Trang kể rằng, từ bé cô đã được tắm mình trong giai điệu dân tộc từ ông nội cô – một nghệ nhân đàn dân tộc từng giảng dạy tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An. Ông nội từng dạy Trang rằng, không có giai điệu đẹp nào không được cất lên từ một trái tim biết yêu thương, một tâm hồn giàu rung cảm trước cái đẹp. Vậy nên, Trang được bồi đắp nền móng vững chắc từ thẩm mỹ âm nhạc đầu tiên ấy.
Lớn lên chút nữa, cô bé Trang còn được làm quen với những nhạc cụ điện tử, và nhờ “chất” con nhà nòi nên em nhanh chóng lĩnh hội nhuần nhuyễn và được chọn đi biểu diễn tại nhiều sân khấu. Dẫu vậy, dường như những phím đen trắng trên cây đàn organ không đủ để cô bé giàu sáng tạo trong âm nhạc ấy tung tẩy hết mình; đến năm học THCS, Hoàng Quỳnh Trang lại trở về với nhạc cụ dân tộc. Đàn tranh, đàn nhị, đàn bầu… có mê lực diệu kỳ, nhanh chóng hấp dẫn cô bé Trang. “Sau nhiều thử nghiệm, em quyết định chọn đàn bầu – đàn chỉ có một dây, không đủ nốt và vô cùng khó đánh, lại chỉ cảm nhận được trong một hoàn cảnh và không gian nhất định” – Trang bày tỏ.
Càng gần đàn bầu, càng chinh phục nó thì Trang lại càng yêu, càng gắn bó như là máu thịt. Hoàng Quỳnh Trang giãi bày: “Không hiểu sao, một người trẻ như em nhưng khi chơi đàn bầu thì lại thấy say mê. Em cảm thấy được là mình trong thế giới âm nhạc của chính em”. Để rồi từ những thử sức đầu tiên với các tác phẩm đàn bầu hệ trung cấp, em đã được chọn vào Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Nghệ An học hệ 6 năm.
Không kể xiết những khó khăn khi Trang vừa phải học văn hóa, vừa học trường nghệ thuật. Sáng, em đi học ở trường như các bạn cùng trang lứa, đến 13h30’ mỗi chiều lại đạp xe đến Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Nghệ An học nhạc. Cả quãng thời gian 6 năm phải trọ học xa nhà nhưng chỉ cần nghĩ đến đích của mình, Trang lại quyết tâm nhấn bước. Khi được hỏi rằng, đã bao giờ cảm thấy nản chí vì cây đàn một dây này chưa, Trang trả lời rằng chưa, nhưng vất vả là có thật và em luôn tự nhủ lòng mình phải vượt qua điều đó. Sự vất vả không đến từ việc em phải làm tốt việc học hai trường với vô số môn, mà từ những kỹ thuật đàn luyện đến bại cánh tay vẫn chưa thể thuần thục. “Thời gian cứ thế trôi đi, em cũng dần trưởng thành, càng thấy con đường mình đi là đúng đắn” – Trang chia sẻ.
“Lúc em thi vào Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An, có vài ba người còn theo đàn bầu, thế nhưng sau 6 năm chỉ còn mỗi em trụ lại. Bởi vậy, khi em học xong, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh thời đó là Đoàn Ca múa dân tộc tỉnh đã đến dự lễ tốt nghiệp và tuyển dụng em, nhưng con đường học vấn còn xa nên em đành từ chối” – Trang nói. Đó là những tháng ngày em phải đắn đo giữa nấc thang học vấn và cơ hội công việc. Với những người học đàn bầu, chỉ cần tốt nghiệp hệ trung cấp là đã có thể chơi đàn tốt, nhưng với em, để đạt được đỉnh vinh quang trong nghề cần có sự tôi luyện miệt mài. Và Trang chọn cho mình con đường khó hơn, đi để được trở về.
Đại học là môi trường mà em được khổ luyện để chiếm lĩnh những đỉnh cao hơn của kỹ thuật chơi đàn bầu. Có những kỹ thuật mà trước đây em chưa được biết đến, chưa từng rèn dũa, nay đã có thể sở hữu qua những tháng ngày khổ công trên ghế nhà trường. Đặc biệt là tình yêu và xúc cảm khi ngồi vào đàn. Chính những tấm gương của các vị tiền bối, của các thầy cô giáo, những người mà ở họ toát lên năng lượng của sự tận hiến với nghề, đã cho em cả bầu trời âm nhạc dân tộc đẹp và riêng có. Thế rồi, những tác phẩm khó như Lên Ngàn, Tây Thi, Quê mẹ được Trang biểu đạt bằng cả trái tim và kỹ thuật của một tay chơi đàn điệu nghệ.
“Lúc em vào trường, có những bạn đã học ở trường cả hệ sơ cấp, trung cấp rồi thi lên đại học, thế nhưng thời điểm tốt nghiệp, trong 5 người theo học hệ đại học ngành đàn bầu thì chỉ còn 2 người theo nghề. Thế mới biết nghệ sĩ chơi đàn bầu không phải ai được học bài bản cũng có thể đứng được với nghề” – Trang tâm sự. Là bởi, có những người đàn tốt, kỹ thuật điêu luyện nhưng cũng không đủ tình yêu với nó; cũng có người dù lúc đi học qua được bài nhưng sau này lên sân khấu, họ khó có thể trưởng thành là một nghệ sĩ tận hiến với đàn bầu. Vì thế, người ta gọi đàn bầu là nghề khắc nghiệt, ai đến với nó không chỉ cần tài năng mà còn cần nhiều hơn nữa sự mãnh liệt của niềm đam mê.
Nói về những giải thưởng đạt được, Trang cho rằng không có giải nào “dễ ăn”, không có bài nào dễ chơi. Để có được phần nhạc đoạt HCB trong Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp với tiết mục hòa tấu “Ru về nguồn cội” hay “Khúc biệt ly” giải Vàng Liên hoan Âm nhạc ASEAN, Trang đã thực sự có những ngày tháng khổ luyện nhọc nhằn.
“Cái khó mà cũng là cái hay của đàn bầu nằm ở sự khổ luyện. Vì thế, khi nhận được suất diễn, em luôn phải luyện kỹ, luyện đến rã cánh tay để vẩy sao cho nhanh, sao cho ngọt. Rồi còn cần cảm xúc dành cho từng trường đoạn, đặt tình cảm hết vào nó. Thế mới có được một tác phẩm đàn bầu hay” – Trang nói.
Và “Khúc biệt ly” – tác phẩm đàn bầu rất hay mà Trang vô cùng tâm đắc, từng được đạo diễn âm nhạc “nắn gân” rằng khó lắm, liệu có đánh được không? Lúc đó, Trang biết mình sẽ phải diễn thật hay, chứ chưa cần nghĩ đến giải. Và sau khi diễn, Trang cũng không bất ngờ khi mình nhận được giải thưởng cao quý, bởi những ngày tháng khổ luyện đã cho em thấy mình rất xứng đáng với một “Khúc biệt ly” thăng hoa đến thế.
Cuối năm 2022, Hoàng Quỳnh Trang vinh dự được xướng tên trong lễ vinh danh những nghệ sĩ tiêu biểu toàn quốc. Đó là giải thưởng danh giá của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch trao tặng cho những nghệ sĩ có nhiều cống hiến, đạt nhiều thành tích xuất sắc. Với Trang, sự tận hiến với nghề luôn hiển hiện trong cô. Cô gái bé nhỏ này luôn tự nói với bản thân: Dù những giá trị vật chất mà nghề mang lại rất nhỏ nhoi nhưng niềm hạnh phúc khi tỏa sáng trên sân khấu, khi chìm đắm trong tiếng đàn bầu thánh thót là điều quý giá không gì đánh đổi được!