Lễ hội: Nơi lưu giữ những giá trị truyền thống

(Baonghean)- Mỗi năm, Nghệ An có hàng chục lễ hội, tập trung nhiều nhất từ tháng Giêng đến tháng Ba âm lịch. Mỗi lễ hội có một nét văn hóa đặc sắc riêng và việc tổ chức gìn giữ các lễ hội chính là lưu giữ truyền thống, gìn giữ bản sắc và bảo tồn các di sản văn hóa...
“Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”, nhằm chỉ 4 ngôi đền thiêng ở Nghệ An, mỗi đền gắn với một lễ hội truyền thống. Các lễ hội được tổ chức hàng năm, vừa là dịp để người dân trong vùng tưởng nhớ, tỏ lòng tri ân công đức của các vị thần đối với cộng đồng, dân tộc. Đồng thời  là dịp để mỗi người được trở về với nguồn cội, thể hiện sức mạnh cộng đồng làng, xã. Lễ hội cũng là nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ những giá trị văn hoá vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân. Qua đó, nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ, trân trọng, giữ gìn các di tích lịch sử, văn hóa và danh lam, thắng cảnh.
Đua thuyền tại Lễ hội Đền Cờn
Đua thuyền tại Lễ hội Đền Cờn
Lễ hội Đền Cờn xưa vốn là 1 trong 2 lễ hội dài nhất ở xứ Nghệ, kéo dài từ 21 tháng Chạp năm trước cho đến 21 tháng Giêng năm sau. Ngày nay, lễ hội chỉ diễn ra trong 3 ngày chính (từ 19 – 21/1 âm lịch) hàng năm nhưng lễ hội bao giờ cũng thu hút hàng nghìn lượt người dân và du khách trong nước tham gia. Bởi lẽ, đây là một lễ hội mang đậm màu sắc sông nước gắn với ngư dân vùng biển. Hơn thế, người dân đến với Lễ hội Đền Cờn còn gắn với việc đi lễ đầu năm, một hoạt động tín ngưỡng nhiều ý nghĩa. 
Ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng phòng Văn hóa, Thể thao và Du lịch thị xã Hoàng Mai cho biết: Lễ hội Đền Cờn, nếu tính theo lịch sử thì đã có hàng trăm năm nhưng một thời gian dài đã bị mai một và được khôi phục lại 17 năm nay. Trước năm 2010,  lễ hội được tổ chức với quy mô cấp xã và do một số cao niên đứng ra tổ chức nên quy mô nhỏ, ít hoạt động và số người tham gia cũng còn ít. Từ khi lễ hội được nâng cấp lên cấp huyện, được tổ chức bài bản và quy mô hơn. Đặc biệt, nhiều phong tục truyền thống đã được khôi phục như  hội đua  thuyền, lễ cầu ngư, lễ rước voi, lễ rước ngựa... Lễ hội Đền Cờn được phục dựng, không chỉ có ý nghĩa về mặt tinh thần, tâm linh mà qua đó còn có ý nghĩa quan trọng trong việc gìn giữ và phát huy, truyền bá các giá trị truyền thống của dân tộc. Những năm gần đây, thị xã Hoàng Mai còn gắn việc khai hội với khai trương với năm du lịch nên các di tích, danh thắng gắn với lễ hội ngày càng được quảng bá, giới thiệu rộng rãi. Thị xã Hoàng Mai cũng đã xây dựng đề án để nâng cấp Lễ hội Đền Cờn thành lễ hội cấp quốc gia.
Từ năm 1993 đến nay, rất nhiều lễ hội truyền thống của Nghệ An đã được khôi phục và nhanh chóng nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của đông đảo người dân. Gần đây nhất là Lễ hội Mường Ham, Lễ hội Đền Choọng ở Quỳ Hợp, Lễ hội Đền Chín Gian ở Quế Phong, Lễ hội Đền Vạn Cửa Rào ở Tương Dương, Lễ hội Làng Vạc ở Nghĩa Đàn... Lễ hội đón tiếng sấm đầu năm của đồng bào Ơ Đu ở huyện Tương Dương  sau nhiều năm nghiên cứu cũng vừa được khôi phục. Việc tổ chức lại các  lễ hội không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của đồng bào mà còn tạo ra môi trường lý tưởng để các dân tộc anh em trên địa bàn, các bản, làng gần xa hào hứng tham gia giao lưu văn hóa, văn nghệ, TDTT… Nhờ lễ hội, có rất nhiều trò chơi, nhiều phong tục truyền thống từng bị mai một nay đã được khôi phục như: Trò chơi đấu vật ở Lễ hội Đền Mai Hắc Đế, chọi gà ở lễ đón sấm đầu năm (Chăm Phtrong) của người Ơ Đu, đua thuyền, đánh cờ người, thả đèn hoa đăng, đấu vật, chọi gà, cờ thẻ, đu quay, đu tiên, bóng đá, bóng chuyền...
Nhìn chung, các lễ hội trên địa bàn tỉnh gắn liền với các di tích lịch sử. Vì vậy, lễ hội không chỉ là dịp để tổ chức các hoạt động vui chơi mang tính cộng đồng, tưởng nhớ những người “khai cơ lập ấp”. Việc tổ chức lễ hội tại các di tích đã tạo cho quần chúng nhận thức tốt hơn trong việc bảo vệ, trân trọng, gìn giữ các di tích lịch sử, văn hóa và danh lam, thắng cảnh. Thông qua các lễ hội, việc kêu gọi xã hội hóa và trùng tu các di tích, các di sản văn hóa cũng được đầu tư quan tâm hơn. Như ở đền Cờn, nhiều năm nay, kinh phí tổ chức lễ hội và tu sửa, nâng cấp chủ yếu được lấy từ nguồn công đức đóng góp của du khách thập phương. Lễ hội Đền Quả Sơn, Lễ hội Đền Hoàng Mười, đền Cuông, đền thờ Tấn Quốc Công Nguyễn Cảnh Hoan cũng được phục dựng lại và tổ chức thành công  nhờ chủ yếu dựa vào nguồn xã hội hóa. Bên cạnh đó, khi lễ hội đã được đón nhận, đồng thuận và được quảng bá ngày một rộng rãi thì việc trùng tu, tu bổ các di tích gắn với lễ hội cũng là điều cần thiết, cấp bách.
Trên thực tế, nhiều di tích trên địa bàn tỉnh ta đã được quan tâm hơn sau khi phục dựng xong các lễ hội. Trong đó có nhiều di tích được đầu tư với quy mô lớn như dự án trùng tu, tôn tạo di tích đền Cuông ở xã Diễn An (Diễn Châu) với kinh phí 25 tỷ đồng; Dự án trùng tu tôn tạo di tích đình Võ Liệt ở xã Võ Liệt (Thanh Chương): 12 tỷ đồng; Dự án trùng tu tôn tạo di tích đền Cờn ở xã Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai): 26 tỷ đồng,…
Đông đảo người dân tham dự lễ khai hạ
Người dân đến dự lễ đền Bà Chúa Chè ở xã Hạnh Lâm (Thanh Chương).
Cùng với các lễ hội cổ truyền, lễ hội lịch sử cách mạng “Uống nước nhớ nguồn” tri ân các anh hùng liệt sỹ, Lễ hội Làng Sen gắn với kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh; các lễ hội làng, lễ hội của dòng họ, lễ đón rước Bằng công nhận di tích lịch sử, văn hoá, danh hiệu văn hoá, đặc biệt là các lễ hội dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số được khôi phục và do nhân dân tổ chức ở nhiều làng quê trong tỉnh đã góp phần làm phong phú hơn văn hoá lễ hội ở Nghệ An. Hoạt động lễ hội chủ yếu là của nhân dân, nhân dân đóng góp công sức, tiền của, trí tuệ và sự sáng tạo để tổ chức, tham gia và hưởng thụ các giá trị văn hoá.
Lễ hội là nét đẹp văn hoá ngàn đời của ông cha để lại, là sợi dây kết nối cộng đồng và là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại. Để gìn giữ truyền thống tốt đẹp này, hàng năm vào đầu mùa lễ hội Sở VH-TT&DL sớm có văn bản chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra; phân công các ngành liên quan cùng vào cuộc triển khai và có kịch bản phù hợp gắn với chủ đề riêng của từng lễ hội. Đồng thời, có cơ chế quản lý tổ chức phù hợp với quy mô, tính chất, đặc điểm của lễ hội từng địa phương. Phục hồi những trò chơi dân gian truyền thống, coi trọng tính đặc thù, độc đáo của mỗi loại hình lễ hội, tránh cào bằng đồng loạt dẫn đến sự nhàm chán trong hoạt động và sinh hoạt lễ hội; đưa hoạt động lễ hội vào nền nếp, giữ gìn được bản sắc văn hóa vùng, miền.

 Mỹ Hà

tin mới

Có một miền xanh Diên Lãm

Có một miền xanh Diên Lãm

(Baonghean.vn) - Thăm rừng bản Hốc, cá mát khe Cướm, làng bản bên những ruộng bậc thang, những cây thị, cây xoài cổ thụ nghìn năm..., nhưng ấn tượng nhất trong chúng tôi vẫn là màu xanh của Diên Lãm, thấy nơi đây xứng để gọi là miền xanh. 

Điện Biên Phủ

Hội thảo ‘70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024) và những đóng góp to lớn của quân – dân Nghệ An’

(Baonghean.vn) - Sáng 25/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An phối hợp với Cục Chính trị Quân khu 4 tổ chức Hội thảo khoa học “70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024) và những đóng góp to lớn của quân – dân Nghệ An” cùng triển lãm chuyên đề “Điện Biên Phủ - một thiên sử vàng”.