'Cả thảy được Rằm tháng Giêng'

Huy Thư 08/02/2020 09:04

(Baonghean.vn) - Mỗi dịp đến ngày Rằm tháng Giêng, người dân các địa phương lại náo nức chuẩn bị lễ tế tổ trong không khí linh thiêng, đầm ấm.

Lễ tế ở những dòng họ "danh gia vọng tộc"

Một trong những lễ tế tổ ngày Rằm tháng Giêng được tổ chức lớn là lễ tế ở dòng họ họ Hồ, huyện Quỳnh Lưu. Trải qua 640 năm hình thành và phát triển, họ Hồ sản sinh nhiều danh nhân góp phần tô điểm thêm những trang sử vẻ vang của quê hương. Đó là Hồ Thơm - Hoàng đế Quang Trung (1753 - 1792), bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương (1772 - 1822); tam giáp Tiến sĩ Hồ Sĩ Dương (1622 – 1681), nhị giáp Tiến sĩ Hồ Phi Tích (1665 – 1734)...

Đã thành thông lệ, trung tuần tháng Giêng âm lịch hàng năm, con cháu dòng họ Hồ đại tộc khắp mọi miền đất nước lại tề tựu đông đủ tại nhà thờ đại tôn để dự lễ tế tổ.

Tế tổ đầu xuân là nét đẹp truyền thống của họ Hồ và nhiều dòng họ khác tại Quỳnh Lưu - Nghệ An.
Tế tổ đầu Xuân là nét đẹp truyền thống của họ Hồ và nhiều dòng họ khác tại huyện Quỳnh Lưu - Nghệ An. Ảnh: FC

Xuân Canh Tý 2020, do đại dịch nCoV, họ Hồ chỉ tế tổ trong phạm vi hẹp thuộc tỉnh Nghệ An và các tỉnh lân cận với đại diện dòng tộc. Theo đó, từ ngày 2/2 (ngày 9/1 âm lịch) đến ngày 5/2 đã diễn ra các lễ đại tế ở xã Thọ Thành, huyện Yên Thành, tại đền thờ đức Nguyên Tổ (xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu), lễ Túc Yết và cúng tế tại nhà thờ đại tôn thuộc làng Quỳnh Đôi.

Với anh em họ Hồ, tế tổ đầu Xuân còn là dịp để tôn vinh các cá nhân đã có những đóng góp, làm rạng danh dòng họ.

Lễ tế được nhiều người con trong dòng họ chờ đón là lễ ở dòng họ Nguyễn Tất huyện Đô Lương. Họ Nguyễn Tất đại tôn ở xã Tân Sơn đã trải qua 26 đời, hiện có 2500 đinh. Tồn tại qua nhiều thế kỷ, với những giá trị tiêu biểu, nhà thờ họ Nguyễn Tất đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Hàng năm, họ Nguyễn Tất tổ chức lễ tế tổ vào ngày 14, 15 tháng Giêng âm lịch.

Theo anh Nguyễn Tất Dũng, một người con trong họ, để chuẩn bị cho lễ tế tổ Rằm tháng Giêng diễn ra trang trọng, họ tộc đã sắp xếp lịch hoạt động khá cụ thể, từ việc phân chia con cháu ở các xã đi dâng hương, chăm sóc các phần mộ tiên tổ, đến việc lau chùi, trang trí tại nhà thờ... Trong chương trình lễ tế tổ năm nay, họ Nguyễn Tất đã tổ chức đêm giao lưu văn nghệ với chủ đề uống nước nhớ nguồn, nghe tiểu sử dòng họ, trao quà khuyến học, làm lễ vào họ cho tiểu đồng và lễ tế tổ.

Trang trí chuẩn bị Rằm ở từ trường họ Trần Võ ở xã Thanh Đồng, huyện Thanh Chương.

Với dòng họ Trần Võ ở xã Thanh Đồng, huyện Thanh Chương là dòng họ đầu tiên, duy nhất ở địa phương có nhà thờ được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Nhà thờ Đại tôn họ Trần Võ hiện thờ 11 đời. Theo phong tục cổ truyền, Rằm tháng Giêng anh em con cháu trong họ thường đưa mâm cỗ đến từ đường để cúng bái tổ tiên. Điều đặc biệt là năm nay được sự nhất trí của các cấp, con cháu trong dòng tộc đã trùng tu, nâng cấp từ đường khang trang, sạch đẹp.

Đánh trống tế Rằm ở nhà thờ họ Trần Võ xã Thanh Đồng, huyện Thanh Chương.

Anh Trần Võ Hiệp - hậu duệ đời thứ 12 của dòng họ chia sẻ: Thật vinh dự và tự hào khi được sinh ra và lớn lên trong dòng họ Trần Võ có lịch sử lâu đời. Mỗi dịp tế tổ được về dâng hương cho tổ tiên, tôi cảm thấy rất thiêng liêng. Từ nhận thức sâu sắc truyền thống của cha ông, tôi nghĩ mình cần phải nỗ lực nhiều hơn để từng bước hoàn thiện bản thân, phát huy truyền thống của dòng họ, góp phần xây dựng gia đình, quê hương, tiếp nối được truyền thống các thế hệ đi trước.

"Cả năm được Rằm tháng Bảy, cả thảy được Rằm tháng Giêng”

Không chỉ ở Quỳnh Lưu, Đô Lương, Thanh Chương… mà nhiều vùng quê khác ở Nghệ An như Yên Thành, Diễn Châu, Nam Đàn, Hưng Nguyên… cũng tổ chức Tết Thượng nguyên - Tết Nguyên tiêu với không khí tưng bừng, nhộn nhịp.

Trước Rằm, anh em trong các gia đình, dòng tộc đã đi tảo mộ, đến các nghĩa trang thắp hương khấn báo tổ tiên, mời các chư vị tiên linh về từ đường sum họp. Công tác chuẩn bị đón Rằm, trang trí lại nhà thờ, mua sắm đồ tề khí, nhạc khí, bàn soạn mâm ngũ quả… được các họ tộc coi trọng. Dịp này, các dòng họ thường thành lập các tiểu ban (hành lễ, nhạc lễ, hậu cần, đón tiếp…) tổ chức điều hành, chuẩn bị cúng Rằm khá công phu, chu đáo…

Mâm cỗ cúng Rằm trên bàn thờ họ Trần Võ ở Thanh Chương.

Việc chuẩn bị thực phẩm, vật phẩm để cúng tế tại nhà thờ được các dòng họ quan tâm nhất. Nếu họ tộc nào tổ chức thiết lễ chung thì anh em trong họ góp tiền cùng biện lễ, hoặc phân chia thứ tự các chi họ bàn soạn theo năm.

Một số dòng họ tổ chức biện lễ riêng, các gia đình tự bày soạn mâm cỗ thì thường làm cỗ xôi gà. Mỗi nhà làm một mâm cỗ, ngày Rằm đội đến nhà thờ để cúng. Ở Nghệ An, dịp Rằm này có nhà thờ họ bày soạn cả trăm mâm cỗ để cúng tế với đủ các kiểu xôi gà, nổi tiếng như họ Hoàng văn đại tôn ở Đô Lương. Tùy truyền thống, quy định của từng dòng họ, mà mỗi họ có cách biện lễ riêng.

Nghi lễ dâng hương, dâng rượu cúng Rằm tại nhà thờ họ.

Tế tổ ngày Rằm hay cúng Rằm là một nghi lễ quan trọng trong Tết Thượng nguyên. Khác với ngày Tết là nhà nhà đều cúng tế, thì Rằm tháng Giêng thường chỉ cúng Tế ở các nhà thờ họ, tạo nên truyền thống “đi họ tháng Giêng”.

Rằm tháng Giêng con cháu muôn phương đều hướng về nhà thờ họ, dù bận trăm công nghìn việc vẫn thu xếp để về lễ tạ, ơn đức của tổ tiên. Đặc biệt là cùng anh em nội ngoại dự lễ tế tổ thiêng liêng. Lễ tế tổ được các dòng họ tổ chức một cách trang trọng với đủ các lễ nghi truyền thống, như dâng hương, dâng rượu, đọc văn tế… Ban nghi lễ thường mặc áo dài đội khăn xếp, có chủ tế, xướng lễ, hành lễ trong tiếng trống chiêng phụ họa trang nghiêm.

Các ban nhạc của những dòng họ lớn ở Yên Thành, Đô Lương Thanh Chương…thường tập luyện nhạc tế nhuần nhuyễn để trình diễn trong ngày Rằm, nhất là khi tế tổ. Nhạc tế tổ ở các dòng họ đã tạo nên giai điệu riêng, độc đáo cho nhạc lễ ở các vùng quê xứ Nghệ.

Linh thiêng lễ tế tổ tại nhà thờ họ Trần Võ xã Thanh Đồng, huyện Thanh Chương.

Ngày tế tổ không chỉ là ngày lễ quan trọng hướng về cội nguồn, tiên tổ, một dịp để mọi người quây quần, giao lưu, trao đổi về nguồn gốc, vai vế họ hàng, huyết thống, thăm hỏi sức khỏe, công việc làm ăn, học hành, thắt chặt tình cảm anh em, mà còn là không gian để vinh danh thành tích học tập, lao động, cống hiến của con cháu, động viên sự học của các gia đình.

Độc đáo màn trống tế tại nhà thờ họ Nguyễn xã Bắc Thành, huyện Yên Thành.

Anh Hồ Sỹ Bằng sinh sống ở Liên bang Nga về quê dự lễ tế tổ Rằm tháng Giêng ở xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Trong tâm tư, tình cảm với những người con xa quê, việc được về quê tham dự ngày lễ tế Tổ vào Rằm tháng Giêng là điều mà hầu như ai cũng rất mong mỏi. Thậm chí, có rất nhiều người có thể không về đoàn tụ gia đình vào dịp Tết nhưng bằng cách này hay cách khác, họ sẽ trở về quê vào ngày Rằm tháng Giêng".

Rằm tháng Giêng - Tết Thượng Nguyên là ngày để mọi người hướng về nguồn cội với tình cảm thiêng liêng, trân quý. Trải qua cả nghìn năm, nét đẹp truyền thống, nhân văn này của dân tộc đang được được người dân khắp nơi gìn giữ, phát huy.


Mới nhất
x
'Cả thảy được Rằm tháng Giêng'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO