Doanh nghiệp bị Đoàn kiểm tra liên ngành (do UBND tỉnh thành lập tại Quyết định số 3892/QĐ-UBND) kiểm tra, phát hiện áp dụng chỉ số quy đổi không đúng quy định, kê khai thiếu sản lượng tính thuế là Công ty TNHH Duyên Hoàng. Doanh nghiệp này sau đó bị UBND huyện Quỳ Hợp xử phạt vi phạm hành chính 235 triệu đồng (tại Quyết định số 603/QĐ-UBND ngày 7/4/2022); Chi cục Thuế Khu vực Phủ Quỳ I truy thu thuế, phí hơn 1,84 tỷ đồng (tại Quyết định số 421/QĐ-CCT ngày 4/4/2022).
Điều đáng nói, sau khi nhận quyết định xử phạt, truy thu thuế phí, Công ty TNHH Duyên Hoàng đã không đồng tình; vào ngày 5/4/2022 thì có đơn kiến nghị gửi đến UBND tỉnh, các cơ quan có liên quan và đoàn kiểm tra liên ngành.
Công ty TNHH Duyên Hoàng diễn giải tại đơn kiến nghị khá dài. Nhưng tựu trung cho rằng, việc kiểm tra của đoàn kiểm tra liên ngành chưa khách quan, có sự áp đặt để doanh nghiệp phải nộp phạt thuế và truy thu thuế không có căn cứ pháp lý; viện dẫn văn bản không phù hợp và không thuộc phạm vi điều chỉnh đến hoạt động của công ty trong lĩnh vực tính thuế tài nguyên đá hoa trắng làm bột CaCo3; Đoàn kiểm tra đã tính định mức kinh tế kỹ thuật là đá làm vật liệu xây dựng thông thường (hệ số quy đổi) sau đó lại áp giá tính thuế và thuế suất là đá hoa trắng làm bột khoáng chất công nghiệp.
Bên cạnh đó còn đưa ra thông tin, vào năm 2021 Công ty TNHH Duyên Hoàng đã được Đoàn kiểm tra Thuế của Chi cục Thuế Khu vực Phủ Quỳ I thực hiện kiểm tra (Quyết định số 5982 ngày 23/9/2021), đã có biên bản, kết luận với các số liệu cụ thể. Công ty TNHH Duyên Hoàng sau đó đã chấp hành, nộp đầy đủ toàn bộ số tiền bị truy thu, xử phạt của các năm 2018, 2019, 2020. Trong khi đó, Quyết định xử phạt mới đây của Chi cục Thuế Khu vực Phủ Quỳ I chưa có sự thống nhất với doanh nghiệp nhưng đã thực hiện truy thu số tiền và phạt với số tiền rất lớn, là 1.847.676,907 đồng.
Kiến nghị của Công ty TNHH Duyên Hoàng được Đoàn kiểm tra liên ngành giải đáp tại Văn bản số 26/ĐKT ngày 18/4/2022. Theo Đoàn kiểm tra liên ngành, dù các năm 2018 – 2019 – 2020, Công ty TNHH Duyên Hoàng đã được Chi cục Thuế Khu vực Phủ Quỳ I kiểm tra, kết luận (Quyết định 5982 ngày 23/9/2021) và công ty đã chấp hành, nhưng đoàn tiếp tục kiểm tra lại vì niên độ kiểm tra được UBND tỉnh giao tại Quyết định số 3892/QĐ-UBND ngày 21/10/2021 là từ năm 2018 đến tháng 9/2021.
Việc Đoàn kiểm tra liên ngành không kế thừa kết quả kiểm tra của Đoàn kiểm tra do Chi cục Thuế Khu vực Phủ Quỳ I thành lập tại Quyết định số 5982 ngày 23/9/2021 vì: “Ngày 18/3/2022, Chi cục Thuế Khu vực Phủ Quỳ 1 có Công văn số 169/CCT-KT gửi Đoàn kiểm tra liên ngành về việc xác định sản lượng tài nguyên (đá vôi trắng) năm 2018, 2019, 2020, theo đó qua rà soát lại xét thấy Công ty TNHH Duyên Hoàng bán sản phẩm tài nguyên đá hoa trắng làm bột Carbonat từ đơn vị tính (tấn) sang đơn vị tính (m3) thời điểm năm 2018 đến ngày 6/9/2020 là chưa đúng với đơn vị, tỷ trọng sản phẩm tài nguyên thực tế đã bán (tỷ trọng 2,7 tấn/m3, đây là tỷ trọng riêng đá nguyên khối của mỏ, không phải tỷ trọng đá hộc thực tế sản phẩm tài nguyên đã bán), trái với quy định về sản lượng tài nguyên tính thuế, theo đó Đoàn liên ngành kiểm tra lại toàn bộ Kết quả thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách trong niên độ đoàn được phép kiểm tra là đúng theo quy định”.
Về cơ sở pháp lý để áp dụng chỉ số quy đổi, Đoàn kiểm tra liên ngành dẫn ra các quy định của UBND tỉnh; diễn giải về cấu tạo mỏ đá hoa Công ty TNHH Duyên Hoàng, các số liệu có trong Giấy phép khai thác và thực tế sản xuất của doanh nghiệp. Qua đó khẳng định quá trình kiểm tra, tính toán, đoàn đã đề xuất áp tỉ trọng 1,7 tấn/1m3 theo Điều 49, Điều 50, Luật Quản lý thuế 38/2014/QH13 quy định về “Nguyên tắc ấn định thuế và ấn định thuế đối với người nộp thuế trong trường hợp vi phạm pháp luật về thuế” là đảm bảo đúng theo nguyên tắc về xử lý vi phạm hành chính có lợi cho đối tượng được kiểm tra là Công ty TNHH Duyên Hoàng.
Đồng thời trao đổi: “Trường hợp Công ty TNHH Duyên Hoàng tiếp tục không chấp thuận Kết luận của đoàn và Quyết định xử phạt 421/QĐ-CCT ngày 4/4/2022 đối với việc áp dụng chỉ số ban hành tại Quyết định số 39/2017/QĐ-UBND ngày 01/4/2017 của UBND tỉnh Nghệ An để ấn định truy thu thuế thì có văn bản gửi đoàn, đoàn sẽ thực hiện rà soát và áp dụng theo các chỉ số dự án cụ thể đối với Công ty TNHH Duyên Hoàng dự kiến chỉ số sẽ áp dụng nhỏ hơn 1,7 tấn/m3”.
Tìm hiểu, đến thời điểm hiện tại Công ty TNHH Duyên Hoàng đã chấp hành Quyết định xử phạt 421/QĐ-CCT, thực hiện nộp các khoản tiền phạt và truy thu thuế, phí. Nhưng từ kiến nghị của doanh nghiệp này, thấy cần thiết phải nhắc lại một số nội dung Báo Nghệ An từng đề cập tại các bài viết: “Quanh việc một doanh nghiệp khoáng sản bị truy thu thuế”; “Viết tiếp bài “Quanh việc một doanh nghiệp khoáng sản bị truy thu thuế”: Những dấu hiệu bất thường?”; “Lỗ hổng” thất thu thuế khoáng sản”.
Ở những bài viết đó, Báo Nghệ An đã thông tin việc Thanh tra tỉnh trong quá trình thực hiện thanh tra công tác quản lý điều hành ngân sách tại huyện Quỳ Hợp từng phát hiện Công ty TNHH Invecom Quỳ Hợp niên độ năm 2020 sử dụng hệ số quy đổi từ đơn vị tấn sang đơn vị m3 là 2,7 (2,7 tấn = 1m3) cho sản lượng đá đã khai thác để tính thuế tài nguyên phải nộp, áp dụng từ khi bắt đầu khai thác cho đến hết năm 2020, là không đúng quy định. Vì theo Quyết định số 39/2017/QĐ-UBND ngày 1/4/2017 của UBND tỉnh, tỷ lệ quy đổi đá nguyên khai để tính phí bảo vệ môi trường là 1,7 tấn = 1 m3 (áp dụng từ ngày 10/4/2017); còn theo Quyết định số 22/2020/QĐ-UBND ngày 24/8/2020 của UBND tỉnh, tỷ lệ quy đổi đá hoa trắng để tính thuế tài nguyên khi quy đổi từ tấn sang m3 là 1,6 (1,6 tấn = 1m3),áp dụng bắt đầu từ ngày 7/9/2020. Qua đó, Thanh tra tỉnh kết luận việc Công ty TNHH Invecom Quỳ Hợp sử dụng hệ số quy đổi như trên để tính thuế tài nguyên là “có rủi ro thất thoát thuế tài nguyên trong hoạt động khai thác khoáng sản đá hoa trắng”, đã báo cáo lên UBND tỉnh tại Kết luận số 19/KL-TTr ngày 29/11/2021.
Ở những bài viết đó, đã thông tin việc Công ty cổ phần Đồng Tiên bị Đoàn kiểm tra liên ngành 3892 kiểm tra, phát hiện kê khai “chênh lệch” thuế, phí dẫn đến bị xử phạt vi phạm hành chính, truy thu thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường trong năm 2020 và 9 tháng đầu năm 2021 với số tiền hơn 997 triệu đồng. Thông tin việc Đoàn kiểm tra liên ngành 3892 kiểm tra, phát hiện Công ty TNHH Khoáng sản Trung Nguyên Nghệ An áp dụng không đúng tỷ lệ quy đổi để tính thuế tài nguyên, dẫn đến bị truy thu thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường năm 2020 và 9 tháng đầu năm 2021 với số tiền trên một tỷ đồng.
Đồng thời, cũng thông tin việc Công ty cổ phần Đồng Tiên, Công ty TNHH Khoáng sản Trung Nguyên Nghệ An trước khi được Đoàn kiểm tra liên ngành 3892 kiểm tra, thì đã từng được các cơ quan thuế kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ thuế. Để băn khoăn: Tại sao việc kiểm tra được thực hiện đều đặn nhưng các doanh nghiệp này vẫn vi phạm những lỗi phạm không khó để phát hiện như kê khai “chênh lệch” thuế, phí; áp dụng không đúng hệ số quy đổi tính thuế tài nguyên?
Nhắc lại những nội dung này, cùng với sự việc của Công ty TNHH Duyên Hoàng, để nhìn nhận việc Thanh tra tỉnh báo cáo lên UBND tỉnh tại Kết luận số 19/KL-TTr “có rủi ro thất thoát thuế tài nguyên trong hoạt động khai thác khoáng sản đá hoa trắng” là hết sức đúng đắn, cần thiết. Vì rằng toàn tỉnh có 245 giấy phép khai thác khoáng sản được Bộ TN&MT và UBND tỉnh cấp phép. Với thực trạng được làm rõ qua vài doanh nghiệp khoáng sản nêu trên, người có tinh thần lạc quan nhất cũng không thể tin các doanh nghiệp khoáng sản còn lại trên địa bàn tỉnh không “vướng” tình trạng này. Để đặt ra câu hỏi: Trong những năm qua, ngân sách Nhà nước đã thất thu bao nhiêu thuế, phí khoáng sản? Cần làm gì để thu hồi được những khoản thuế, phí đã mất và chấm dứt được tình trạng này?