Nghệ An được Trung ương xác định là địa bàn chiến lược, trọng yếu về quốc phòng, an ninh và đối ngoại, nhất là địa bàn khu vực biên giới phía Tây của tỉnh. Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ các mục tiêu chính trị, kinh tế, xã hội ở nội địa, chủ quyền an ninh biên giới, vùng biển tỉnh Nghệ An, ngày 23/4/1959, Bộ Công an ban hành Quyết định số 183 về việc thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang Nghệ An, nay là BĐBP Nghệ An với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ hơn 468,281 km đường biên giới, tiếp giáp với 3 tỉnh (Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bô ly Khăm Xay) của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và 82 km bờ biển.
Ý thức được trách nhiệm cao cả đó, 65 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ BĐBP Nghệ An đã không ngừng khắc phục khó khăn, bám trụ nơi tuyến đầu, đoàn kết một lòng, gắn bó máu thịt với nhân dân, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các lực lượng, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới.
Trong những lần theo bước chân người lính biên phòng tham gia các chuyến tuần tra đường biên, cột mốc ở khu vực biên giới, chúng tôi thực sự cảm phục tinh thần vượt núi cao, suối sâu vì bình yên biên giới của những “lá chắn thép” nơi biên cương. Như chuyến tuần tra mới đây, vào cuối tháng 2 năm 2024 cùng Đồn biên phòng và quân, dân xã Thông Thụ (huyện Quế Phong). Đích đến là mốc 364 giáp với bản Nậm Táy, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn (Lào).
Vượt qua những đoạn đường rừng cây cối rậm rạp, tới nơi, chứng kiến nghi lễ chào cột mốc – chủ quyền Tổ quốc, được các chiến sỹ Đồn Biên phòng Thông Thụ thực hiện một cách trang nghiêm. Giây phút ấy mọi vất vả, mệt mỏi dường như tan biến, chỉ còn lại tình yêu và niềm tin mãnh liệt lấp lánh trong từng ánh mắt cương nghị của những người lính quân hàm xanh.
Cùng hành quân, Trung tá Hồ Đăng Thảo – Chính trị viên Phó Đồn Biên phòng Thông Thụ cho biết: Đơn vị được giao quản lý bảo vệ đoạn biên giới dài 33,737 km với 9 mốc quốc giới (từ mốc 358 đến mốc 366). Địa bàn Đồn phụ trách là xã Thông Thụ , tiếp giáp với 3 bản (Nậm Táy, Pa Pục, Xốp Pén) thuộc cụm bản Viêng Phăn, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn (Lào). Địa hình rừng núi hiểm trở, nhiều khe suối chia cắt, khí hậu thời tiết khắc nghiệt; đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí chưa đồng đều, nhận thức hiểu biết về pháp luật và quốc gia, quốc giới của một bộ phận quần chúng còn hạn chế. Hoạt động của các loại tội phạm, các tệ nạn xã hội tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định ở khu vực biên giới. Do vậy ngoài nhiệm vụ tuần tra, chủ động làm tốt công tác quản lý địa bàn, nắm tình hình đối tượng, Đồn còn tích cực phối hợp cấp uỷ, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Nếu như trên tuyến biên giới đất liền hoạt động của các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy vẫn còn diễn biến phức tạp; tình trạng qua lại biên giới trái phép còn xảy ra, thì trên biển, tàu thuyền nước ngoài vẫn có các hoạt động xâm phạm vùng biển của nước ta để đánh bắt hải sản trái phép; tình trạng tàu cá của ngư dân Việt Nam xâm phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép vẫn còn xảy ra.
Do vậy, bên cạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, BĐBP tỉnh thường xuyên chỉ đạo các đồn biên phòng đẩy mạnh công tác trinh sát, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm; thực hiện tốt công tác nắm tình hình nội, ngoại biên và trên biển phục vụ công tác nghiệp vụ. Qua đó, đã đấu tranh thắng lợi nhiều chuyên án lớn. Trong lực lượng, xuất hiện những tấm gương chiến đấu dũng cảm, không khoan nhượng với tội phạm. Điển hình như các Anh hùng, liệt sỹ: Nguyễn Cảnh Dần (Đồn Biên phòng Nậm Càn); Và Bá Giải (Đồn Biên phòng Tam Hợp); Phạm Xuân Phong (Đồn Biên phòng Mường Típ, nay là Đồn Mường Ải)…
Cùng với công tác quản lý, bảo vệ biên giới và đấu tranh phòng chống tội phạm, BĐBP tỉnh còn thực hiện tốt công tác quản lý cửa khẩu, duy trì tốt công tác kiểm tra, kiểm soát xuất nhập cảnh qua lại biên giới, góp phần cho sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà.
Với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, để củng cố hệ thống chính trị cơ sở, giúp dân phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, xoá đói giảm nghèo khu vực biên giới. Đảng uỷ BĐBP Nghệ An đã tham mưu BTV Tỉnh ủy cho chủ trương triển khai cán bộ biên phòng tăng cường giữ chức danh Phó Bí thư Đảng uỷ các xã biên giới và chuyển đảng viên biên phòng tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn, bản yếu kém, địa bàn phức tạp, xung yếu và vùng giáo.
Hiện tại BĐBP tỉnh đang phối hợp với các địa phương tiếp tục duy trì 06 cán bộ đồn biên phòng tham gia cấp ủy các huyện biên giới, 02 đồng chí tham gia HĐND cấp huyện, 23 đồng chí tham gia HĐND cấp xã; 27 đồng chí cán bộ tăng cường làm Phó Bí thư Đảng ủy các xã biên giới; giới thiệu 81 đảng viên BĐBP chuyển sinh hoạt tạm thời về các chi bộ thôn, bản, địa bàn phức tạp, xung yếu và vùng giáo. Đảng uỷ, BĐBP tỉnh cũng chỉ đạo phân công 522 đảng viên biên phòng phụ trách 2.387 hộ gia đình ở khu vực biên giới, chú trọng xây dựng bản điểm, xã điểm và mô hình kinh tế hộ gia đình. Trong năm 2023, lực lượng biên phòng đã tham mưu củng cố, kiện toàn 149 chi bộ, 104 tổ chức chính trị, xã hội khác và tham mưu địa phương kết nạp 81 đảng viên mới.
Các đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng Nghệ An đang duy trì và thực hiện tốt 60 mô hình “Dân vận khéo”, bao gồm 40 mô hình thuộc lĩnh vực kinh tế; 13 mô hình thuộc lĩnh vực văn hóa, xã hội; 04 mô hình thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh; 03 mô hình xây dựng hệ thống chính trị cơ sở. Điển hình là các mô hình “Tổ hợp ngôi nhà thiện nguyện”, “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”, “Tiết học vùng biên”, “Tủ thuốc biên cương”, “Đồng hành cùng Ký túc xá vùng biên”, “Ngôi nhà thiện nguyện”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “chương trình quân dân y kết hợp”, “Nâng bước em đến trường – con nuôi đồn biên phòng”…
Bên cạnh đó xác định “lòng dân yên thì biên giới vững”, những năm qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An đã tích cực phối hợp với các địa phương thực hiện “3 bám, 4 cùng”, “cầm tay chỉ việc” gắn với “dân vận khéo” giúp đỡ, hỗ trợ người dân trên địa bàn đóng quân phát triển các mô hình kinh tế, ổn định cuộc sống, xây dựng nông thôn mới, tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân – dân keo sơn, bền chặt. Cùng với việc thực hiện hiệu quả kế hoạch giúp đỡ 3 xã nghèo Keng Đu (Kỳ Sơn), Nhôn Mai (Tương Dương), Thông Thụ (Quế Phong) gắn với phong trào Bộ đội biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới.
Đồn Biên phòng Nhôn Mai là 1 trong những đơn vị nổi bật trong triển khai các mô hình, hoạt động vì cộng đồng. Quản lý hai địa bàn Nhôn Mai và Mai Sơn – nơi có 21 bản, 1.356 hộ/6.534 khẩu với 4 thành phần dân tộc (Kinh, Thái, Khơ Mú, Mông) cùng sinh sống. Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của đồng bào miền biên viễn, bên cạnh xây dựng các mô hình kinh tế quân dân kết hợp (nuôi cá lồng, nuôi dê, trâu bò…), Đồn còn tích cực kết nối, vận động, kêu gọi các mạnh thường quân, nhà hảo tâm triển khai thực hiện nhiều công trình an sinh xã hội ở địa bàn đóng quân, nổi bật như xây dựng điểm trường bản Huồi Măn, công trình phụ trợ cho điểm trường mầm non bản Piêng Cọc (xã Mai Sơn); khoan 6 giếng nước sạch tặng cho các nhà trường trên địa bàn; xây cầu dân sinh bản Phà Mựt, bản Nhôn Mai , xây bể nước quân dân bản Na Lợt ( xã Nhôn Mai)… với tổng kinh phí các hạng mục trên 2,1 tỷ đồng.
Dẫn chúng tôi tới cây cầu quân dân chắc chắn bắc qua khe Hỷ vừa mới được khánh thành trong năm 2023, anh Vi Văn Hùng – Trưởng bản Nhôn Mai (xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương) phấn khởi cho biết: Bản có 223 hộ, 1003 khẩu với 4 dân tộc sinh sống, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, những năm qua, bản được Đồn Biên phòng Nhôn Mai giúp đỡ rất nhiều. Đặc biệt từ khi Đồn kêu gọi kinh phí từ các nhà hảo tâm và trực tiếp thi công cây cầu bắc qua Khe Hỷ thay cho cầu tre gỗ trước đây, người dân không còn phải lo lắng khi mưa to, nước lớn bị cô lập nữa, từ việc giao thương đi lại vận chuyển hàng hoá nông sản đến việc học hành của con em thuận lợi hơn nhiều. Bà con dân bản phấn khởi và cảm ơn Bộ đội biên phòng nhiều lắm…
Những việc làm thiết thực, đồng hành của những đảng viên quân hàm xanh, thầy giáo quân hàm xanh, thầy thuốc quân hàm xanh, chiến sỹ tuyên truyền văn hoá quân hàm xanh… đã khắc dấu ấn tự hào nơi biên cương, để tại nhiều tình cảm tin yêu trong lòng đồng bào các dân tộc.
Một điểm nhấn hết sức quan trọng góp phần vun đắp, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển giữa lực lượng bảo vệ biên giới của tỉnh Nghệ An với các tỉnh của nước bạn Lào là công tác đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân. Trong những năm qua, BĐBP Nghệ An luôn quán triệt sâu sắc tinh thần, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước và của cấp trên trong các hoạt động đối ngoại nói chung và đối ngoại với 3 tỉnh của nước bạn Lào nói riêng.
Hiện BĐBP tỉnh đã triển khai cho 8 đồn biên phòng ký kết nghĩa với 8 đơn vị bảo vệ biên giới của 3 tỉnh nước bạn Lào và tham mưu các địa phương tổ chức ký kết nghĩa giữa 21 cặp (bản – bản) hai bên biên giới. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi trong việc trao đổi thông tin hai bên biên giới Việt Nam – Lào, cùng giúp nhau phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, ổn định an ninh trật tự vùng biên. Đồng thời, BĐBP Nghệ An cũng tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng bảo vệ biên giới phía đối diện giải quyết kịp thời, hiệu quả các vụ việc xảy ra có liên quan đến hai bên biên giới; triển khai, phối hợp tuần tra quản lý, bảo vệ đường biên, mốc giới, kiểm soát cửa khẩu, lối mở; đấu tranh, ngăn chặn hoạt động XNC trái phép, phòng, chống tội phạm xuyên biên giới, góp phần xây dựng biên giới “hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển”.
Trong thời gian tới, bên cạnh những thuận lợi, tình hình thế giới, khu vực, trong nước vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp khó lường đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trên địa bàn tỉnh cao hơn, nặng nề hơn.
Do vậy, theo Đại tá Lê Như Cương – Bí thư Đảng ủy, Chính uỷ BĐBP tỉnh: Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Bộ đội Biên phòng Nghệ An tập trung thực hiện tốt mục tiêu: Xây dựng lực lượng BĐBP cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ, khả năng chiến đấu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả đối ngoại biên phòng; tăng cường công tác đối ngoại quốc phòng, chú trọng mối quan hệ với các lực lượng bảo vệ biên giới, nhân dân khu vực biên giới 3 tỉnh của nước bạn Lào có chung đường biên giới với tỉnh Nghệ An. Xây dựng nền biên phòng toàn dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân; tạo thành “lá chắn thép” bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.