Các làng nghề mộc ở Nghệ An xoay xở tìm đầu ra cho sản phẩm

Văn Trường 10/11/2023 15:07

(Baonghean.vn) -Thời gian vừa qua, các làng nghề mộc ở Nghệ An phải đối mặt với nhiều khó khăn như sản phẩm làm ra khó tiêu thụ. Một số làng nghề mộc đang phải tự thích ứng, xoay xở tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm.

Clip: Văn Trường

Thích ứng tìm đầu ra cho sản phẩm

Trong khi nhiều sản phẩm đồ mộc dân dụng thời gian qua hầu như “đóng băng” khó tiêu thụ, thì ở làng nghề mộc xã Đà Sơn, huyện Đô Lương, người làm nghề đã tự thích ứng, tạo ra các sản phẩm đồ gỗ mà nhu cầu thị trường đang cần.

bna_van truong m234.JPG
Cơ sở sản xuất đồ mộc của anh Trần Mạnh Dũng ở xóm 1, xã Đà Sơn, huyện Đô Lương chuyển đổi sang đóng đồ nội thất cho các nhà thờ khá đông khách. Ảnh: Văn Trường

Có mặt tại cơ sở sản xuất đồ mộc của gia đình anh Trần Mạnh Dũng, chúng tôi thấy cơ sở này đang hoạt động khá nhộn nhịp. Anh Dũng chia sẻ: Nhận thấy những năm gần đây nhu cầu làm nội thất cho các nhà thờ họ, như hương án, hoành phi câu đối… khá nhiều, trong khi địa bàn Nghệ An lại có ít cơ sở mộc chuyên làm nghề này, hầu hết phải ra các tỉnh phía Bắc để mua với chi phí rất đắt đỏ. Gia đình tôi đã chuyển đổi từ đóng đồ mộc dân dụng l sang đầu tư máy móc, cụ thể là tự sản xuất được 12 máy CNC điêu khắc gỗ phục vụ cho công việc đóng đồ thờ; tuyển các thợ có tay nghề giỏi; thu mua gỗ mít từ khắp nơi về đóng nội thất nhà thờ. Nhờ chất lượng các mặt hàng tốt, cộng với giá cả hợp lý, khách hàng lại có điều kiện đến xưởng kiểm tra chất lượng gỗ “thô” nên khách hàng rất tin tưởng. Xưởng mộc liên tục nhận được các đơn hàng làm không hết việc. Mỗi tháng cơ sở doanh thu từ 500-670 triệu đồng tiền bán các sản phẩm.

bna_van truong 2345.JPG
Anh Trần Mạnh Dũng ở xóm 1, xã Đà Sơn, huyện Đô Lương đang điều khiển máy điêu khắc tự động. Ảnh: Văn Trường

Tại xưởng mộc của anh Trần Quốc Hưng, lâu nay sản phẩm tủ, giường, bàn, ghế... khó tiêu thụ nên mấy năm nay anh đã tìm hiểu thị trường và chuyển sang đóng ri tường, trần nhà. Anh Hưng luôn duy trì đội ngũ 5-7 thợ đóng trần nhà khắp tỉnh Nghệ An và các tỉnh lân cận.

Anh tâm sự: Đóng trần nhà có lợi thế là đầu tư máy móc ít, nguyên vật liệu bằng gỗ xoan dễ tìm, công việc nhẹ nhàng hơn đóng các đồ khác. Đặc biệt là làm không hết việc, hiện nay, tổ thợ đang nhận làm 2 trần nhà ở Huế, doanh thu hàng tháng đạt từ 150 -200 triệu đồng.

Ông Trần Quốc Toàn -Phó Chủ tịch UBND xã Đà Sơn cho biết thêm: Nghề mộc là nghề truyền thống gắn bó lâu đời với người dân nơi đây, hiện có gần 100 hộ dân theo nghề này, tạo việc làm cho 300-350 lao động. Những năm qua, do khó khăn về đầu ra của các sản phẩm mộc, nên nhiều hộ dân ở làng nghề đã tự xoay xở để thích ứng tìm thị trường. Như hiện nay giảm số lượng làm các mặt hàng bàn ghế, giường tủ mà chuyên sâu sản xuất đồ gỗ nội thất phục vụ cho các nhà thờ họ, ri tường, trần nhà, vách tường…

Theoước tính, doanh thu làng mộc năm nay đạt trên 50 tỷ đồng, giảm khoảng 20% so với năm trước, nhưng trong điều kiện khó khăn như vậy đã là thành công.

bna_van truong 1.jpeg
Một số cơ sở mộc dân dụng chuyển đổi sang đóng ri tường, trần nhà để tìm kiếm thị trường. Ảnh: Văn Trường

Kề xã Đà Sơn là cơ sở mộc Nguyên Nghĩa ở thị trấn Đô Lương đang hoạt động khá nhộn nhịp. Theo chủ cơ sở này, từ đầu năm 2023 đến nay, thị trường đồ mộc rơi vào cảnh khó tiêu thụ, nhiều mặt hàng ế ẩm. Để thích ứng với điều kiện khó khăn, hiện nay đơn vị hạn chế sản xuất các mặt hàng trưng bày mà chủ yếu sản xuất các sản phẩm nội thất đồ gỗ theo đơn đặt hàng.

Đặc biệt là khai thác thị trường mới như thi công đồ gỗ cho các khuôn viên biệt thự; dựng nhà gỗ ở khắp các tỉnh, thành; khung hộc cửa sổ, cửa chính... Thời điểm này, đơn vị đang nhận được các đơn hàng sản xuất và lắp đặt nội thất cho các biệt thự ở Phú Quốc. Nhờ xoay xở tìm được đầu ra cho sản phẩm, nên cơ sở đồ mộc Nguyên Nghĩa vẫn tạo việc làm cho trên 200 lao động, tổng doanh thu đạt trên 2 tỷ đồng/tháng.

bna_van truong m323.JPG
Cơ sở mộc Nguyên Nghĩa, thị trấn Đô Lương sản xuất đồ mộc theo đơn đặt hàng nên thời điểm này vẫn duy trì tạo việc làm ổn định trên 200 công nhân. Ảnh: Văn Trường

Học hỏi, đổi mới để vượt khó

Do khó khăn về đầu ra, hiện nay làng nghề mộc ở phường Quang Phong, thị xã Thái Hoà cũng đang phải tự tìm giải pháp cho các sản phẩm. Một số chủ cơ sở mộc ở phường Quang Phong cho biết: “Hiện nay, nghề mộc dân dụng, mỹ nghệ chịu sự cạnh tranh rất lớn của các làng nghề ở các tỉnh phía Bắc. Do đó, tôi đã phải chủ động cho các thợ đi học các kỹ thuật mới, nhất là kỹ thuật sử dụng máy chạm khắc gỗ. Sau đó, đầu tư mua máy đưa vào sản xuất. Việc ứng dụng công nghệ vào làm nghề đã giúp sản phẩm mộc tinh xảo hơn, năng suất lao động lại cao hơn, từ đó góp phần hạ giá thành sản phẩm để cạnh tranh với sản phẩm của làng nghề phía Bắc”.

Trao đổi về vấn đề tìm giải pháp phát triển làng nghề mộc, ông Nguyễn Cảnh Kiều-Chủ tịch UBND phường Quang Phong nói thêm: Làng nghề mộc mỹ nghệ chế biến lâm sản phường Quang Phong được UBND tỉnh Nghệ An công nhận Làng nghề vào ngày 30/12/2002. Đến nay, làng nghề có trên 180 hộ tham gia, hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu gồm các mặt hàng: bàn, ghế, tủ, giường, mộc dân dụng.

bna_van truong 3.jpeg
Cơ sở mộc Nguyên Nghĩa, thị trấn Đô Lương tìm các đơn hàng thi công nhà gỗ địa bàn Nghệ An. Ảnh: Văn Trường

Hiện nay, trong giai đoạn khó đầu ra, hiện có khoảng 35% số hộ chuyển đổi sang sản xuất các mặt hàng khác phù hợp với thị trường, như nhận các đơn hàng lát gỗ sàn nhà, gia công cả gỗ ván ép tường nhà… Số còn lại các mặt hàng gỗ dân dụng đang tiêu thụ chậm và tồn hàng khá nhiều.

Tại làng mộc truyền thống ở xã Quỳnh Hưng (Quỳnh Lưu) lâu nay rơi vào cảnh ế ẩm. Hiện nay, làng nghề đang tồn khá nhiều hàng hoá, thời điểm này các cơ sở sản xuất đồ mộc đang tăng cường quảng bá sản phẩm lên mạng xã hội. Đặc biệt là các khách hàng đến mua đồ mộc dân dụng được vận chuyển miễn phí đến tận nơi…

bna_van truong 212mn3.JPG
Mặt hàng nội thất đồ gỗ tiêu thụ chậm trong thời gian qua ở các làng nghề trên địa bàn Nghệ An. Ảnh: Văn Trường

Nghệ An có khá nhiều làng nghề mộc ở các huyện Đô Lương, Thanh Chương, Quỳnh Lưu, Nam Đàn, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương. Tuy nhiên, do khó về đầu ra nên từ đầu năm 2023 đến nay nghề mộc đang chững lại.

Theo các nhà chuyên môn, để nghề mộc phát triển ổn định, chính quyền các địa phương có làng nghề mộc phải đồng hành cùng với các doanh nghiệp, cơ sở và hộ dân sản xuất, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tìm đầu ra cho sản phẩm. Định hướng cho các làng nghề khảo sát, phân tích, nắm bắt nhu cầu của thị trường, không làm các sản phẩm mộc gia dụng đại trà khó tiêu thụ, tạo ra các sản phẩm đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Các làng nghề duy trì sản xuất, tạo việc làm cho lao động, phối hợp với các đơn vị tổ chức hội chợ; đồng thời, vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia trưng bày, bày bán, giới thiệu các sản phẩm nghề mộc tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh. Đầu tư tay nghề, máy móc thiết bị để tạo ra các sản phẩm mộc mẫu mã đẹp, giá thành rẻ, cạnh tranh trên thị trường, từng bước khắc phục khó khăn.

Mới nhất
x
Các làng nghề mộc ở Nghệ An xoay xở tìm đầu ra cho sản phẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO