Bóng đá Việt Nam cần một chiếc mỏ neo
Nếu nhìn dưới lăng kính của bóng đá trẻ, thì thất bại của U16 Việt Nam tại giải U16 Đông Nam Á không có gì phải ầm ĩ, kể cả việc để thua quá đậm trước Indonesia ở trận tranh Huy chương Đồng. Nhưng cảm giác thất vọng là có thật và nó không có lợi cho bóng đá Việt Nam lúc này.
Có thể nói hình tượng, niềm tin vào bóng đá Việt Nam đang như một con tàu mất lái trong cơn giông lốc. Nếu cứ để trôi, thì con tàu ấy có nguy cơ vỡ nát. Nó cần một chiếc mỏ neo để giữ cho mọi thứ ở lại một chỗ, chờ cơn bão qua.
Chúng ta cũng từng hy vọng đội U23 sẽ cải thiện tình hình sau khi huấn luyện viên Troussier chia tay, nhưng tại giải U23 châu Á, đội bóng do huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn dẫn dắt cũng thi đấu không thành công.
Hy vọng lại dành cho tân huấn luyện viên Kim Sang Sik với 2 trận đấu tại vòng loại World Cup 2026 thì màn trình diễn vẫn còn ở xa so với chờ đợi, khi mà huấn luyện viên đến từ Hàn Quốc có quá ít thời gian.
Lẽ tự nhiên, hy vọng lại "trôi" về các đội U, và như đã thấy, tình hình không sáng sủa, nếu không muốn nói là cảm giác bi quan đã trở lại.
Có thể nói tình hình hiện tại không khác giai đoạn 2012 - 2013, khi bóng đá Việt Nam ở mức thấp nhất trên mọi phương diện. V-League chứng kiến cuộc "chuyển giao" cho các ông bầu, những cấp độ đội tuyển thua tan tan tác ở SEA Games và AFF Cup. Trong thời điểm rất tệ ấy, thì đội U19 Việt Nam đã tạo ra một cơn gió mát với lứa cầu thủ đến từ học viện Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG.
Điểm khởi đầu của họ cũng chỉ là tại giải U19 Đông Nam Á, dù cũng để thua Indonesia trong trận chung kết, nhưng điều quan trọng là màn trình diễn đầy đam mê của các cầu thủ trẻ đã thay đổi mọi thứ. Từ chỉ là cơn gió, họ tạo ra những làn sóng niềm tin cứ vỗ đều, vỗ đều, dâng cao.
Chúng ta sẽ có thói quen tìm kiếm thật nhanh những chiến thắng để khôi phục niềm tin nơi người hâm mộ, nhưng bài học từ năm 2014 lại cho thấy, chiếc "mỏ neo" ấy không hẳn là thành tích.
Ở giải tứ hùng U19 quốc tế được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh hồi năm 2015, đội tuyển U19 cũng thua tan tác trước các đối thủ châu Âu đấy thôi, nhưng điều đó không ảnh hưởng gì đến các tác động tích cực mà họ tạo ra lúc đó.
Thậm chí, "cơn sốt U19" còn lớn hơn. Ở giai đoạn cùng cực về niềm tin, đôi khi chỉ cần chơi thứ bóng đá cống hiến cũng đã là quá đủ với người hâm mộ.
Phải chăng, đó chính là điều mà bóng đá Việt Nam cần ở thời điểm này. Chúng ta đang ở trong một giai đoạn tiến lên đã khó, mà tụt dốc thì vô cùng dễ. Quá trình chuẩn bị cho các tuyến kế thừa đang gặp vấn đề nghiêm trọng. Đánh giá một cách công bằng, chỉ có đội tuyển quốc gia là còn triển vọng cải thiện về thành tích khi vẫn đang sở hữu những cầu thủ của "thế hệ vàng", trong khi các đội U đều chững lại. Trận đấu với Indonesia ở giải U16 cho thấy cầu thủ của chúng ta kém hơn về thể hình, yếu trong tranh chấp và non về kỹ thuật, chưa nói đến tư duy chiến thuật. Tình trạng này đang xảy ra ở U19 lẫn U23. Muốn thay đổi cái gì, thì chắc chắn là cần rất nhiều thời gian cũng như phương pháp mới, bao gồm cả hệ thống huấn luyện viên dành cho các đội trẻ.
Rất đáng tiếc, một trường hợp U19 sẽ không thể tái hiện lần nữa. Đơn giản là số trung tâm đào tạo bóng đá trẻ của chúng ta không tăng, chỉ có giảm. Một nơi chuyên đào tạo cầu thủ để "chơi bóng" như Hoàng Anh Gia Lai đã không còn, trong khi hệ thống giải dành cho bóng đá trẻ của chúng ta quá ít trận đấu, nên càng khiến cho quá trình trưởng thành của các cầu thủ trẻ thiên về "đá bóng" với mục tiêu thành tích nhiều hơn là "chơi bóng".
Họ không có không gian để tìm thấy niềm vui, và vì thế cũng chẳng thể có niềm vui nào dành cho người hâm mộ cả.
Giờ, dù không muốn, thì cũng chỉ còn hy vọng ở huấn luyện viên Kim Sang Sik./.