Các đơn vị vận tải 'oằn mình' trong cơn bão tăng giá nhiên liệu
(Baonghean.vn) - Giá xăng dầu liên tiếp lập đỉnh đã khiến nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách và hàng hóa phải tìm mọi cách để thích ứng, nếu như một số doanh nghiệp buộc phải tăng giá cước thì nhiều đơn vị vẫn phải giữ nguyên giá, chấp nhận bù lỗ vì ngại "mất khách".
Ngày 23/5, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã công bố giá xăng dầu mới, theo đó, tăng 680 đồng mỗi lít xăng E5 RON 92, tăng 670 đồng xăng RON 95. Đây là đợt tăng giá thứ tư liên tiếp từ 21/4 đến nay, và sau đợt tăng này, giá xăng RON 95-III đã lập đỉnh mới, lên 30.650 đồng một lít. Còn giá xăng E5 RON 92 là 29.630 đồng mỗi lít.
Việc giá xăng dầu tăng cao đã trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân cũng như tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Đối với các đơn vị vận tải, việc xăng dầu tăng giá đã khiến chi phí đầu vào bị đội lên cao, buộc họ phải tìm mọi cách để thích ứng.
Công ty TNHH Vận chuyển Nghệ An là đơn vị chuyên vận chuyển hàng hóa, tập trung tuyến Hà Tĩnh - Nghệ An. Đơn vị có 6 xe tải và nhiều công nhân phụ trách việc bốc xếp, vận chuyển hàng. Từ thời điểm giá xăng lập đỉnh đã khiến hoạt động kinh doanh của đơn vị phải điều chỉnh để phù hợp với tình hình mới.
Đại diện đơn vị cho biết: "Thời điểm giá xăng còn ở mức ngoài 20.000 đồng/lít, mỗi tháng chi phí từ 30 - 35 triệu đồng tiền xăng dầu. Từ khi giá xăng vượt 30.000 đồng/lít thì chi phí nhiên liệu chạm ngưỡng 50 triệu đồng, chưa kể các chi phí phát sinh trong quá trình vận chuyển. Đây là con số lớn buộc chúng tôi phải thắt chặt các chi phí khác để giảm thiểu thua lỗ."
Mặc dù giá xăng đã chạm đỉnh nhưng đơn vị này vẫn đang trong quá trình thăm dò, chưa vội tăng giá cước, chấp nhận doanh thu sụt giảm để cạnh tranh, tính chuyện đường dài.
Dù giá nhiên liệu tăng nhưng một số đơn vị vận tải hàng hóa không dám tăng giá cước vì sợ "mất khách". Ảnh: Quang An |
Việc xăng dầu tăng giá cũng khiến các đơn vị vận chuyển hành khách "đau đầu". Đại diện Công ty TNHH Mai Linh Nghệ An cho biết: "Dù dịch bệnh đã được kiểm soát, tuy nhiên số lượng xe hoạt động vẫn chưa đủ 100% do giá nhiên liệu tăng quá cao, nhiều anh em tài xế không duy trì được thu nhập đã chuyển nghề. Hiện vẫn còn khoảng 50 chiếc taxi nằm dài, không thể hoạt động."
Được biết, vào đầu tháng 3 vừa qua, phía Taxi Mai Linhđã làm hồ sơ trình các sở ngành, hiệp hội vận tải để tăng giá cước dịch vụ. Theo đó, đối với dòng xe taxi 7 chỗ sẽ tăng thêm 1.000 đồng/km, đối với dòng taxi 5 chỗ sẽ tăng thêm 800 đồng/km. Tuy nhiên đó là thời điểm giá xăng dù lập đỉnh nhưng vẫn dưới 30.000 đồng/lít.
Nhiều xe taxi phải nằm bãi vì không thể hoạt động trong thời điểm giá nhiên liệu tăng cao. Ảnh: Quang An |
Ông Hồ Quang Hiếu, Phó Giám đốc Công ty TNHH Mai Linh Nghệ An chia sẻ: Thực tế việc tăng giá cước sẽ giúp công ty bình ổn doanh thu trở lại, tuy nhiên việc này phải cân nhắc kỹ lưỡng vì mức tăng phải phù hợp với thu nhập của người dân. Nếu tăng cao quá người dân sẽ không lựa chọn dịch vụ của mình. Đấy là chưa kể đến việc tăng giá phải làm hồ sơ, thủ tục rất mất thời gian, nếu tăng giá được thông qua thì cũng phải chỉnh sửa, dán lại mức giá được niêm yết trên toàn bộ xe, sẽ lại tốn thêm chi phí. Do đó, hiện đơn vị vẫn đang giữ giá cước, chấp nhận giảm sút doanh thu.
"Mặc dù vậy, nếu giá xăng tiếp tục tăng trong những lần điều chỉnh tới thì chúng tôi bắt buộc phải tăng giá cước để duy trì hoạt động vì không còn cách nào khác" - ông Hiếu nhấn mạnh.
Việc tăng giá vé được một số nhà xe đường dài áp dụng, mức tăng từ 10.000 - 20.000 đồng/vé. Ảnh: Quang An |
Bên cạnh nhiều đơn vị vẫn giữ nguyên giá cước thì vẫn có một số xe khách đường dài trên địa bàn Nghệ An đã áp dụng việc tăng giá vé để thích ứng với tình hình mới. Đại diện nhà xe V.M tại Nghệ An cho biết: Hiện đơn vị đã thông báo cho các hành khách việc tăng giá vé lên 10.000 đồng/vé từ thời điểm giá xăng dầu lên cao. Đây là mức giá mà nhiều hành khách có thể chấp nhận được. Đối với dịch vụ vận chuyển hàng hóa vẫn giữ nguyên mức giá cũ.
Theo khảo sát, việc tăng giá vé cũng đã được một số nhà xe trên địa bàn Nghệ An áp dụng, nhất là những tuyến đường dài như Nghệ An - TP. HCM, Nghệ An - Bình Dương...
Với việc giá xăng dầu tăng kỷ lục đã khiến các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp vận tải nói riêng trên địa bàn tỉnh vừa hoạt động cầm cự, vừa ngóng chờ biến động để đưa ra các giải pháp thích ứng kịp thời. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng mong muốn các cấp, các ngành tiếp tục triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ vốn vay, giảm thuế, giúp doanh nghiệp từng bước tháo gỡ khó khăn, phục hồi sau thời gian dài bị tác động bởi dịch Covid-19.