Bóng đá Thái Lan tiến thẳng, Việt Nam 'giật lùi'
(Baonghean.vn) - Kết quả của trận U21 HAGL - U21 Thái Lan tại Giải U21 Quốc tế Báo Thanh niên không đáng bằng sự khách nhau về chất lượng cầu thủ và cách tiếp cận trận đấu của 2 đội bóng trẻ.
Năm 2013, trong khuôn khổ bảng B của giải U19 Đông Nam Á tại Indonesia. U19 Việt Nam đã từng đọ súng với U19 Thái Lan. Đội U19 Việt Nam năm đó ra quân với đội hình đa số là cầu thủ của học viện HAGL Arsenal JMG. Phía U19 Thái Lan cũng tung ra sân đội hình là các cầu thủ của lứa đầu tiên của học viện Asenal JMG Thailand.
Kết quả, U19 Việt Nam ngược dòng thắng U19 Thái Lan với tỷ số 3-2. Ba năm trôi qua, và hôm qua chúng ta lại được chứng kiến một cuộc so tài khá kịch tính, có điều người Thái lại là kẻ thắng.
Giật mình
Trước hết, không thể viện cớ họ còn quá trẻ bởi lứa cầu thủ này vì họ chuẩn bị bước sang tuổi 22 và đối thủ U21 Thái Lan thậm chí còn trẻ hơn. Nên nhớ có 2/3 đội hình của họ là thế hệ U19 Thái Lan đánh bại U19 Việt Nam ở Campuchia năm nay.
Lối chơi ít chạm của U21 Thái Lan tỏ ra hiệu quả. |
Là người quan sát khá kỹ sát lứa học viên khóa 1 HAGL JMG, niềm tự hào của đào tạo trẻ bóng đá nước nhà thì chúng ta không thể không lo lắng, Nếu như mô hình lò SLNA, không tìm được các sao cỡ Văn Quyến, Công Vinh… vì đã chạm trần thì giờ đây lứa Công Phượng, Đông Triều, Hồng Duy, Văn Sơn, Thanh Hậu của khóa 1 HAGL JMG cũng đã đạt ngưỡng. Điển hình nhất là ngôi sao Công Phượng.
Trong 3 cầu thủ đi “tu nghiệp” ở nước ngoài (cùng với Tuấn Anh, Xuân Trường) thì Công Phượng bị thui chột chuyên môn nhất. Dù vẫn được thường xuyên ở các trận đấu dành cho đội hình trẻ và dự bị nhưng Công Phượng…“bỗng dưng” mất cảm giác bóng. HLV Graechen chỉ đạo các học trò dồn bóng rất nhiều cho cầu thủ Đô Lương này nhưng cứ bóng đến chân là y như rằng bị cướp.
Các cầu thủ trẻ Thái Lan thường chơi pressing, các hậu vệ có thể lực tốt nên đá áp sát rất nhanh. Trong khi đó Công Phượng lại xử lý quá rườm ra mất rất nhiều chạm. Lối chơi bóng của các tiền đạo từ những năm 90 đã trở nên vô hại. Dù bắt chước nhưng còn rất lâu Công Phương mới học được Messi khả năng che bóng, solo giữa rừng chân đối phương.
Và nỗi lo
Dễ dàng nhận thấy, điểm khác biệt lớn nhất của 2 lò SLNA và HAGL JMG chính là quan điểm về thể lực và tốc độ. Các cầu thủ trẻ Phố Núi được cho là có kỹ thuật cá nhân nổi trội nhưng lại thiếu đi thiếu sức mạnh và tốc độ. Thi đấu trong nước, khuyến khuyết này không được bộc lộ, nhưng gặp các cầu thủ trẻ Thái Lan, U21 HAGL đã phơi bày tất cả.
Trong vai trò tiền vệ trung tâm Thanh Hậu rất chịu khó di chuyển nhưng lại thiếu lực trong những pha tranh chấp ở giữa sân với Sombatyotha, Veerachart, Shamphaodi trong màu áo U21 Việt Nam lẫn U21 HAGL. Ở hai cánh, Văn Sơn bị đối và Hồng Duy liên tục bị “ngửi khói” các tiền vệ trả Thái Lan, các cầu thủ Phố Núi thua cả thể lực, tốc độ lẫn độ quái, không có quả gài, tì, đè đối phương.
Văn Toàn là cầu thủ hiếm hoi còn giữa được phong độ so với 3 năm trước. |
Thực tình thì trong đội hình của U21 HAGL, 3 tuyển thủ Quốc gia là Xuân Trường, Văn Thanh và Văn Toàn có thể đọ sức ngang ngửa với đối thủ. So với hàng tiền vệ U21 Thái Lan gồm những cái tên như Samphaodi, Siripala, Sanmahung, Phitiwat, Haiprakhon thậm chí có lúc Xuân Trường còn nổi trội hơn. Còn bộ đôi cầu thủ người Hải Dương ít nhiều vẫn làm các cầu thủ Thái dè chừng bởi thoắt ẩn, thoắt hiện ở 2 cánh. Nhưng chừng ấy thôi là chưa đủ làm nên một diện mạo sáng sủa cho U21 HAGL.
Sau thất bại tại giải U19 cách đây 3 năm, Thái Lan đã trả món nợ đó ngay trên đất Việt Nam khi đánh bại U21 Hoàng Anh Gia Lai (U21HAGL) với tỷ số 1-0. Cái đáng lo không phải là tỷ số mà là người Thái đã tìm ra công thức để khắc chế lối đá đặc trưng của lò HAGL JMG. Đây cũng là thực trạng của bóng đá trẻ hai nước, trong khi Thái Lan đang tiến thẳng thì Việt Nam có vẻ như đang giật lùi...
N@T