Bổ sung vi chất để cao, khỏe hơn
Thiếu vi chất dinh dưỡng ở mức độ cộng đồng hiện nay là nguyên nhân gây ra những hậu quả nặng nề về sức khỏe, liên quan đến việc phát triển tầm vóc và trí tuệ của người Việt.
Sử dụng và bảo quản muối iốt đúng cách sẽ có lợi cho sức khỏe. |
Trước sự thiếu hụt bốn vi chất dinh dưỡng của người dân là sắt, kẽm, vitamin A và iốt, Chính phủ đã ra nghị định số 09/2016 bắt buộc các doanh nghiệp sản xuất muối, dầu ăn, bột mì phải đưa các vi chất dinh dưỡng này vào trong thực phẩm.
Cụ thể, trong dầu ăn tăng cường vitamin A, trong muối là iốt, trong bột mì là sắt và kẽm.
50% trẻ em dưới 5 tuổi thiếu sắt
PGS.TS.BS Lê Bạch Mai, phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, đã trình bày về thực trạng thiếu vi chất dinh dưỡng của người Việt Nam tại hội nghị phổ biến nghị định này ở TP.HCM vào ngày 23-6.
Theo PGS Bạch Mai, tỉ lệ thiếu máu ở trẻ dưới 5 tuổi là 28%. Tỉ lệ này cao hơn ở miền núi với 31,2% và ở thành thị là 22%, tức là 4 trẻ ở thành thị có 1 trẻ thiếu máu. Trong đó, tỉ lệ thiếu máu ở lứa tuổi vàng (từ 6-24 tháng tuổi) rất cao, 45% trẻ dưới 1 tuổi và 43% trẻ dưới 2 tuổi bị thiếu máu.
Chưa kể, phụ nữ ở lứa tuổi sinh đẻ cũng thiếu máu trầm trọng. Sự thiếu máu của thai phụ dẫn đến nguy cơ của những tai biến sản khoa như băng huyết, sinh con nhỏ, yếu, sinh non và chắc chắn ảnh hưởng đến thể lực và tầm vóc của thế hệ sau.
Theo bà Bạch Mai, từ năm 2000 đến nay, 15 năm trôi qua nhưng việc giảm tỉ lệ người thiếu máu cải thiện rất chậm.
Năm 2015, tỉ lệ thiếu máu vẫn là 25% ở phụ nữ tuổi sinh đẻ, 33% ở phụ nữ có thai và 28% ở trẻ em. Rõ ràng, để giảm tỉ lệ thiếu máu là thách thức rất lớn bởi thức ăn phòng chống thiếu máu có giá thành không thấp.
Nguyên nhân thiếu máu chủ yếu là do thiếu sắt. Đáng nói là tỉ lệ thiếu sắt cũng rất cao. Ví dụ năm 2015, có tới 50% trẻ dưới 5 tuổi thiếu sắt, 47% thai phụ thiếu sắt và 24% phụ nữ ở tuổi sinh đẻ bị thiếu sắt.
Thiếu vi chất dinh dưỡng ở mức độ cộng đồng hiện nay là nguyên nhân gây ra những hậu quả nặng nề về sức khỏe, liên quan đến việc phát triển tầm vóc và trí tuệ của người Việt. Do đó, theo bà Bạch Mai, tăng cường vi chất vào thực phẩm là xu hướng tất yếu trong thời gian tới.
Kể từ ngày 15-3-2017, các loại muối được đưa ra lưu hành trên thị trường phải được bổ sung iốt. Từ 15-3-2018, các doanh nghiệp sản xuất dầu ăn trên thị trường đưa ra các sản phẩm mới phải tăng cường vitamin A trong dầu ăn, còn các cơ sở sản xuất bột mì buộc phải bổ sung sắt, kẽm.
Lựa chọn thực phẩm giàu vi chất
Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, nhấn mạnh ai cũng cần nạp đủ các vi chất dinh dưỡng. Riêng trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ ở lứa tuổi sinh đẻ, đặc biệt người có kế hoạch sinh con, người cao tuổi... thì vi chất dinh dưỡng càng có vai trò quan trọng.
Để cung cấp đủ vi chất dinh dưỡng cho cơ thể hàng ngày, điều quan trọng đầu tiên chính là lựa chọn thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng.
Đủ chất dinh dưỡng cho bé phát triển khỏe mạnh. |
Ví dụ nếu muốn cơ thể đủ sắt, cần chọn thịt có màu đỏ, gan động vật, trứng, các loại đậu đỗ, các loại rau có lá màu xanh, màu đỏ... Vitamin A có nhiều trong gan các loại động vật, các loại cá, thịt, rau và trái cây có màu vàng, màu cam, màu xanh, trứng.
Kẽm chủ yếu có trong các loài nhuyễn thể như con hến, sò, các loại thịt, sữa, trứng, một số loại đậu đỗ, các loại rau có mầm như giá... Iốt có trong các loại rong biển, cá biển và một số loại thịt, tuy nhiên iốt khó bảo quản và dễ bị bay hơi nên trên thế giới đã bổ sung iốt vào trong các loại muối ăn để phòng chống thiếu hụt iốt.
Giải pháp thứ hai là chọn những thực phẩm được bổ sung vi chất dinh dưỡng. Giải pháp thứ ba là sử dụng những viên uống, dung dịch để bổ sung các vi chất. Tuy nhiên, giải pháp này thường chỉ sử dụng cho đối tượng nguy cơ cao như trẻ em, phụ nữ sau sinh và thai phụ.
Người Việt thiếu vitamin A, kẽm, iốt Tỉ lệ trẻ từ 6 - 12 tháng tuổi thiếu vitamin A cao nhất so với các nhóm tuổi khác, lên tới 22%. Một phần là do 35% bà mẹ cho con bú ở Việt Nam bị thiếu vitamin A. Một vi chất khác mà nhiều người Việt đang thiếu là kẽm. Điều đáng quan tâm là 80% phụ nữ mang thai thiếu kẽm, ở phụ nữ không có thai tỉ lệ này là 64% và trẻ em dưới 5 tuổi tỉ lệ này xấp xỉ 70%. Ở thành thị cứ 2 trẻ thì có 1 trẻ thiếu kẽm. Nhiều người Việt Nam cũng thiếu iốt. Hiện nay các vấn đề về bướu cổ, đần độn, các rối loạn do thiếu iốt đang có xu hướng quay trở lại. Ngoài ra, nhiều người Việt cũng đang thiếu kẽm nặng nề trong khi kẽm đóng vai trò quan trọng đến sức đề kháng, tăng chiều cao, trí thông minh. |
Sử dụng dầu ăn, muối iốt đúng cách Theo bác sĩ Ngọc Diệp, vitamin A vốn rất bền vững với nhiệt độ cho nên người ta có thể bổ sung vitamin A vào dầu ăn. Lưu ý người tiêu dùng khi lựa dầu ăn nếu loại dầu ăn chỉ để trộn salad thì không nên chiên, xào ở nhiệt độ cao vì nó có thể sinh ra những tác hại cho cơ thể do dầu ăn bị cháy, khét. Nên hạn chế để muối iốt tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời và để gần bếp với nhiệt độ quá cao. Còn việc dùng muối iốt để ướp, chiên, xào không có ảnh hưởng gì tới nồng độ iốt còn lại trong muối. |
Theo Tuổi Trẻ