Bình yên vùng biên Nậm Cắn

Lãnh đạo xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn trao đổi với người dân bản biên giới Pa Ca về tình hình sản xuất. Ảnh: CSCC
Lãnh đạo xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn trao đổi với người dân bản biên giới Pa Ca về tình hình sản xuất. Ảnh: CSCC

Từ trung tâm thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn), ngược Quốc lộ 7 lên xã biên giới Nậm Cắn, cảm nhận khung cảnh bình yên trong từng nếp nhà, từng thôn, bản. Ghé bản Pa Ca nằm sát đường vành đai biên giới Việt – Lào, trước đây được biết đến là bản nghèo và khó khăn nhất của xã biên giới. Thế nhưng hiện nay sau khi tuyến đường bê tông dài hơn 5km nối Quốc lộ 7A đi vào tận trung tâm bản hoàn thành, người dân đi lại thuận tiện, nông sản làm ra dễ tiêu thụ hơn, cuộc sống của người dân có nhiều khởi sắc, an ninh trật tự được đảm bảo, tệ nạn xã hội được đẩy lùi. Theo ông Ven Văn Khăm – Trưởng bản Pa Ca: “Trong bản hiện không có trường hợp di cư tự do, không còn người nghiện; người dân có ý thức chấp hành pháp luật, bảo vệ đường biên giới, mốc giới và có tinh thần cảnh giác cao, không nghe, không tin các đối tượng xấu”.

Bản biên giới Pa Ca, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: G.H
Bản biên giới Pa Ca, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: G.H

Toàn xã Nậm Cắn có 6 bản với 984 hộ, 5.061 nhân khẩu, 4 hệ dân tộc cùng sinh sống trong đó: Dân tộc Mông chiếm 70,5%, Khơ Mú chiếm 14,8%, Thái chiếm 13,4%,  dân tộc Kinh chiếm 1,3%. Theo ông Lầu Bá Chày – Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn: Do địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt; tình hình KT-XH, nhất là các bản vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, trình độ dân trí hạn chế nên tình hình tội phạm ma túy diễn biến khá phức tạp. Các đối tượng thường dụ dỗ, lợi dụng người dân đi thăm thân, qua lại biên giới để vận chuyển ma túy về Việt Nam. Toàn xã có đến 17 trường hợp nghiện ma túy. Trước thực tế đó, cấp uỷ, chính quyền chủ động phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn, lực lượng Công an xã chính quy đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật với nhiều hình thức (bằng cả tiếng phổ thông và tiếng dân tộc); thực hiện lồng ghép hiệu quả các đề án liên quan đến đấu tranh phòng, chống ma túy.

Biểu đồ: Cơ cấu dân tộc sinh sống tại xã Nậm Cắn. Đồ họa: Hồng Toại
Biểu đồ: Cơ cấu dân tộc sinh sống tại xã Nậm Cắn. Đồ họa: Hồng Toại

Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị tích cực phối hợp với già làng, trưởng bản, người có uy tín trong dòng họ làm tốt công tác vận động các đối tượng nghiện đi cai nghiện ma túy… Do vậy, từ địa bàn phức tạp, cuối năm 2022, Nậm Cắn đã được công nhận là xã biên giới sạch ma túy và hiện đang nỗ lực triển khai các giải pháp “giữ sạch” địa bàn.

Người dân xã Nậm cắn, huyện Kỳ Sơn tham gia tuần tra đường biên cột mốc cùng lực lượng biên phòng. Ảnh tư liệu: K.L
Người dân xã Nậm cắn, huyện Kỳ Sơn tham gia tuần tra đường biên cột mốc cùng lực lượng biên phòng. Ảnh tư liệu: K.L

Bên cạnh tội phạm ma túy, do có nhiều đường mòn, lối mở nên tại địa bàn Nậm Cắn còn nổi lên hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại. Mới đây tổ công tác của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn, Công an huyện Kỳ Sơn đồng chủ trì, phối hợp với Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn phát hiện và ngăn chặn kịp thời đối tượng buôn lậu gia súc qua biên giới. Cụ thể, khoảng đầu tháng 3/2024, ông Nguyễn Hùng Sơn, trú tại xã Nghĩa Hợp (Tân Kỳ) xuất cảnh sang Lào, đến 1 trang trại chăn nuôi để mua 17 con bò sữa (đã thải loại) và liên lạc, thoả thuận với một đối tượng vận chuyển bằng đường tiểu ngạch qua biên giới với chi phí 1.000.000 Kíp Lào/1 con. Ngày 15/3/2024, ông Sơn thuê xe tải của người Lào chở 17 con bò đã mua về đến bản Đỉn Đăm, cụm bản Noọng Hét Tây, huyện Noọng Hét, tỉnh Xiêng Khoảng và thuê người dân Lào dắt đi theo đường mòn qua biên giới về Việt Nam, khi đến bản Tiền Tiêu, xã Nậm Cắn thì bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ.

Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Nghệ An tổ chức kết nghĩa với UBND xã Nậm Cắn  hỗ trợ xây dựng xã biên giới sạch ma túy. Ảnh tư liệu: Bình Minh
Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Nghệ An tổ chức kết nghĩa với UBND xã Nậm Cắn hỗ trợ xây dựng xã biên giới sạch ma túy. Ảnh tư liệu: Bình Minh

Ngoài ra, qua trao đổi, Bí thư Đảng uỷ xã Nậm Cắn – ông Lang Thanh Lương cho biết thêm: Thời gian qua, một số đối tượng xấu còn lôi kéo, dụ dỗ, kích động người dân trên địa bàn, các em học sinh, sinh viên đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng và lao động đi làm ăn xa (trên địa bàn hiện có 620 lao động trong nước, 10 lao động ở nước ngoài và hàng trăm lao động thời vụ, người đi thăm thân bằng hộ chiếu, giấy thông hành…) để tuyên truyền, xuyên tạc, phá hoại thành quả và đường lối cách mạng, bôi nhọ và nói xấu, xuyên tạc hình ảnh lãnh tụ và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Lực lượng chức năng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân bản Khánh Thành, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Lữ Phú
Lực lượng chức năng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân bản Khánh Thành, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Lữ Phú

Trước thực tế đó, bên cạnh phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát, kiểm tra chặt chẽ các đường mòn, lối mở cũng như người, phương tiện xuất nhập cảnh qua cửa khẩu, hệ thống chính trị xã Nậm Cắn thiết lập cơ chế thông tin liên lạc vững chắc với người dân bằng nhiều hình thức (qua hội họp, gặp gỡ trực tiếp; thông tin qua hệ thống loa phát thanh; các nhóm Zalo, Facebook của từng tổ chức, từng thôn, bản…). Qua đó, kịp thời nắm chắc, phát hiện từ sớm, từ xa, các hiện tượng, mầm mống, nguy cơ các vụ việc phức tạp, bất ổn để cảnh báo, ứng phó kịp thời; không để phát sinh “điểm nóng”.

Lãnh đạo Đảng ủy xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn) đi kiểm tra tình hình thôn bản. Ảnh: Gia Huy
Lãnh đạo Đảng ủy xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn) đi kiểm tra tình hình thôn bản. Ảnh: Gia Huy

Xã Nậm Cắn đồng thời phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, Biên phòng… phát huy tốt vai trò của 4 tập thể, 30 hộ gia đình tự quản đường biên, mốc giới và 6 tổ tự quản an ninh trật tự ở thôn, bản tham gia đấu tranh với các loại tội phạm. Bên cạnh đó, triển khai hiệu quả các chương trình, đề án hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện, khí hậu tại địa phương như mô hình nuôi bò, dê núi, trồng đào lấy quả và lấy cành, trồng khoai sọ, lạc tím, ngô tím địa phương; phát huy làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm… để hiện thực hóa mục tiêu “yên dân, ấm bản”.

Khu vực Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn hai bên là đồi núi địa hình hiểm trở. Ảnh tư liệu: Hải Thượng
Khu vực Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn hai bên là đồi núi địa hình hiểm trở. Ảnh tư liệu: Hải Thượng

Là địa bàn có 23,099km đường biên giới tiếp giáp với huyện Noọng Hét (tỉnh Xiêng Khoảng, Lào), Đảng ủy, chính quyền xã Nậm Cắn chú trọng tăng cường các hoạt động đối ngoại để thắt chặt tình hữu nghị, đảm bảo an ninh trật tự khu vực biên giới. Đặc biệt, Đảng bộ xã Nậm Cắn đã chỉ đạo tổ chức hoạt động ký kết nghĩa giữa bản Tiền Tiêu, Huồi Pốc (xã Nậm Cắn) với bản Loọng Quạng và bản Thăm Poọng – Cụm bản Noọng Hét Tây, huyện Noọng Hét; giữa Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nậm Cắn với Hội Liên hiệp Phụ nữ Cụm bản Noọng Hét Tây. Định kỳ, các đơn vị kết nghĩa tổ chức giao ban để trao đổi thông tin, phối hợp đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động vượt biên, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, xâm phạm tài nguyên, phá hoại môi trường; phòng chống di cư tự do, tranh chấp nương rẫy, khai thác lâm sản trái phép giữa nhân dân các bản hai bên biên giới.

An ninh trật tự ở khu vực chợ biên Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn) luôn được đảm bảo. Ảnh tư liệu: Xuân Hoàng
An ninh trật tự ở khu vực chợ biên Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn) luôn được đảm bảo. Ảnh tư liệu: Xuân Hoàng

Hai bên còn hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế, tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa. Trong đó chợ biên giới Nậm Cắn, họp vào Chủ nhật hàng tuần đã trở thành nơi giao thương, trao đổi hàng hóa, gặp gỡ giao lưu văn hóa của nhân dân hai bên biên giới. Công tác an ninh, trật tự ở khu vực chợ luôn được đảm bảo. Mới đây (từ ngày 14/1/2024), để duy trì, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; quản lý hoạt động của người và phương tiện qua lại biên giới, cửa khẩu trong quá trình tham gia hoạt động tại chợ biên giới Nậm Cắn và phòng, chống những hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn (Bộ đội Biên phòng Nghệ An) đã triển khai cấp thẻ ra vào khu vực chợ biên.

Người dân đăng ký nhận thẻ ra, vào chợ biên Nậm Cắn (Kỳ Sơn). Ảnh tư liệu: Hải Thượng
Người dân đăng ký nhận thẻ ra, vào chợ biên Nậm Cắn (Kỳ Sơn). Ảnh tư liệu: Hải Thượng

Một số vấn đề phát sinh cũng được các bên phối hợp cùng giải quyết. Ví như khoảng 1 năm trở lại đây bình quân 1 ngày có khoảng 100-200 xe đầu kéo, container trọng tải lớn chở quặng từ Lào về Việt Nam lưu thông qua Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn. Lượng xe chờ để làm thủ tục xuất nhập, nhận hàng xếp hàng dài từ 3 – 6km từ cửa khẩu qua các bản Tiền Tiêu, Trường Sơn, Khánh Thành của xã Nậm Cắn thường chiếm 1/2 lòng đường Quốc lộ 7A. Theo lãnh đạo địa phương: Do đường hẹp, xe phóng nhanh vượt ẩu, đã gây ra 5 vụ tai nạn giao thông ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn. Do vậy, chính quyền địa phương đã đề nghị các cấp thẩm quyền có giải pháp nhằm đảm bảo với yêu cầu phát triển, tránh ùn tắc và tai nạn giao thông.

Xe trọng tải lớn đậu trong khu vực cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn chờ nhập cảnh. Ảnh tư liệu: Hải Thượng
Xe trọng tải lớn đậu trong khu vực cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn chờ nhập cảnh. Ảnh tư liệu: Hải Thượng

Từ đó, Đoàn liên ngành 2 tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) và tỉnh Nghệ An (Việt Nam) cũng đã tổ chức Hội nghị song phương để trao đổi, thống nhất giải quyết vấn đề về ùn tắc phương tiện xuất, nhập qua Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn. Hai bên thống nhất đề nghị cấp có thẩm quyền sớm triển khai khảo sát, bổ sung quy hoạch mới khu vực cửa khẩu theo hướng mở rộng tối đa phạm vi khu vực cửa khẩu, mở rộng khu vực chợ biên giới nhưng không ảnh hưởng đến đường biên cột mốc, đầu tư kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng đảm bảo cho phương tiện, hàng hóa tập kết chờ làm thủ tục xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu của mỗi bên…

Đoàn liên ngành 2 tỉnh Nghệ An - Xiêng Khoảng trao biên bản ghi nhớ tại Hội nghị song phương về giải quyết vấn đề ùn tắc phương tiện tại Cửa  khẩu Quốc tế Nậm Cắn. Ảnh tư liệu: Hải Thượng
Đoàn liên ngành 2 tỉnh Nghệ An - Xiêng Khoảng trao biên bản ghi nhớ tại Hội nghị song phương về giải quyết vấn đề ùn tắc phương tiện tại Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn. Ảnh tư liệu: Hải Thượng

Những giải pháp đồng bộ, hiệu quả của chính quyền địa phương và lực lượng chức năng trên địa bàn đã góp phần mang lại sự bình yên, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nơi mảnh đất tiền tiêu còn nhiều khó khăn của huyện biên giới Kỳ Sơn.