Bức tranh lễ hội bị vấy bẩn
(Baonghean)-Đầu năm đi lễ chùa, lễ đền cầu bình an là nét đẹp bao đời của người Việt Nam. Nhưng nét đẹp văn hoá đặc trưng ấy của dân tộc đang bị những việc làm mê tín dị đoan, lòng tham lam, lối sống thực dụng của một số người đi lễ làm cho méo mó, biến dạng, gây phản cảm trong xã hội. Tình trạng này đang cần những biện pháp chấn chỉnh mạnh mẽ từ phía ngành chức năng, nhưng trước hết là từ nhận thức của mỗi người.
Mấy hôm nay, các phương tiện thông tin đại chúng tràn ngập thông tin, hình ảnh chen lấn, xô đẩy, tranh giành lễ vật ở Lễ khai ấn Đền Trần (Nam Định). Chuyện ở đền Trần có lẽ nói mãi không hết bởi sự mâu thuẫn giữa không gian chật hẹp của những ngôi đền theo kiến trúc cổ với danh tiếng, uy linh của các đấng quân vương - những anh hùng hào kiệt mà người dân bao đời thờ phụng. Lượng khách về dự Lễ hội Đền Trần dường như năm nào cũng tăng lên. Vì vậy, dù ban tổ chức đã có nhiều phương án bảo đảm an ninh trật tự, nhưng rồi, 2.000 cảnh sát cùng hàng trăm người của nhà đền, chính quyền địa phương được huy động cũng không thể ngăn cản được cảnh xô đẩy, giẫm đạp, tranh giành lộc thánh xảy ra.
Người người chen lấn xô đẩy, nhẩy cả qua hàng rào để "cướp lộc" |
Có thể nói, chưa bao giờ đền, chùa bị rơi vào cảnh quá tải như hiện nay. Mùa lễ hội, mỗi ngày có hàng vạn người đổ về các đền chùa như: Chùa Phúc Khánh, Quán Sứ, Trấn Quốc, chùa Hương, Phủ Tây Hồ, đền Bia Bà (Hà Nội); Khu danh thắng Yên Tử, đền Cửa Ông (Quảng Ninh), đền Trần, phủ Dầy (Nam Định), chùa Bái Đính (Ninh Bình), đền Bà Chúa Kho, chùa Phật Tích (Bắc Ninh), Tây Thiên (Vĩnh Phúc)… để lễ bái. Nhưng đáng nói là đi lễ ngày nay đang mang tính phong trào và bị “thực dụng hóa”, hậu quả làm nảy sinh nhiều tệ nạn, thậm chí bạo lực.
Nhiều du khách tỏ rõ sự thất vọng khi chứng kiến cảnh hỗn loạn ở đền Trần đêm 14 tháng Giêng với cơn mưa rào tiền lẻ vo tròn ném qua đầu khách mong được rơi vào kiệu Ngọc, rồi cảnh nhét tiền lẻ qua khe cửa đền, kẹp tiền vào tay tượng Phật, Thánh… như thể không lót tiền tận tay, thánh thần không nghe lời cầu khấn của mình; cảnh người ta đạp qua đầu nhau xông lên tranh cướp lễ vật; Rồi cảnh tranh nhau đến sứt đầu mẻ trán như trong phim hành động chỉ để giành nhau chút lộc trầu cau, cướp phết cầu may… không ai có thể nghĩ rằng đó là những việc có thể diễn ra ở nơi thờ phụng linh thiêng. Bức tranh lễ hội đang bị vấy bẩn, để lại ấn tượng không mấy tốt đẹp về một nét sinh hoạt văn hóa mang tính truyền thống lâu đời của người dân Việt Nam.
Người ta đang hiểu sai hoặc cố tình hiểu sai ý nghĩa thực sự của các lễ hội để rồi có những hành vi lệch lạc khi xem đền chùa là nơi để cầu xin, hối lộ thần phật nhằm được nhiều tiền tài, chức tước hơn là tìm đến một nơi vãn cảnh, cầu sức khỏe, cầu cuộc sống bình an… Nhiều người đi lễ không còn “lòng thành thắp một nén nhang” nữa mà lúc nào cũng mâm cao lễ lớn, vàng mã kìn kìn, đốt cả ô tô, nhà lầu và hàng đàn voi ngựa giấy, phải cạy cục vào bằng được hậu cung mới gọi là lễ… Chẳng ai nhường ai, mạnh ai nấy được, ai cũng muốn khấn to nhất, dài nhất, đặt lễ ở vị trí đẹp nhất, đồ lễ đắt tiền nhất thì mới cảm thấy an tâm.
Vốn ở đời, không ai cho không ai cái gì. thần phật lại càng không! Người xưa quan niệm, âm phù là phù cho sức khỏe, sự bình an để làm việc chứ không phải phù cho người ngồi không chờ tiền của tự chạy vào nhà, hoặc tự dưng được lên làm ông nọ bà kia… Thế nên, cứ đổ xô đi sắm hàng mâm cao cỗ hậu để lễ chùa, lễ đền, cầu xin hết điều nọ điều kia là sự mê muội. Nhà phật gọi đó là: “Tham - Sân - Si”, là những điều cấm kỵ. Những người đi lễ đền chùa đầu năm, nếu tâm không sáng thì dù có chạy vạy, xin xỏ cũng chẳng thánh thần nào chứng giám. “Ở hiền gặp lành”, đó là chân lý giản dị từ ngàn đời nay của cha ông ta truyền lại. Nếu nỗ lực làm việc, sống tốt, tu thân tích đức… thì không cần đi đâu, thần phật cũng sẽ độ trì giá hộ… Nét đẹp văn hóa khi đi lễ chùa chỉ có ý nghĩa khi con người đến đền, chùa bằng cái tâm trong sáng, dứt bỏ mọi lo toan của cuộc sống hàng ngày để hướng tâm về những giá trị cốt lõi mà bao đời cha ông ta để lại.
Vân Thiêng
TIN LIÊN QUAN