Các chủ thể OCOP tìm cách mở rộng thị trường tiêu thụ hàng Tết
(Baonghean.vn) - Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, lo ngại sức mua giảm nên các chủ thể cũng cân nhắc quy mô sản xuất, đồng thời tìm cách lách vào các thị trường "ngách" để tăng doanh thu vào dịp Tết Nguyên đán…
Thời điểm cuối năm là cao điểm tăng cường sản xuất phục vụ thị trường Tết nhưng năm nay, do sức mua yếu hơn, việc tiêu thụ có phần giảm sút nên công ty chuyên về hoa quả sấy của anh Nguyễn Sơn Tin (xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp) hoạt động cầm chừng.
“Năm nay, dự báo kinh tế khó khăn nên sức tiêu thụ sẽ giảm, đến thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa có các đơn hàng Tết ổn định. Do đó, công ty vẫn duy trì sản xuất như thường ngày, chưa có kế hoạch tăng ca, tăng số lượng", anh Tin cho biết.
Có kinh nghiệm gần 10 năm sản xuất, là mặt hàng được tiêu thụ khá lớn vào dịp Tết, thế nhưng năm nay, xưởng sản xuất giò bê Châu Hường (xã Nam Nghĩa, huyện Nam Đàn) cũng ở trong trạng thái “vừa sản xuất, vừa thăm dò”. Ngoài giò bê (giò ba chỉ, giò bắp, giò nạc) thì xưởng còn đa dạng hoá các loại như: nem lụi, nem chua, gà ủ muối, chân giò ủ muối…
Bà Nguyễn Thị Châu, chủ cơ sở sản xuất giò bê 4 sao OCOP cho biết: “Xưởng chúng tôi sản xuất quanh năm, song cao điểm là các tháng cuối năm. Sản lượng tiêu thụ tháng Tết gấp 3-4 lần các tháng khác trong năm. Bởi các năm trước, từ tháng 9, tháng 10 âm lịch là đã chốt số lượng đơn hàng để lên kế hoạch chuẩn bị nguyên liệu và sản xuất. Thế nhưng năm nay, đến thời điểm hiện tại, lượng đơn hàng cả sỉ và lẻ đều giảm, hiện chúng tôi cũng đang tích cực kết nối để có thêm đơn hàng Tết, chấp nhận kéo dài thời gian nhận đơn”.
Với 6 sản phẩm đạt 3 sao OCOP, Công ty Trách nhiệm hữu hạn HADALIFA là doanh nghiệp chuyên về sản xuất bột ngũ cốc và hạt dinh dưỡng. Tết là dịp để tăng cao doanh số, doanh thu và cũng là cơ hội để quảng bá, tiếp thị sản phẩm, công ty cũng đã có kế hoạch sản xuất mặt hàng với bao bì nhãn mác đậm sắc màu Tết truyền thống. Đồng thời, liên hệ với các chủ thể sản xuất OCOP khác để làm thành giỏ, set quà Tết; đẩy mạnh kết nối vào các thị trường “ngách”.
“Sản phẩm chúng tôi thuộc dòng chăm sóc sức khoẻ, có ý nghĩa đối với những đối tượng như tập Yoga, tập GYM, các câu lạc bộ dân vũ, thẩm mỹ viện và các nhóm hội ăn chay. Do đó, thay vì tập trung vào thị trường truyền thống thì chúng tôi tiếp cận với thị trường ngách này”, bà Phan Thị Liên, đại diện công ty cho biết.
Trước đây, các mặt hàng hải sản qua chế biến của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sơn Huyền (phường Nghi Hải, TX. Cửa Lò) chỉ nhắm đến thị trường truyền thống là các đại lý phân phối, chợ và khách lẻ mua trực tiếp. Do đó, lượng khách hàng bó hẹp nội tỉnh. Trong bối cảnh hiện nay, khi kinh tế khó khăn, việc tiêu thụ các sản phẩm gặp không ít khó khăn. Ngoài việc duy trì khách hàng truyền thống thì năm nay, chị đã đẩy mạnh việc quảng bá trên các nền tảng số, tham gia các hội chợ thương mại, kết nối với các siêu thị, các cửa hàng thực phẩm sạch để tiếp cận thị trường mới.
“Thông qua các hội chợ và trang thương mại điện tử, chúng tôi có một lượng khách hàng mới ở các địa phương khác trong cả nước. Các mặt hàng chả mực, nem hải sản, chả cá thu… của doanh nghiệp đã vào được siêu thị với hệ thống cả nước nên chắc chắn rằng, thị phần sẽ được mở rộng”, chị Nguyễn Thị Huyền, đại diện doanh nghiệp cho biết.
Trong khi đó, Hợp tác xã Làng nghề bánh đa kẹo lạc Vĩnh Đức (Đô Lương) lại đang đẩy mạnh việc tìm kiếm đại lý, ký gửi sản phẩm tại các đại lý tạp hóa, mini mart và các chợ… để mở rộng thị trường cho sản phẩm của mình.
“Tranh thủ dịp Tết, chúng tôi xúc tiến tiếp thị với các kênh bán hàng trực tiếp là các đại lý tạp hóa, chợ để mở rộng tính nhận diện thương hiệu cho sản phẩm. Thị trường được chúng tôi ưu tiên phát triển là các nhà hàng, các cửa hàng vùng nông thôn, miền núi ở các tỉnh, thành miền Bắc và miền Nam. Dịp Tết này, ngoài thay đổi bao bì, mẫu mã thì chúng tôi triển khai các chương trình khuyến mãi, tăng mức chiết khấu cho đối tác”, ông Nguyễn Văn Công, đại diện hợp tác xã cho biết.
Tết là dịp mua sắm lớn trong năm, là cơ hội để các cơ sở mở rộng sản xuất, tăng doanh thu, đồng thời là dịp để quảng bá sản phẩm, lan toả thương hiệu. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu, sức mua giảm, các chủ thể OCOP ngoài nâng chất lượng sản phẩm, thay đổi mẫu mã đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng thì cần chủ động mở rộng thị phần; đa dạng cách tiếp cận các thị trường và phân khúc khách hàng.