Kinh tế

Các địa phương không chủ quan với bão số 6

Quang An 25/10/2024 17:59

Chiều 25/10, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương về triển khai các phương án ứng phó với bão số 6.

Chủ trì tại điểm cầu Hà Nội có đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cùng đại diện các bộ, ban, ngành.

Tại điểm cầu Nghệ An có đồng chí Phùng Thành Vinh - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cùng đại diện các đơn vị, chi cục.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Quang An
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Quang An

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 13 giờ ngày 25/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,6 độ vĩ bắc; 117,3 độ kinh đông, trên vùng biển phía đông của khu vực bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 560km phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (89-102km/giờ), giật cấp 12. Bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20km/giờ.

Dự báo, từ gần sáng 27/10, vùng biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi (bao gồm huyện đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn) có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-11, giật cấp 14, sóng biển cao 3-5m, vùng gần tâm bão 5-7m; biển động dữ dội.

bna_1(4).jpg
Đồng chí Phùng Thành Vinh - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn chủ trì tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Quang An

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết đây là cơn bão đầu tiên sẽ vào miền Trung trong năm 2024, được dự báo gây ra mưa lớn, có khả năng xảy ra tình trạng ngập lụt giống với năm 2020.

Theo nhận định, cơn bão này có gió trên biển rất mạnh, khi đi vào đất liền có thể yếu đi nhưng có thời gian quần thảo khá lâu. Do đó, các tỉnh ven biển cần phải quan tâm đến vấn đề sạt lở bờ biển. Các địa phương cần thông tin tuyên truyền đến người dân nhanh nhất, chính xác và nhiều nhất có thể về tình hình và hướng đi của cơn bão.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Quang An
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Quang An

Các địa phương cần có phương án kêu gọi tàu thuyền tránh trú bão an toàn, có thể ra lệnh cấm biển dài hơn để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho ngư dân và tàu thuyền. Những khu vực nuôi trồng thủy sản tính toán để tiến hành thu hoạch, giảm bớt thiệt hại; đồng thời tiến hành thu hoạch lúa với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Cùng với đó, thực hiện chằng chéo nhà cửa, kê cao tài sản...chủ động rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở và có phương án di dân phù hợp, đảm bảo an toàn.

Bộ Công thương chỉ đạo việc vận hành liên hồ chứa thủy điện đảm bảo an toàn. Bộ Giao thông vận tải tính toán để không xảy ra vấn đề chia cắt về giao thông ở các tỉnh thành ảnh hưởng trực tiếp bởi cơn bão.

Các đại biểu tham dự tại các điểm cầu trên cả nước. Ảnh: Quang An
Các đại biểu tham dự tại các điểm cầu trên cả nước. Ảnh: Quang An

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Nhìn lại những thiệt hại của cơn bão số 3, các ban ngành, địa phương không được phép chủ quan, lơ là trong một khâu nào mà phải chủ động có các phương án phòng chống, ứng phó với tinh thần quyết tâm cao nhất, lên kịch bản cụ thể từng tình huống để để không bất ngờ, bị động.

Chính quyền địa phương và nhân dân theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo về cơn bão để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại. Tăng cường kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, đê điều, hồ đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra...Sẵn sàng triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất; phòng chống ngập úng khu vực đô thị, vùng trũng thấp bảo đảm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Mưa lớn kéo dài từ đêm 22/9 đến sáng 23/9 đã khiến nhiều tuyến đường ngập băng, phương tiện bì bõm lội nước trong buổi sáng đầu tuần. Trong ảnh: Đại lộ Lê Nin ngập nặng sáng 23/9. Ảnh: Quang An
Mưa lớn kéo dài gây ngập úng trên địa bàn TP. Vinh trong tháng 9/2024. Ảnh: Quang An

Tại Nghệ An, trước diễn biến của bão số 6, UBND tỉnh, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh đã ban hành các Công điện gửi các địa phương, đơn vị liên quan để chủ động ứng phó.

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Nghệ An hiện có 2.833 phương tiện, 13.638 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản. Hiện nay không có phương tiện nằm trong vùng nguy hiểm. Tất cả các phương tiện đang hoạt động trên biển đã nhận được thông báo về vị trí, hướng di chuyển của bão số 6.

Hiện nay tỉnh đang chỉ đạo tăng cường kiểm tra việc neo đậu tàu thuyền, tổ chức vận hành an toàn các hồ chứa thủy điện, chỉ đạo các địa phương có phương án bảo vệ cây trồng, vật nuôi trước khi bão kèm theo mưa lớn đổ bộ...

Mới nhất

x
Các địa phương không chủ quan với bão số 6
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO