản Na Tỳ, xã Châu Thôn (Quế Phong) cũng được thay đổi từ khi được tham gia các cuộc truyền thông, tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt, về xây dựng gia đình hạnh phúc. Từ năm 2020, chị Hồng tham gia tổ hợp tác xã chăn nuôi vịt bầu do Hội Phụ nữ xã triển khai và được hỗ trợ 50 con vịt giồng cùng thức ăn gia cầm. Lứa vịt đầu tiên có lãi, các lứa sau, chị tăng đàn dần và sau 1 năm, chị nuôi mỗi lứa hơn 300 con vịt bầu, mỗi năm nuôi 4 lứa, với tổng mỗi năm xuất bán hơn 1.200 con, trừ chi phí, mỗi năm gia đình thu về khoảng 60 – 70 triệu đồng. Gia đình chị Hồng còn mở cửa hàng tạp hoá, kết hợp với cải tạo vườn trồng rau, đào ao thả cá để cải thiện cuộc sống.
Điều đáng quý ở chị Lương Thị Hồng, theo chia sẻ của bà Lương Thị Hà - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Châu Thôn: “Không chỉ có ý chí vươn lên phát triển kinh tế gia đình, mà từ sự thấu hiểu những khó khăn của chính mình trước đây do thiếu kiến thức, thiếu vốn, nên chị Hồng đã rất tích cực cùng với tổ chức Hội tham gia tuyên truyền, chia sẻ kinh nghiệm và vận động chị em làm kinh tế, vận động chị em gửi tiền tiết kiệm định kỳ để hỗ trợ hội viên, phụ nữ nghèo làm kinh tế, thoát nghèo. Chị Hồng đã góp phần cùng tổ chức hội phụ nữ giúp chị em tự tin và dám nói lên tiếng nói của mình, bình đẳng trong gia đình, xã hội".
Hỗ trợ, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển kinh tế, khởi sự doanh nghiệp, khởi nghiệp thành công là một trong những nhiệm vụ được các cấp Hội Phụ nữ ở Nghệ An ưu tiên tập trung nhằm tăng quyền năng kinh tế, giúp phụ nữ mạnh dạn thay đổi tư duy, đổi mới sáng tạo trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế. Qua đó, có nhiều chị em mạnh dạn khởi sự kinh doanh, tự tin theo đuổi đam mê và hiện thực hóa ước mơ vươn lên làm giàu chính đáng.
Trong hơn 3 năm (2021 – 2024), các cấp Hội Phụ nữ ở Nghệ An đã hỗ trợ dạy nghề, học nghề cho hơn 2,5 vạn lao động nữ và sau đào tạo đã có hơn 2 vạn lao động có việc làm. Các cấp hội duy trì kết nối, hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế, khởi nghiệp cho hơn 7,7 vạn đối tượng vay với tổng dư nợ gần 5.000 tỷ đồng; hỗ trợ 1.222 phụ nữ khởi nghiệp.
Phong trào làm kinh tế, kinh doanh trong cán bộ, hội viên, phụ nữ ở Nghệ An được đẩy mạnh; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm nghèo chung của tỉnh, trong đó có hơn 2.297 hộ do phụ nữ làm chủ thoát nghèo. Có 8 hợp tác xã và 73 tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ với 1.200 thành viên được thành lập.
Nỗ lực làm chủ cuộc sống
Cùng với sự vào cuộc của tổ chức Hội Phụ nữ các cấp và ý chí tự lực, tự cường vươn lên, rất nhiều chị em vượt qua những định kiến và thử thách, vươn lên đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội, khẳng định vai trò của mình trong nhiều lĩnh vực.
Ở Nghệ An, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội chiếm 30,77%; đại biểu HĐND cấp tỉnh 27,71%, cấp huyện 31,25%, cấp xã gần 30%. Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 đạt 18,8% cấp tỉnh; 19,31% cấp huyện và 26,6% cấp xã. Tỷ lệ cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh có lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt 90%; cấp huyện đạt 97%; cấp xã đạt 86%. Tỷ lệ các sở, ban, ngành trực thuộc UBND tỉnh có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt 38,1%; tỷ lệ cơ quan HĐND, UBND cấp huyện có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt 66,7%; tỷ lệ cơ quan HĐND, UBND cấp xã có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt 33,3%.
Cùng đó, ngày càng có nhiều phụ nữ là nhà khoa học, doanh nhân, bác sĩ, nghệ sĩ, luật sư, nhà báo, công nhân, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi… Vai trò của người phụ nữ ngày càng được khẳng định trong từng tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… Và trong chính các hộ gia đình, phụ nữ gánh trên vai “trụ cột” gia đình, lo kinh tế, chăm chồng, nuôi con trưởng thành.
Tuy nhiên, nhìn nhận thực tế, việc bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia, thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội cần được cải thiện. Điều đó đòi hỏi sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cơ quan, đoàn thể và mỗi cá nhân chị em.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã tiếp tục khẳng định: "Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới…". Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng đã ban hành các nghị quyết, chỉ thị về công tác cán bộ nữ, bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ và Quốc hội đã hành Luật Bình đẳng giới và Chính phủ ban hành Chiến lược Quốc gia bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030 với các mục tiêu về bình đẳng giới được đề ra rất cụ thể.
Để hiện thực hoá các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ; góp phần phát huy tài năng, trí tuệ và truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới, bên cạnh sự vào cuộc của các cấp Hội Phụ nữ, cần sự nỗ lực vươn lên của chính từng chị em. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: "Các cấp lãnh đạo đi sát hơn, thiết thực hơn, thì phong trào phụ nữ chắc rộng hơn, mạnh hơn nữa".
Cùng với thực hiện các chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, các cấp, ngành chú trọng tạo môi trường thuận lợi để phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vững; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ; tham gia tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ít carbon, kinh tế tri thức. Đồng thời, thực hiện các giải pháp quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo nữ ở các cấp, các ngành, các lĩnh vực, từ đó nâng cao vị thế người phụ nữ...
Bà Hoàng Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh khẳng định: Vấn đề định kiến về giới mặc dù đã có những thay đổi, song tư tưởng và nhận thức về định kiến giới vẫn còn tồn tại trong không ít người, thậm chí khi phụ nữ thành công ở một lĩnh vực nào đó, người ta vẫn không dễ dàng ghi nhận một cách sòng phẳng như nam giới. Vậy làm thế nào để phụ nữ bình đẳng thực chất? Điều quan trọng nhất cần phải kiên trì đẩy mạnh công tác truyền thông, làm thay đổi nhận thức và hành vi ứng xử với phụ nữ từ trong mỗi gia đình và xã hội.