'Bộ lạc' của những bản làng không còn tên trên bản đồ
(Baonghean) - Nằm cạnh con suối sát nhà ký túc xá của học sinh cấp 2 là một “bộ lạc” nhỏ. Những căn lán nhỏ dựng theo kiểu nhà sàn thấp tẹt kề sát bờ suối là khu lán trại của những ông bố bà mẹ đi nuôi con nhỏ ăn học. Họ phần lớn là những cư dân sống tự do giữa lòng hồ thủy điện Bản Vẽ.
Cúi người chui qua khung cửa thấp lè tè, bà mẹ có dáng người dong dỏng cao đi vào căn lều tạm dựng theo kiểu nhà sàn gầm thấp của người Thái vùng cao. Căn nhà là một phần dãy lán trọ của học trò mầm non và tiểu học nằm sát bờ suối. Các em đều đang nhỏ tuổi lại học xa nhà nên phải cần đến sự chăm sóc của người lớn.
Dãy lán trọ của học sinh bản Chà Coong lọt thỏm giữa khu ký túc xá Trường PTDTBT -THCS Hữu Khuông. Ảnh: Hữu Vi |
Dãy lán trọ nom tồi tàn, tạm bợ, sát kề bên nhau, hết thảy đều dựng bằng tre nứa. Cảnh tượng thật khác lạ so với nhà ký túc xá cạnh đó, được xây cất khá kiến cố. Có nhà ăn và sân chơi thể thao. Dãy lán trọ như một bộ lạc nhỏ nhoi giữa trung tâm xã vùng cao Hữu Khuông (Tương Dương).
Bà mẹ trẻ xưng tên Ngân Thị Vân, năm nay 27 tuổi. Chị là mẹ của 2 đứa trẻ đang theo học tại Trường Tiểu học xã Hữu Khuông. Bà mẹ đưa con từ bản Chà Coong cách trường 30 phút ngồi thuyền máy đến trọ học. Chiều muộn, chị trở về lán nấu cơm cho 2 cháu nhỏ. Cháu lớn là gái học lớp 2, cháu trai nhỏ hơn đang học lớp mầm non 4 tuổi.
Đã 4 năm nay, chị Vân là thành viên bất đắc dĩ ở “bộ lạc” kỳ lạ này. Cuộc sống của những bà mẹ ở lán trọ nuôi con ăn học có phần nhàn tản hơn so với ở nhà làm rẫy, đánh cá nhưng cũng buồn và tẻ nhạt vô cùng. Chị Ngân Thị Thoong, cũng đến từ bản Chà Coong. Từ 2 năm nay, bà mẹ 26 tuổi này ở chăm con học mầm non. Chị Thoong cho biết: “Bọn em ở đây nhiều khi không biết làm gì. Con đi học là lăn ra ngủ. Đến bữa thì nấu cho chúng ăn thôi. Nói chung là rất buồn chán”. Từ khi có con đến độ tuổi đi học, cuộc sống của chi Thoong và chị Vân chẳng khác nào những cô cậu học trò mầm non và tiểu học. Sáng thứ Hai đưa con đến trường và ở lại cùng chúng. Chiều thứ Sáu lại gọi chồng lái thuyền lên chở về nhà. “Mỗi tuần bọn em chỉ được ở cùng với cả gia đình 2 ngày”, chị Thoong cho hay.
Các em nhỏ bản Chà Coong. Ảnh: Hữu Vi |
Dãy lán khoảng trên dưới chục căn lều của những học sinh đến từ những nhóm cư dân có tên gọi Chà Coong, Xốp Lằm, Nhãn Mai, Nhãn Nhinh, Huồi Hốc… Những tên bản làng hiện không còn tồn tại trong địa giới hành chính của địa phương. Họ đã chuyển đi các khu tái định cư ở huyện Thanh Chương, Quế Phong rồi lại trở về bản cũ sống bằng chăn nuôi gia súc và đánh cá.
Những nhóm dân cư sống tự do giữa lòng hồ thủy điện không có sự quản lý của chính quyền. Chẳng bản nào có điểm trường nên họ phải gửi con đi học nhờ. Cha mẹ cũng phải theo con đến trường để lo từng bữa ăn và trên hết là sự an toàn cho những đứa trẻ. Cuộc sống vất vả nhưng hầu hết các gia đình sống tự do giữa lòng hồ này đều cho con cái đến trường đúng độ tuổi.
Chị Ngân Thị Vân cho biết: Dù khó khăn đến mấy, các gia đình đều cố gắng cho con đến lớp. “Trước đây bọn em có gặp khó khăn khi xin cho con đến lớp. Nhưng rồi chính quyền địa phương cũng chấp nhận cho các cháu đến lớp”, chị Vân nhớ lại.
Là một người hay lam hay làm nên dù phải chăm con ăn học ở xa nhà nhưng chị Vân không cho cái tay mình nghỉ. Trong suốt 4 năm qua, chị dùng lưới sắt quây thành chiếc chuồng nhỏ để thả lợn. Trong suốt thời gian ở lán nuôi con, mỗi năm chị đều bán được 1, 2 lứa lợn. Khi rảnh rỗi, chị lại tranh thủ đánh cá bán cho các cơ quan, trường học và dân bản lân cận.
Chị Ngân Thị Vân và 2 đứa con trong lán trại. Ảnh: Hữu Vi |
Cũng như những nhà có con trong độ tuổi đi học ở Chà Coong, 2 đứa trẻ nhà chị Vân không được hưởng ưu đãi từ các chính sách cho học sinh vùng cao. Những gia đình thuộc diện phải di dời khỏi lòng hồ thủy điện Bản Vẽ nhưng ở lại Chà Coong chẳng còn thuộc sự quản lý về nhân hộ khẩu của địa phương nên không được cấp hộ khẩu. “Không có hộ khẩu nên không có căn cứ để giải quyết chế độ”, lãnh đạo một trường học trên địa bàn xã Hữu Khuông cho biết.
Đối với anh Lô Văn Oanh ở bản Nhãn Mai (cũ) có con đang học lớp mầm non 5 tuổi, hiện là trụ cột gia đình, vợ lại đang nuôi con nhỏ nhưng vẫn phải đến lán trọ để trông con. “Mình ở đây mà ruột nóng như lửa đốt. Cha mẹ đã già yếu, không đi trông con được. Vậy là đành chấp nhận bữa no, bữa đói để cho con có cái chữ trong đầu”, anh Mạnh tâm sự.
Nguyện vọng của những người sống tự do giữa lòng hồ Bản Vẽ là được nhập hộ khẩu với một bản nào đó hoặc thành lập bản mới. Đối với họ, cuộc sống tự do giữa lòng hồ dù dễ chịu hơn ở nơi tái định cư nhưng có bao nỗi lo liên quan đến tương lai của con em mình. Thế nhưng, xem ra nguyện vọng được có hộ khẩu ở quê cũ vẫn còn xa vời. Chị Vân cho biết, mới đây chính quyền địa phương cũng có đến bản Chà Coong vận động người dân di dời. “Nhưng họ bảo nếu đi khỏi bản Chà Coong thì mới được chấp nhận”, chị Vân cho biết./.
Hữu Vi
TIN LIÊN QUAN |
---|