Đinh Trang sinh ra và lớn lên trong một gia đình bình thường ở phố biển Cửa Lò, không có truyền thống nghệ thuật. Bởi vậy, cô bé có giọng hát hay từ nhỏ chẳng dám mơ ước cao xa, dẫu đã thấp thoáng một ý nghĩ là mong được đi học trường nhạc. Thế nhưng ngay từ thủa nhỏ Trang đã được sự động viên cổ vũ của gia đình, nhất là mẹ cô. Hễ có cuộc thi lớn nhỏ nào em đều được mẹ “áp tải” đi cùng. Mẹ em luôn cho rằng em là người có thể làm nên chuyện trên con đường ca hát. Và sự đồng hành đó ngoài tình yêu thương còn là niềm tin vào cô con gái nhỏ. “Và mẹ cũng chính là khán giả đầu tiên thưởng thức ca khúc của em, cũng là người cuối cùng vỗ tay tán thưởng em trên mọi sân khấu lớn nhỏ” Trang chia sẻ.
Thế rồi được sự động viên của mẹ và gia đình, Trang đã dự tuyển sinh lớp thanh nhạc Trường Cao đẳng Văn hóa – Nghệ thuật và trúng tuyển. Thế nhưng, ước mơ được bơi giữa biển cả nghệ thuật mênh mông luôn thôi thúc Trang phải tìm được môi trường âm nhạc lớn hơn.
Đinh Trang kể: “Năm 2005, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã dẫn em đến gặp cô Thu Lan – nguyên Trưởng Khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Lúc đó em mới học lớp 11, tính cách thì rụt rè, nhút nhát, giọng lại còn bé. Cô Thu Lan từ chối dạy, “đuổi” em về vì thấy em chưa tốt nghiệp THPT. Lúc đó em đã nghĩ, khả năng của mình chỉ có thể làm được cô giáo dạy nhạc thôi, giấc mơ làm ca sĩ chắc xa vời quá”. Ấy thế mà 3 năm sau, Trang lại tìm đến cô Thu Lan với quyết tâm phải tìm cho ra chìa khóa trong cách thức chuyển tải giọng hát yếu của mình. “Cô đã nhận em không chỉ vì em có sự trưởng thành trong giọng hát mà còn vì sự quyết tâm đeo đuổi ước mơ của em” – Trang nhớ lại.
Đỗ Học viện Âm nhạc Quốc gia hệ đại học, Trang bước vào con đường chinh phục ước mơ. Cô luôn nghĩ mình có xuất phát điểm không cao, không có tài năng thiên bẩm như một số bạn, thế nên, mình càng phải chăm học và học thật giỏi, học bằng năng lượng của người con sinh ra, lớn lên ở mảnh đất nắng gió mặn mòi vị biển, học bằng lời hứa với bản thân và gia đình phải thành ca sĩ có tiếng. Thế là, cô sinh viên năm ấy kiên trì với những bài tập thể lực khắc nghiệt để có được năng lượng hơi thở bụng dồi dào, cột hơi khỏe chắc, âm thanh vang sáng và độ ngân rung chuẩn chỉnh của opera. Trời không phụ lòng người, sau những ngày tháng khổ luyện, Trang nhận được lời khen của cô Thu Lan, và sự kỳ vọng lớn của người giáo viên là NSND Trung Kiên, người dạy dỗ em trong cả 4 năm học đại học và 2 năm cao học. Và sau những ngày tháng ăn hát, ngủ hát, chơi… cũng hát, đã biến cô gái bé nhỏ chỉ 40 kg, với làn hơi mỏng và giọng hát bé thành người sở hữu giọng hát opera cực dày, vang và có độ ngân rung ít ai sánh bằng.
Cũng từ sự động viên, khích lệ của các thầy, cô, năm thứ 3 ở Học viện Âm nhạc Quốc gia, em mạnh dạn thử sức ở một sân khấu lớn, một sân chơi âm nhạc mà bất cứ người học thanh nhạc nào cũng muốn chạm đến. Đó là cuộc thi Sao Mai, một cuộc thi tài năng âm nhạc do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.
Đi thi mà trong lòng ngổn ngang trăm mối khi gia đình không có điều kiện để chi phí cho bài vở, quần áo, lẫn những chi tiêu cần thiết nhất cho một thí sinh. Thế nhưng, Đinh Trang vẫn quyết thi để có được những kinh nghiệm quý cho sự nghiệp của mình. Dẫu đi thi với ý thức học hỏi là chính, nhưng cô có thái độ nghiêm túc và sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản cho sân chơi này bằng những bài hát được chọn lựa kỹ. “Hát đợi anh về” của nhạc sĩ Xuân Thủy, “Cảm ơn mẹ” của nhạc sĩ Đức Trịnh, được cô chăm chút cả về kỹ thuật thanh nhạc lẫn cảm xúc của người hát.
Trước đêm thi, cô gái ấy đã mất ngủ vì lo lắng và hồi hộp, thế nhưng, không hiểu sao khi đứng trên sân khấu, năng lượng ở đâu lại tràn về, những ca từ, nhạc điệu cứ thế tuôn trào bằng xúc cảm, bằng tình yêu. Và Sao Mai năm ấy có thêm một Đinh Trang đĩnh đạc, tự tin với giọng hát hay, dày dặn, quãng âm thanh đáng nể, chinh phục bao tâm hồn thính giả.
Trang kể rằng, em còn nhớ đêm thi xếp hạng, nhiều khán giả đã khóc khi em hát “Cảm ơn mẹ” của nhạc sĩ Đức Trịnh, khóc vì họ đồng điệu với cảm xúc mà cô mang đến khán phòng, vì cả những xử lý tinh tế đầy xúc động trong ca từ và trong từng nốt âm thanh của bài hát. Trang nói rằng, cô chọn “Cảm ơn mẹ” không chỉ bởi vì giai điệu âm vang tuôn chảy của thứ tình cảm nguyên lành, vĩ đại nhất trên đời, mà còn bởi đó là dòng tâm sự của cô khi nghĩ về mẹ mình. Hát bằng trái tim mình, chắc có lẽ vì thế mà ca khúc trên sân khấu Sao Mai năm ấy được khán giả đón nhận bằng sự đồng cảm lớn nhất.
Ngoài “Cảm ơn mẹ”, “Hát đợi anh về” được biểu diễn ở Sao Mai còn giúp cô có một lượng người hâm mộ lớn bởi sự thành công trong cách chuyển tải và những thanh âm mới mẻ cô thổi hồn. “Hát đợi anh về” cũng chính là ca khúc đưa cô đến vinh quang của Sao Mai dòng nhạc thính phòng năm ấy.
Với giải Nhì Sao Mai, Trang nói rằng, đó là phần thưởng cho cô gái 8X vùng biển biết nỗ lực vươn lên. Bởi sau giải thưởng này, Trang được công chúng biết đến, được mời đi hát nhiều và cô có thêm thu nhập để chữa bệnh cho mẹ. Quan trọng không kém, khi từ đây cô có bàn đạp để được sống với đam mê nhạc thính phòng của mình, với việc thử sức chuyển tải opera tinh tế, sang trọng nhưng vẫn mượt mà, thiết tha, đậm chất trữ tình.
Sau cuộc thi ấy 2 năm, Trang lại được đứng trên bục vinh quang với Giải thưởng Opera cao quý. “Trước đây cả đời em chỉ ao ước được hát với dàn nhạc dây trên một sân khấu lớn thì nay em đã làm được” – Trang tâm sự. Tham gia Opera chuyên nghiệp là lúc cô có bầu con trai đầu lòng, nhưng cô đã hát bằng nguồn năng lượng cộng hưởng. Và Aria trong phần biểu diễn opera của Trang rất thành công dù không có micro hỗ trợ.
Trang từng tiết lộ rằng, chính dòng nhạc dân gian đã giúp cô nuôi sống đam mê nhạc thính phòng của mình. Bởi hát dân gian là cách cô đến gần với khán giả quê hương, là cách mà cô được đứng trên nhiều sân khấu sự kiện, nhưng nhạc thính phòng thì không như thế, đó là dòng nhạc đậm chất bác học chỉ được thể hiện ở những sân khấu lớn hơn, “kén” khán giả hơn. Muốn “sống” lâu dài với nhạc thính phòng, muốn thỏa sức với các album đậm chất nhạc thính phòng thì cần phải có một hành trang dày dặn để “nuôi” nó. Và Trang chọn nhạc dân gian để làm điều đó.
Trang nói, bây giờ em được hát dòng nhạc mà mình say mê, được chinh phục những kỹ thuật khó và được sống với đam mê cháy bỏng. “Với em chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ làm nên một đời sống đủ đầy”.