Đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai: Thách thức và cơ hội của Khoa Sư phạm Ngoại ngữ, Trường Đại học Vinh
Để từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, các cơ sở đào tạo ngoại ngữ ở bậc đại học đang đứng trước những thách thức lớn. Khoa Sư phạm Ngoại ngữ, Trường Đại học Vinh làm gì để vượt qua những thách thức đó?
Từ chủ trương của Đảng và Nhà nước đến Chiến lược của Nhà trường
Ngày 12/8/2024, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Kết luận 91-KL/TW tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".
Theo đó, Bộ Chính trị yêu cầu đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo, nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Kết luận 91-KL/TW đã có tác động mạnh mẽ với dư luận trong nước và thực sự có ý nghĩa thức tỉnh đối với không những các cơ sở đào tạo mà còn với các cơ quan, doanh nghiệp. Đã có rất nhiều bài báo bàn về những thách thức đặt ra cho nền giáo dục nước nhà, đã có nhiều chuyên gia, doanh nghiệp lớn đề xuất các giải pháp căn cơ để thực hiện nhiệm vụ “phổ cập tiếng Anh toàn dân” (Phạm Nhật Vượng).
Là một Trường Đại học lớn ở Khu vực Bắc Miền Trung, dĩ nhiên, Trường Đại học Vinh không thể đứng ngoài cuộc. Tầm nhìn của Trường Đại học Vinh là “trở thành đại học thông minh, xếp hạng tốp 500 đại học hàng đầu châu Á vào năm 2030, hướng đến tốp 1000 đại học hàng đầu thế giới vào năm 2045”. Sứ mạng của Trường Đại học Vinh là trở thành “cơ sở giáo dục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, dẫn dắt sự phát triển giáo dục và đào tạo của khu vực Bắc Trung Bộ; là trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, góp phần thúc đẩy sự phát triển của quốc gia và quốc tế.” Qua các phát biểu về Sứ mạng, Tầm nhìn đó, có thể nhận ra định hướng hội nhập quốc tế của nhà trường. Và điều chắc chắn rằng, hội nhập quốc tế không thể tách rời việc đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học ngoại ngữ và bằng ngoại ngữ.
Những thách thức
Cần phải công nhận rằng, chủ trương, đường lối, chính sách, chiến lược là một chuyện còn thực hiện được là một câu chuyện khác. Những thách thức đặt ra cho việc đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ không chỉ dừng lại ở vị trí địa lý, đối tượng người học mà còn các điều kiện về cơ sở vật chất và thiết bị, không chỉ dừng lại ở đội ngũ cán bộ mà còn liên quan đến triết lý giáo dục, chương trình, phương thức, phương pháp giảng dạy. Một trong những thách thức lớn nhất cho việc triển khai dạy học ngoại ngữ ở Trường Đại học Vinh đó là vị trí địa lý. Thực tế cho thấy thành phố Vinh chưa phải là một thành phố thu hút nhiều khách du lịch từ các nước nói tiếng Anh như Anh, Mỹ, Úc…
Chính vì vậy, điều kiện giao tiếp trực tiếp với người bản xứ của học sinh và sinh viên rất hạn chế. Vị trí địa lý xa các đô thị lớn cũng là một yếu tố tác động đến thu hút đầu tư và ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế của tỉnh Nghệ An. Kinh tế không phát triển sẽ kéo theo sự thiếu nguồn lực để đầu tư vào giáo dục, trong đó vào việc giảng dạy ngoại ngữ.
Bên cạnh đó, năng lực ngoại ngữ đầu vào của sinh viên tương đối thấp; đây cũng là nguyên nhân khiến cho việc giảng dạy ngoại ngữ gặp không ít khó khăn. Mặc dù càng ngày càng có nhiều học sinh giỏi chọn Trường Đại học Vinh là điểm đến cho hành trình tri thức đại học của mình, tuy nhiên, sức hút của các thành phố như Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh quá lớn, nhiều học sinh giỏi có điều kiện không ở lại học đại học ở quê nhà.
Điều đó ít nhiều có tác động đến chất lượng đầu vào của sinh viên. Chất lượng đầu vào không đồng đều chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy học ngoại ngữ. Thiết bị dạy học ngoại ngữ, mặc dù đã được Nhà trường và Đề án Ngoại ngữ quan tâm đầu tư nhưng công bằng mà nói, vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu dạy học của giảng viên và sinh viên. Trong xu thế phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, thiết bị giảng dạy cũng phải tương thích để đáp ứng nhu cầu dạy học chứ không chỉ dừng lại ở những thiết bị nghe nhìn.
Về đội ngũ cán bộ, Khoa Sư phạm Ngoại ngữ có 51 cán bộ trong đó nhiều giảng viên đã được đào tạo ở nước ngoài như Anh, Mỹ, New Zealand, Nhật, Pháp… Hiện tại Khoa có nhiệm vụ đào tạo cử nhân chính quy ngành Ngôn ngữ Anh, Sư phạm tiếng Anh, Quốc tế học; đào tạo thạc sỹ Lý luận và Phương pháp dạy học bộ môn tiếng Anh; đào tạo cử nhân hệ vừa làm vừa học, văn bằng 2 và từ xa các ngành Ngôn ngữ Anh, Sư phạm Tiếng Anh (số lượng người học của Khoa là 4336, trong đó có 2630 sinh viên chính quy). Ngoài ra, là 1 trong 10 đơn vị cốt cán trong cả nước tham gia các hoạt động của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia từ năm 2011 đến nay, Khoa Sư phạm Ngoại ngữ đã tham gia bồi dưỡng năng lực ngôn ngữ và nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên các cấp học phổ thông của nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo trong cả nước như Hòa Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị…
Quy mô, phạm vi đào tạo càng ngày càng được mở rộng thì áp lực công việc của cán bộ, giảng viên của Khoa ngày càng lớn. Đó là chưa kể giảng viên Khoa đang đứng trước sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, đặc biệt là AI. Áp lực nhân đôi khi họ vừa phải hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của công nghệ vừa tận dụng sự tiên tiến của công nghệ. Không có gì khó hơn cho giảng viên ngoại ngữ là khi lên lớp, học sinh, sinh viên đã có sẵn smartphone, sẵn sàng kiểm tra từ vựng, cách phát âm, cấu trúc ngữ pháp, văn phong, kiến thức, sẵn sàng yêu cầu AI viết hộ, nói hộ, đọc hộ, dịch hộ… Chưa biết chừng, nếu không đủ độ tinh, độ “tỉnh”, giảng viên sẽ rơi vào tình huống sư phạm khó xử…
Giải pháp căn cơ
Không thể giúp người học sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai nếu không có đội ngũ giảng viên, giáo viên tiếng Anh đáp ứng được yêu cầu. Trong vài năm trở lại đây, số lượng giảng viên của Khoa Sư phạm Ngoại ngữ được Nhà trường cử đi đào tạo tiến sĩ thật là ấn tượng. Hiện tại có 10 giảng viên Khoa Sư phạm Ngoại ngữ đang làm nghiên cứu sinh trong nước và ngoài nước. Song song với đó, việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực giảng dạy, cập nhật kiến thức và kỹ thuật giảng dạy tiên tiến cũng được Khoa và Nhà trường thường xuyên quan tâm, phối hợp với các tổ chức giáo dục, các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước để thực hiện. Ngoài ra, việc tổ chức các hội thảo Quốc tế về giảng dạy ngoại ngữ (VinhTESOL, VietTESOL) đang thực sự góp phần nâng cao năng lực ngôn ngữ cũng như chuyên môn cho giảng viên.
Việc cải tiến chương trình đào tạo, đề cương chi tiết dạy học tiếng Anh theo phương pháp tiếp cận CDIO, chú trọng chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng và thái độ cần đạt được để đáp ứng thị trường lao động là một giải pháp đột phá. Việc áp dụng các phương pháp dạy học tích cực như dạy học theo dự án/ đồ án (project-based learning), dạy học kết hợp (blended learning), mô hình lớp học đảo ngược (flipped classroom)... đã góp phần giúp sinh viên từng bước đạt được các yêu cầu về năng lực ngoại ngữ đáp ứng chuẩn đầu ra. Đồng thời, trong quá trình học tập, giảng viên thường xuyên chú trọng đến đánh giá năng lực ngoại ngữ của sinh viên một cách thường xuyên, từ đó, có những điều chỉnh trong phương pháp và nội dung dạy học cho phù hợp.
Hạn chế về “môi trường giao tiếp” được Nhà trường chủ trương khắc phục bằng giải pháp công nghệ: Mô hình đào tạo trực tuyến CFO (CDIO - Flipped - Online) và đào tạo kết hợp CFB (CDIO - Flipped - Blended). Ứng dụng nền tảng dạy học trực tuyến vào công tác dạy học đúng là đã góp phần giảm áp lực công việc của giảng viên trên lớp.
Kiến thức, kỹ năng mà người học có thể tự học, tự nghiên cứu thì được dạy trực tuyến qua các bài giảng điện tử và các bài tập, bài kiểm tra trong đó nhiều bài hệ thống tự đánh giá, cho điểm. Thời gian trên lớp dành cho việc trao đổi, thảo luận giữa giảng viên và sinh viên về những vấn đề khó, nhằm phát triển tư duy phê phán, khả năng phân tích, kiến tạo của sinh viên, học viên. Chính các mô hình này góp phần làm cho hoạt động dạy học trở nên tích cực hơn, ít nhàm chán hơn, lôi cuốn được sự tham gia của người học hơn.
Bên cạnh đó, hợp tác quốc tế cũng là giải pháp mà Khoa Sư phạm Ngoại ngữ rất chú trọng để nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Nhiều chuyên gia nước ngoài đã được mời về chủ trì các workshop liên quan đến phương pháp và kỹ thuật giảng dạy. Thông qua hợp tác quốc tế, nhiều giảng viên từ Mỹ, Canada, Pháp đã được mời về trực tiếp giảng dạy cho sinh viên chuyên ngữ. Ngoài ra, giải pháp công nghệ là một trong những giải pháp then chốt để cán bộ Khoa nâng cao hiệu quả dạy học ngoại ngữ.
Ở Trường Đại học Vinh, Khoa Sư phạm Ngoại ngữ được xem là một trong những đơn vị tiên phong trong việc áp dụng CNTT trong dạy học. Giảng viên Khoa đã bắt đầu hướng dẫn cho sinh viên ứng dụng AI trong dạy học. Giờ đây sinh viên có thể luyện nói, luyện thi nhờ trí tuệ nhân tạo. Những công cụ như Gemini, Copilot, ChatGPT... không còn lạ lẫm gì với giảng viên và sinh viên Khoa Sư phạm Ngoại ngữ. Một trong những chủ trương của Nhà trường và Khoa đó là nâng cao chất lượng đào tạo bằng các hoạt động ngoại khóa thông qua các hoạt động của Đoàn, Hội...
Liên chi Đoàn, Liên chi Hội Khoa Sư phạm Ngoại ngữ đã phối hợp với nhau tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao năng lực tiếng cho sinh viên, ngoài các câu lạc bộ như English Speaking Zone (CLB nói tiếng Anh), English Learning Assistant Club (CLB hỗ trợ học tiếng Anh), FLD’s IELTS Community (Cộng đồng IELTS Khoa Sư phạm Ngoại ngữ), FLD Radio Station (Đài phát thanh FLD), sinh viên Khoa còn tổ chức các cuộc thi diễn kịch (Drama Contest), cuộc thi The Debate (Tranh biện), cuộc thi biên dịch, cuộc thi đánh vần tiếng Anh (FulBright Spelling Bee), thi nói tiếng Anh (English Speaking Contest), Ngày Hội sinh viên nghiên cứu khoa học… Khi tham gia các hoạt động ngoại khóa đó, sinh viên không chỉ nâng cao năng lực tiếng và kiến thức nền của mình mà còn giúp đỡ cho các sinh viên khác cùng tiến, để không ai bị bỏ lại đằng sau.
Ngôn ngữ mới, tầm nhìn mới
Khẩu hiệu của Khoa Sư phạm Ngoại ngữ: New Language, New Vision (Ngôn ngữ mới, Tầm nhìn mới) xác định rõ triết lý giáo dục của Khoa: Thông qua dạy tiếng Anh để giúp cho sinh viên mở mang kiến thức và tầm nhìn, biến tiếng Anh thành công cụ để lĩnh hội thêm kiến thức là một trong những định hướng sư phạm cốt lõi của Khoa. Đành rằng thách thức về nhân lực, vật lực đang hiện hữu rất rõ, tuy nhiên, Kết luận 91-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng là một “cú hích” thực sự để lãnh đạo Trường Đại học Vinh và Khoa Sư phạm Ngoại ngữ có định hướng rõ ràng hơn nữa trong giai đoạn phát triển mới. Chính vì vậy, mới đây, Ban thường vụ Trường Đại học Vinh đã có buổi làm việc riêng với cán bộ chủ chốt của Khoa về định hướng phát triển của Khoa.
Ngày 27 tháng 10 năm 2024 sắp tới, Khoa Sư phạm Ngoại ngữ sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập. Hy vọng sau mốc son lịch sử đó, Khoa sẽ thực sự chuyển mình, có một chiến lược phát triển trước mắt và lâu dài để cố gắng trở thành Trường Ngoại ngữ, để thực sự tiên phong trong việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học bằng cách nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường hợp tác quốc tế, đầu tư vào thiết bị dạy học và công nghệ, mở các chương trình đào tạo mới phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động có sử dụng tiếng Anh.