Bỏ đề xuất "đặt tên không quá 25 chữ"

16/10/2015 14:43

Phiên họp lần 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/10 đã ”chốt” bỏ đề xuất “Họ, tên và chữ đệm của một người không được vượt quá hai mươi lăm chữ cái”.

Trước đó, dự thảo Bộ luật Dân sự đã đưa ra đề xuất quy định về đặt tên không được quá 25 chữ cái. Đối với đề xuất này, nhiều ý kiến cho rằng quy định này hạn chế về quyền con người.

Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị bỏ quy định này; một số trường hợp cá biệt đặt tên quá dài, ảnh hưởng đến công tác quản lý hộ tịch, không thuận tiện trong giao dịch sẽ được thuyết phục, vận động trong thực tiễn áp dụng. Đồng thời chỉnh lý lại quy định tại khoản 3 Điều 26 theo hướng: chỉ quy định giới hạn về đặt tên đối với công dân Việt Nam mà không áp dụng đối với người không có quốc tịch thường trú tại Việt Nam.

Bỏ đề xuất tên người không quá 25 chữ cái
Bỏ đề xuất tên người không quá 25 chữ cái.

Điều 26 của dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) về Quyền có họ, tên được chỉnh lý lại như sau: "Cá nhân có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có). Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó. Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán. Trường hợp phụ nữ độc thân có con thì họ của con được xác định theo họ của mẹ.

Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và được nhận làm con nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo thỏa thuận của cha mẹ nuôi. Trường hợp chỉ có cha nuôi hoặc mẹ nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo họ của người đó.

Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và chưa được nhận làm con nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo đề nghị của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó hoặc theo đề nghị của người có yêu cầu đăng ký khai sinh cho trẻ em, nếu trẻ em đang được người đó tạm thời chăm sóc.

Cha đẻ, mẹ đẻ được quy định trong Bộ luật này là cha, mẹ được xác định dựa trên sự kiện sinh đẻ; người nhờ mang thai hộ với người được sinh ra từ việc mang thai hộ theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình.

Việc đặt tên bị hạn chế trong trường hợp xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này.

Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ. Cá nhân xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự theo họ, tên của mình. Việc sử dụng bí danh, bút danh không được gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác".

Theo Infonet

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Bỏ đề xuất "đặt tên không quá 25 chữ"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO