Giáo dục


Bước chuyển từ học Tiếng Anh để 'thi' sang học để phát triển kỹ năng

Mỹ Hà 07/01/2025 12:45

Thay vì học Tiếng Anh để thi, việc học Tiếng Anh ở các nhà trường sẽ chú trọng các kỹ năng khác để vừa giảm áp lực, vừa tạo hứng thú cho học trò.

Tiếng Anh không còn là môn học ưu tiên

Từ 3 buổi học Tiếng Anh, đến nay, con gái chị Trần Thị Hằng hiện đang học lớp 7 ở thành phố Vinh đã quyết định chỉ tập trung học 1 buổi với cô giáo dạy Tiếng Anh phổ thông ở trường. Các buổi học khác để lấy chứng chỉ Tiếng Anh đã được dừng lại để tập trung vào các môn văn hóa khác.

Giờ học Tiếng Anh của học sinh Trường THPT Kỳ Sơn. Ảnh - NTCC
Trường THPT Kỳ Sơn tổ chức thao giảng môn Tiếng Anh. Ảnh: NTCC

Không chỉ với học sinh THCS, việc dạy và học Tiếng Anh ở Trường THPT cũng có nhiều thay đổi, sau khi Tiếng Anh từ 1 trong 3 môn thi bắt buộc trở thành môn tự chọn. Tại Trường THPT Kỳ Sơn, theo thống kê của nhà trường, năm nay trường chỉ có 13/500 học sinh lớp 12 đăng ký lựa chọn môn Tiếng Anh.

Nhiều năm dạy Tiếng Anh, cô giáo Trương Thị Lan của Trường THPT Kỳ Sơn dường như cũng đã “lường” trước sự lựa chọn này của học sinh.

"Đối với học sinh trường tôi, việc học Tiếng Anh khá là khó khăn, bởi ở các cấp học trước, việc học Tiếng Anh của các em không thuận lợi.

Vì lẽ đó, hiện nay, việc các em không chọn Tiếng Anh mà chọn các môn thi khác là điều xuất phát hoàn toàn từ thực tế. Với năng lực hiện có, lượng kiến thức để chọn môn Tiếng Anh sẽ không an toàn và vất vả hơn các môn khác".

Cô giáo Trương Thị Lan - Trường THPT Kỳ Sơn

Giờ học Tiếng Anh của học sinh Trường THPT Nam Đàn 1. Ảnh - Mỹ Hà
Tiết học Tiếng Anh của học sinh Trường THPT Nam Đàn 1. Ảnh: Mỹ Hà

Năm học này, cô giáo Ngô Thị Thanh Thư - giáo viên dạy Tiếng Anh của Trường THCS Nam Đàn 1 cũng đảm nhiệm dạy học sinh của 5 lớp ở khối 12. Trong số này, chỉ một số lớp như D1, D3 có định hướng ban đầu học sinh theo khối D, tỷ lệ đăng ký dự thi môn Tiếng Anh khá cao. Còn lại, tỷ lệ chung chỉ khoảng 30%. Trước thực tế này, cô giáo Thanh Thư cho rằng, “khá buồn” bởi có thể “học sinh chưa hiểu được tầm quan trọng của bộ môn này”.

"Tôi may mắn dạy các lớp mà hầu hết học sinh đều có định hướng thi đại học nên trước mắt các em vẫn chưa quay lưng hẳn với Tiếng Anh.

Tuy nhiên, việc dạy học ở một lớp có nhiều đối tượng, nhiều mục đích khác nhau sẽ khiến giáo viên gặp nhiều khó khăn và phải chuẩn bị nhiều dạng bài tập để dạy học phù hợp.

Mong sau này, khi ra trường các em sẽ nhìn nhận đúng và định hướng lại, bởi Tiếng Anh là một trong những kỹ năng cần có trong thời kỳ hội nhập", cô Thư chia sẻ.

Cô giáo Ngô Thị Thanh Thư - giáo viên dạy Tiếng Anh của Trường THCS Nam Đàn 1

Tạo hứng thú khi học Tiếng Anh

Tiếng Anh từng là môn thi bắt buộc tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT và cũng là 1 trong 3 môn thi ở Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Tuy nhiên, từ năm học này, Tiếng Anh không còn là lựa chọn duy nhất và thay vào đó có nhiều phương án thay thế. Trong đó, ở bậc THPT, Tiếng Anh trở thành môn thi tự chọn. Ở bậc THCS, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng dự thảo, trong đó, yêu cầu các địa phương phải lựa chọn môn thứ 3 có sự khác nhau giữa các năm, thay vì là môn Tiếng Anh như lâu nay.

Với những thay đổi này, việc học Tiếng Anh ở các nhà trường rõ ràng đã bị ảnh hưởng khá nhiều. Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Anh - giáo viên Tiếng Anh, Trường THPT Nghi Lộc 5 cho biết: "Việc thay đổi môn Tiếng Anh có hai mặt, thứ nhất, đỡ áp lực cho giáo viên ôn thi, bởi lâu nay việc ôn Tiếng Anh cho các lớp ở tốp sau rất khó. Các năm trước, chúng tôi phải phụ đạo liên tục mới đạt được kết quả như mong muốn. Bên cạnh đó, cũng có những bất cập, tôi nhận thấy rất rõ học sinh có sự thay đổi thái độ học tập với môn Tiếng Anh, học không còn nghiêm túc, chăm chỉ như trước. Điều này dẫn đến rất nhiều bất cập cho việc dạy học Tiếng Anh ở các nhà trường, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục chung, nhất là ở những trường nông thôn như chúng tôi".

Do xuất phát điểm thấp, học sinh không có sự đồng đều như trước nên hiện nay Tổ Ngoại ngữ ở Trường THPT Nghi Lộc 5 đã phân nhóm học sinh để dạy học theo từng đối tượng. Với những lớp đại trà, để tạo hứng thú cho học trò, giáo viên đã giảm bớt phần bài tập, luyện đề thi. Thay vào đó, luyện thêm cho các em kỹ năng nghe, nói, đọc, viết theo chủ đề từng bài học, hướng dẫn các học sinh làm video để khích lệ học sinh yêu và học Tiếng Anh một cách tự nguyện.

bna_gio-phu-dao-cho-hoc-sinh-truong-thpt-nghi-loc-5.-anh-my-ha-a37538d065a8c39b1d6afd0b07aa7ec2.jpg
Tiết học Tiếng Anh của học sinh Trường THPT Nghi Lộc 5. Ảnh: Mỹ Hà

Tượng tự, tại Trường THPT Kỳ Sơn, cô Trương Thị Lan nói thêm: "Chúng tôi xác định, môn học càng khó thì giáo viên lại phải nỗ lực gấp đôi. Song song với việc động viên học tập, chúng tôi phải thay đổi phương pháp dạy học. Về phần kiến thức của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 tương đối khó nên giáo viên Tiếng Anh phải truyền tải đúng mục tiêu chương trình, nhưng cũng phải phù hợp với đối tượng học sinh, trình độ và năng lực của các em. Giáo viên phải tìm tòi, khai thác công nghệ thông tin ứng dụng vào bài học, khơi gợi sự hứng thú học tập, từ đó truyền tải kiến thức, thu hút học trò...".

Xác định Tiếng Anh có giá trị thực tiễn với học sinh trong tương lai nên nhà trường thường xuyên nâng cao chất lượng đội ngũ.

Đồng thời, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để bổ trợ cho việc học Tiếng Anh ở nhà trường. Hiện nhà trường có 2 phòng lab để học sinh thực hành Tiếng Anh hiệu quả, tăng các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết",

Thầy giáo Lê Văn Tảo – Hiệu trưởng Trường THPT Kỳ Sơn

Các phòng học Tiếng Anh ở Trường THCS Long Lâm - Nam Đàn
Phòng học Tiếng Anh ở Trường THCS Long Lâm (Nam Đàn). Ảnh: Mỹ Hà

Đối với bậc THCS, cô giáo Hồ Thị Ngọc Diệp - giáo viên Tiếng Anh, Trường THCS Vinh Tân (thành phố Vinh) cũng chia sẻ: "Nếu Tiếng Anh không còn là 1 trong 3 môn thi bắt buộc sẽ dẫn đến sự thay đổi về dạy Tiếng Anh ở các nhà trường".

Thực tế, trước đây học sinh học để thi, học một cách bắt buộc và chưa thấy được tầm quan trọng của Tiếng Anh, không thấy được sự yêu thích, hứng thú.

Nhưng giờ đây, khi Tiếng Anh không còn áp lực thi cử, việc học Tiếng Anh sẽ thoải mái hơn, chuyển từ học để thi sang học để ứng dụng trong cuộc sống. Về phía giáo viên, chúng tôi cũng sẽ phải thay đổi cách dạy, cách học để đem đến những tiết học lý thú, hào hứng cho học trò".

Cô giáo Hồ Thị Ngọc Diệp – giáo viên Tiếng Anh, Trường THCS Vinh Tân (thành phố Vinh)

Sự thay đổi này, kỳ vọng cũng sẽ đem đến một"làn gió mới" trong dạy và học ở các nhà trường. Thầy giáo Phan Trọng Đông - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Diễn Châu 3 nói thêm: Phương án thi tốt nghiệp THPT không hề ảnh hưởng đến chất lượng dạy -học môn Ngoại ngữ ở các cấp học phổ thông. Khi Tiếng Anh không phải là môn thi bắt buộc vừa giúp học sinh "nhẹ gánh" trong ôn luyện, vừa tạo ra bước đi mới trong việc dạy và học ngoại ngữ.

Mới nhất

x
Bước chuyển từ học Tiếng Anh để 'thi' sang học để phát triển kỹ năng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO