Bộ Công Thương kiến nghị xuất khẩu gạo trở lại
Sau khi tính toán, khớp lại số liệu, Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ cho xuất khẩu gạo trở lại nhưng có kiểm soát theo từng tháng.
Theo báo cáo Bộ Công Thương gửi Thủ tướng, cơ quan này đề xuất tiếp tục xuất khẩu gạo trở lại nhưng kiểm soát chặt số lượng theo từng tháng, trước mắt là tháng 4 và 5. Kiến nghị này được Bộ Công Thương đưa ra sau khi làm việc, khớp lại số liệu với các doanh nghiệp xuất khẩu, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và các bộ, ngành liên quan như Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Tổng cục Hải quan.
Cụ thể, tổng lượng gạo xuất khẩu trong tháng 4 và 5 là 800.000 tấn, sau khi đã trữ 300.000 tấn vào kho dự trữ quốc gia và 400.000 tấn giữ lại phòng tình huống có thể xảy ra trong 2 tháng tới. So với cùng kỳ năm 2019, lượng gạo được phép xuất khẩu 2 tháng tới giảm 40% và khoảng 36% so với giai đoạn 2018.
Riêng trong tháng 4, lượng gạo có thể xuất khẩu là 400.000 tấn gạo. Lượng còn lại xuất trong tháng 5 sẽ được Thủ tướng quyết định vào tuần cuối cùng của tháng 4.
Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm quản lý 400.000 tấn gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4 bằng cách cộng dồn, trừ lùi số lượng theo tờ khai hải quan.
Nông dân xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ thu hoạch lúa vụ đông xuân đầu tháng 3/2020. Ảnh: Thanh Trần |
Để xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương mua đủ số lượng lương thực dự trữ theo kế hoạch (300.000 tấn). Ngoài ra, chỉ cho phép xuất khẩu gạo qua cửa khẩu quốc tế (đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không...), nơi có đủ trang thiết bị nối mạng để Tổng cục Hải quan tiện theo dõi, phản ánh theo thời gian thực.
Ngoài ra, đoàn kiểm tra đề xuất, 20 doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn phải ký thỏa thuận với ít nhất 1 hệ thống siêu thị bảo đảm cung cấp dự trữ lưu thông 5% khi được yêu cầu. Trường hợp không thực hiện theo thỏa thuận, Bộ Công Thương có quyền thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đã cấp.
Trước đó, tại cuộc họp ngày 23/3 với Chính phủ, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đề xuất tạm hoãn xuất khẩu gạo tới cuối tháng 5 để đảm bảo an ninh lương thực. Đề xuất này sau đó được Thủ tướng chấp thuận. Nhưng chỉ một ngày sau, Bộ này lại đề nghị Chính phủ cho tiếp tục xuất khẩu gạo.
Giải thích về lý do thay đổi, ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Công Thương cho biết, do có độ vênh số liệu gạo dự trữ, nhất là sản lượng lúa vụ đông xuân tại đồng bằng sông Cửu Long trong doanh nghiệp, người trồng lúa... nên cần tính toán lại.
Tuy nhiên, báo cáo Thủ tướng lần này, Bộ Công Thương khẳng định các số liệu về tình hình tồn kho, sản xuất lúa gạo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đưa ra về sản lượng gạo xuất khẩu, sản lượng mùa vụ đông xuân... trước đó về cơ bản là đúng.
Cụ thể, dự báo vụ lúa 2020 sẽ cho thu hoạch 43,5 triệu tấn thóc, sản lượng gạo xuất khẩu năm 2020 là 6,5-6,7 triệu tấn gạo. Riêng vụ đông xuân năm 2020 có khoảng 3 triệu tấn gạo hàng hóa dành cho xuất khẩu, số này có thể tăng thêm 200.000-300.000 tấn do một lượng gạo nhất định "gối đầu" từ năm trước chuyển qua.
Trong khi đó rà soát tại doanh nghiệp, riêng các thành viên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), lượng gạo còn trong kho là hơn 1,65 triệu tấn. Đến 31/5, số gạo dư của các thành viên VFA là 266.000 tấn. Tính chung các doanh nghiệp ngoài hiệp hội này, lượng gạo hiện có trong kho là 1,783 triệu tấn.
Gần 1 tuần qua khi phải dừng xuất khẩu gạo, các doanh nghiệp "đứng ngồi không yên". Nhiều doanh nghiệp cho biết họ trở tay không kịp với quyết định đột ngột này. Ông Vũ Thanh Sơn - Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết không hề biết trước, chỉ khi hàng ra tới cảng, mở tờ khai mới được hải quan thông báo.
Tương tự, hai đơn hàng của Tập đoàn Lộc Trời đang trên đường ra cảng xuất khẩu cũng buộc phải nằm chờ ngay khi có công văn hỏa tốc dừng mở tờ khai từ 0h ngày 24/3. Họ buộc phải thương lượng với đối tác và chưa biết sẽ bị phản ứng ra sao. Không được xuất khẩu, hàng nằm chờ tại cảng phát sinh thêm chi phí kho bãi, doanh nghiệp còn đối diện với án phạt từ đối tác, thậm chí hủy đơn hàng khi không giao kịp thời hạn.