Bốn trí thức lớn, bức điện lịch sử và Cách mạng Tháng Tám
Trong sự thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 có phần đóng góp không nhỏ của lực lượng trí thức.
Trong số đó có bốn trí thức lớn: Nguyễn Xiển, Nguyễn Văn Huyên, Ngụy Như Kon Tum và Hồ Hữu Tường- những người vẫn được báo chí nhắc đến với một cụm từ khá đặc biệt: “Nhóm bốn người đánh điện”.
GS Ngụy Như Kon Tum đứng cạnh Bác Hồ trong buổi Bác Hồ về nói chuyện với thầy và trò Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (1958). |
Tấm lòng người trí thức…
Ngày 16-17/8/1945, Quốc dân đại hội họp ở Tân Trào thông qua lệnh tổng khởi nghĩa. Từ giây phút ấy, cuộc cách mạng Tháng Tám đã bước vào chuỗi 15 ngày diễn biến vô cùng mau lẹ. Chiều 16/8/1945, một đơn vị quân giải phóng do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy từ Tân Trào tiến về giải phóng thị xã Thái Nguyên.
Ngày 18/8/1945, nhân dân Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam giành được chính quyền. Đây là những tỉnh lỵ giành được chính quyền sớm nhất trong cả nước. Ngày 19/8/1945, hàng vạn nhân dân Hà Nội đã xuống đường biểu tình, khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.
Tiếp theo Hà Nội và các tỉnh, ngày 23/8 Huế, tiếp đến ngày 25/8 Sài Gòn giành được chính quyền, ngày 28/8 Đồng Nai Thượng và Hà Tiên là hai địa phương cuối cùng giành được chính quyền.
Vào những ngày này, người dân cả nước nô nức đón chờ ngày Chính phủ Cách mạng lâm thời cả nước Việt Nam độc lập ra mắt quốc dân. Từ đây, chính phủ quân chủ sẽ cáo chung, Vua Bảo Đại phải thoái vị.
Trước tình hình đấy, trong hồi ký của mình, GS Nguyễn Xiển nhớ lại: “Ngày 22/8, bốn trí thức có tên một cách áp đặt và bất đắc dĩ trong danh sách Hội đồng tư vấn của Chính phủ Trần Trọng Kim là Nguyễn Văn Huyên, Ngụy Như Kon Tum, Hồ Hữu Tường và tôi bàn với nhau nên đánh điện vào Huế yêu cầu Bảo Đại thoái vị, giao cho Việt Minh thành lập chính phủ để tránh nội chiến. Bức điện ấy do Hồ Hữu Tường và tôi thảo ra và đích thân ra Bưu điện Bờ Hồ gửi đi; có sự đồng ý và tán thưởng của hai anh em Nguyễn Văn Huyên và Ngụy Như Kon Tum. Xin nói thêm chúng tôi tự động gửi bức điện trên coi như phản ánh nguyện vọng của đại bộ phận tri thức Trung, Nam, Bắc (Nguyễn Văn Huyên là người Bắc, Hồ Hữu Tường quê trong Nam, Ngụy Như Kon Tum và tôi ở Trung Kỳ”. Chúng tôi được ghi nhận là “Nhóm bốn người đánh điện” (les quatre telégraphites) nhưng hiểu rằng Cách mạng Tháng Tám là sự nghiệp của toàn dân vùng lên giành chính quyền từ tay Nhật và đánh đổ triều đình phong kiến nhà Nguyễn, cử chỉ của chúng tôi chỉ là góp thêm một tác động nhỏ về chính trị ở một tình thế đã chín muồi”.
Bức điện rất ngắn gọn nhưng chứa đựng đầy đủ thông điệp: “Một chính phủ nhân dân cách mạng lâm thời đã thành lập, Chủ tịch là cụ Hồ Chí Minh. Yêu cầu đức vua thoái vị ngay để củng cố và thống nhất trên nền độc lập nước nhà”.
Giáo sư Nguyễn Xiển vinh dự được đứng cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Đoàn Chủ tịch kỳ họp Quốc hội năm 1957. |
Nhiệt thành đi theo Cách mạng
Trong hồi ký, Giáo sư Nguyễn Xiển khẳng định rằng, là trí thức có lòng yêu nước tiềm ẩn, ông đã đi theo con đường Cách mạng Tháng Tám như một bản năng và ông có lòng tin sâu sắc ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, con người chính trị văn hóa vĩ đại và tinh tế, có sức tập hợp và lôi cuốn rộng rãi các tầng lớp nhân dân, đã chứng tỏ bản lĩnh dẫn dắt và chèo chống tuyệt vời của mình trước những con sóng gió phức tạp, dồn dập của thời kỳ sau Cách mạng Tháng Tám khi chính quyền nhân dân còn trứng nước. Suy nghĩ của Giáo sư Nguyễn Xiển hẳn cũng là suy nghĩ của tất cả tri thức trong “Nhóm bốn người đánh điện”, tất cả trong số họ đã nhiệt thành đi theo cách mạng.
Với Giáo sư Nguyễn Xiển như ông viết trong hồi ký: “Những ngày tháng cách mạng diễn ra sôi động, dồn dập với nhịp độ nhanh như gió lốc đã ghi ấn tượng sâu sắc không phai mờ trong tâm trí tôi, nhất là khi cách mạng buộc mỗi con người phải đi đến lựa chọn một thái độ chính trị và một cách sống rõ ràng và dứt khoát”.
Ông tham gia biểu tình ở vườn hoa Hàng Đậu cùng đoàn người hô vang khẩu hiệu “Ủng hộ Việt Minh”. Ngày 24/8/1945, một cán bộ đến mời Nguyễn Xiển lên gặp Ủy ban dân tộc giải phóng và được ông Võ Nguyên Giáp đề nghị Bộ Giao thông công chính trong Chính phủ lâm thời nhưng ông từ chối với lý do chưa làm được gì cho cách mạng, “mới chỉ gửi điện yêu cầu Bảo Đại thoái vị mà nhận một ghế Bộ trưởng thì dễ mang tiếng cơ hội”.
Nhưng ngày hôm sau, lại có người đến gọi Nguyễn Xiển đến gặp Hồ Chủ tịch. Bác Hồ nói với Nguyễn Xiển rất ngắn gọn, đại ý là: Đã là trí thức yêu nước thì phải nhận trách nhiệm trước lịch sử, không nhận làm Bộ trưởng thì phải nhận Ủy ban hành chính Bắc Bộ… Cảm động trước tấm lòng của Bác, GS Nguyễn Xiển đã nhận lời.
Ngày 28/8/1945, Chính phủ đã quyết định thành lập Ủy ban Nhân dân Bắc Bộ do GS Nguyễn Xiển làm Chủ tịch. Ngày hôm sau, Chính phủ cũng ký quyết định cử GS Nguyễn Xiển kiêm nhiệm Giám đốc Nha khí tượng Việt Nam. Ngày 2/9/1945, GS Nguyễn Xiển vinh dự được cùng với toàn thể các thành viên của Chính phủ lâm thời lên lễ đài quảng trường Ba Đình ra mắt đồng bào, nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên (thứ hai, từ trái sang) trong phái đoàn Chính phủ Việt Nam đàm phán tại Fontainebleau (Pháp) năm 1946. Ảnh: Tư liệu |
Còn với GS Nguyễn Văn Huyên, lòng yêu nước và bản lĩnh của một trí thức đã đưa ông đến với cách mạng từ khá sớm. Năm 1935, bất chấp những lời mời hấp dẫn từ kinh đô ánh sáng Paris đối với người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp hai bằng cử nhân và bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ văn khoa bộ môn Sử- Địa tại Đại học Tổng hợp Sorbone (Pháp), Nguyễn Văn Huyên trở về nước.
Với học vấn và học vị cao nhất lúc đó, ông khước từ lời mời làm quan và những hứa hẹn của chính quyền thực dân mà chỉ chọn nghề dạy học. Ông trở thành Giáo sư Sử- Địa Trường Trung học Bảo hộ, tức Trường Bưởi (nay là Trường Chu Văn An, Hà Nội). Năm 1938, ông tham gia hoạt động cùng các trí thức yêu nước ở Hội truyền bá chữ Quốc ngữ.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Giáo sư- Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên được Bác Hồ và quốc dân tín nhiệm, trở thành vị Bộ trưởng Giáo dục đầu tiên của nước Việt Nam DCCH. Năm 1946, ông cùng phái đoàn chính phủ Việt Nam dự Hội nghị Fontainebleau.
Từ Fontainebleau, ông viết thư cho vợ, bà Vi Kim Ngọc. Bức thư có đoạn: “Đây là dịp Huyên có dịp để Huyên thay mặt cả nhà mà đền nợ nước. Huyên cũng như bao nhiêu anh em sinh trưởng ở một nước nô lệ từ ngày hiểu biết tới nay ngoài 20 năm thở vắn than dài, cố sức mình để thoái khỏi vòng áp chế…?”.
Cũng là một trí thức Tây học, cũng là một sinh viên Việt Nam khiến giới khoa học Pháp phải ngỡ ngàng thán phục là Giáo sư- NGND Ngụy Như Kon Tum. Chỉ sau 3 năm học tập tại Paris ông đã nhận tấm bằng cử nhân khoa học xuất sắc và cũng chỉ thêm bằng đó thời gian, ông tham gia giảng dạy tại Trường Trung học Chasseloup (Sài Gòn) rồi Trường Bưởi (Hà Nội).
Không chỉ là một thầy giáo, ông còn là một thành viên tích cực tham gia các phong trào của giới trí thức để giáo dục tinh thần yêu nước cho thanh niên. Ngày 22/8/1945, trong không khí sục sôi của những ngày cách mạng Tháng Tám, GS. Ngụy Như Kon Tum đã cùng GS. Nguyễn Xiển, GS. Nguyễn Văn Huyên, ký giả Hồ Hữu Tường lên diễn đàn phát biểu ý kiến đồng thanh ủng hộ Việt Minh. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông tình nguyện khoác ba lô rời Hà Nội lặn lội lên núi rừng Việt Bắc tham gia công tác cách mạng, cùng toàn dân chống Pháp.
Trong “Nhóm bốn người đánh điện”, Hồ Hữu Tường là người duy nhất là ký giả, vừa viết báo cáo vừa hoạt động chính trị. Sinh năm 1910 tại Cái Răng, Cần Thơ, Hồ Hữu Tường bắt đầu viết báo bài Tây từ khi còn học trung học. Năm 1926, sau khi bị đuổi khỏi Trường Trung học Cần Thơ do tham gia viết bài ủng hộ nhà ái quốc Phan Bội Châu, Hồ Hữu Tường sang Pháp thi đỗ tú tài và xin học Toán tại Đại học Marseillee.
Năm 1939, chính phủ thuộc địa mở chiến dịch tổng đàn áp, bắt hết những đảng phái đối lập. Cuối năm 1940, Hồ Hữu Tường bị đẩy ra Côn Đảo cùng với nhà cách mạng chống Pháp khác như Nguyễn An Ninh, Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu… Năm 1944, ông được trả tự do.
Tháng 8/1945, ông cùng các nhà trí thức Nguyễn Văn Huyên, Ngụy Như Kon Tum, Nguyễn Xiển cùng ký tên vào bức điện gửi cho Hoàng đế Bảo Đại yêu cầu thoái vị. Năm 1946, Hồ Hữu Tường được mời tham dự hội nghị Đà Lạt với tư cách cố vấn trong phái đoàn Việt Nam đang điều đình với Pháp./.