Kinh tế

Bún bánh đắt hàng ngày nắng nóng

Hoài Thu 05/06/2024 12:24

Dịp nắng nóng gay gắt, các hộ làm nghề bún, bánh ở Đô Lương gia tăng công suất, sản lượng gấp nhiều lần để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ.

Bước vào những ngày hè nóng nực cũng là “mùa” mà các thành viên trong gia đình chị Thanh tất bật nhất trong năm. Vừa thoăn thoắt dùng tay đón từng mẻ bún nóng hổi chạy ra từ máy ép, chị Thanh vừa cho biết quy trình sản xuất loại thực phẩm khá đặc biệt này.

bna_bun-la.jpg
Sản phẩm bún lá sản xuất từ gạo quê tại xã Tân Sơn, Đô Lương. Ảnh: Hoài Thu

Sáng sớm, sau khi cho ra lò những mẻ bún nóng hổi, các thành viên trong gia đình chị lại tất bật đi giao hàng. Các đơn hàng hầu như đã được đặt trước qua điện thoại và đều là các cơ sở quán ăn, nhà hàng quen ở các xã Nam Sơn, Đặng Sơn, thị trấn Đô Lương và một số địa điểm khác.

Mỗi ngày bình thường chị Thanh sử dụng khoảng 3,5 tạ gạo, sản xuất ra khoảng 7 tạ bún. Song những ngày nhu cầu thị trường tăng cao như các ngày cuối tuần, các ngày lễ, tết, đặc biệt là như dịp nắng nóng, đơn hàng tăng gần gấp đôi nên nguyên liệu, số lượng “hàng” cũng phải tăng gấp đôi, gấp ba. Có ngày xay hết 8 - 9 tạ gạo, phải thuê thêm nhân công, dậy sớm từ 2-3 giờ sáng.

bna_co-so-san-xuat-bun-cua-chi-nguyen-thi-thanh-tang-gap-doi-cong-suat-phuc-vu-khach-hang-vao-ngay-nang-nong.jpg
Trung bình mỗi ngày một hộ làm nghề sản xuất bún, bánh tiêu thụ khoảng 3-4 tạ gạo, sản xuất ra 7-8 tạ bún. Những ngày cao điểm lượng gạo tiêu thụ có thể tăng gấp đôi. Ảnh: Hoài Thu

Những người làm nghề lâu năm như chị Thanh ở xã Tân Sơn đều tuân thủ một nguyên tắc, đó là lựa chọn nguồn nguyên liệu đảm bảo thơm ngon và sản phẩm làm ra đảm bảo an toàn thực phẩm, không dùng chất phụ gia. Mà muốn được vậy, không được bỏ qua bất kỳ khâu sản xuất nào. Gạo được vò sạch rồi ngâm gạo qua đêm (khoảng 8 - 10 tiếng), sau đó cho gạo vào máy xay thành bột mịn. Sau khi gạo được xay xong tiến hành ngâm bột trong 3 ngày.

“Quá trình ngâm này rất quan trọng, trong 3 ngày đó phải quan sát tình trạng của bột, tình hình thời tiết để điều chỉnh nhiệt độ ngâm và thay nước thường xuyên mỗi ngày. Khi bột đã ngâm đạt tiêu chuẩn sẽ được cho vào máy vắt khô bột trước khi cho vào máy nghiền trộn và ép sợi…

bna_may-ep-soi-bun-4e29f6d09c08220fbf3882ca0f778912-1-.jpg
Sợi bún được nấu chín và ép bằng máy. Ảnh: Hoài Thu

Về nguyên liệu, gạo phải chọn lựa kỹ lưỡng, đối với cơ sở sản xuất bún truyền thống ở xãTân Sơn, gạo Khang dân luôn là nguyên liệu được chọn, và phải đảm bảo không được lẫn lộn loại gạo khác vào. Ở xã Tân Sơn hiện còn ít hộ sản xuất loại lúa gạo này, nên chị Thanh phải liên hệ đặt hàng mới đủ nguồn cung cấp nguyên liệu.

Tại làng nghề bún bánh ở xóm 6, xã Tân Sơn, một trong những yếu tố giúp các hộ dân làm nghề nơi đây duy trì sản xuất sạch, đảm bảo vệ sinh là hệ thống đường sá, kênh mương được đầu tư xây dựng đồng bộ, rộng rãi, sạch đẹp.

Cùng với nghề truyền thống làm bún, bánh, ở xã Tân Sơn còn có nhiều hộ sản xuất giò chả, đang dần dần hình thành các làng nghề chế biến thực phẩm, đem lại thu nhập ổn định cho người dân.

bna_nghe-lam-bun-nguoi-lam-phai-day-tu-3h-sang-1-6990d7a49519c9ce5395551805aa763a.jpg
Các hộ sản xuất bún bánh ở Tân Sơn đầu tư máy móc hỗ trợ tăng năng suất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: Hoài Thu

Ông Nguyễn Bá Châu - Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đô Lương cho biết, người dân Tân Sơn có truyền thống làm nghề bún bánh lâu đời. Toàn xã hiện có khoảng 7 - 8 cơ sở sản xuất bún, bánh, tập trung nhiều ở các xóm 8, 10 và chủ yếu các hộ đều đã đầu tư máy móc và sản xuất độc lập. Chỉ còn một số ít hộ sản xuất thủ công theo kiểu “ghép” bằng cách gia đình tự ủ gạo và thuê máy của hộ gia đình khác xay bột.

Trong số các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới, thì đảm bảo vệ sinh môi trường được xem là tiêu chí khó, vì vậy, được chính quyền quan tâm chỉ đạo thực hiện đầu tiên, đặc biệt là ở các làng nghề, hợp tác xã.

bna_cac-mon-bun-3b18a067417c237e452e41afde8fc9f0.jpg
Bún là nguyên liệu cho nhiều món ăn ngon, được người tiêu dùng yêu thích. Ảnh: Hoài Thu

Trong 2 năm gần đây, Đô Lương đã công nhận thêm 2 làng nghề, nâng tổng số làng nghề trên địa bàn huyện lên 8 làng. Các làng nghề hoạt động sản xuất, kinh doanh khá hiệu quả, tạo được nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

Cùng với sự hỗ trợ, kiểm tra, kiểm soát của các cấp chính quyền, các làng nghề cũng chủ động quan tâm đến bảo đảm vệ sinh môi trường gắn với quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại. Từ đó, giúp các làng nghề phát triển và từng bước xây dựng, bổ sung danh mục các sản phẩm OCOP của địa phương.

Clip: Hoài Thu

Mới nhất

x
Bún bánh đắt hàng ngày nắng nóng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO