Làng nghề mộc ở Quỳnh Lưu rơi vào cảnh ế ẩm chưa từng có

Văn Trường 18/10/2023 17:13

(Baonghean.vn) - Không còn cảnh thương lái tấp nập về đặt hàng, làng mộc truyền thống ở xã Quỳnh Hưng (Quỳnh Lưu) rơi vào cảnh ế ẩm, ảm đạm hơn bao giờ hết.

Clip: Văn Trường

Làng nghề mộc xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Lưu được khá nhiều người biết đến. Phần lớn các sản phẩm của làng được bán trong tỉnh Nghệ An và các tỉnh lân cận.

Thế nhưng, những ngày này về làng nghề mộc Quỳnh Hưng thiếu hẳn sự nhộn nhịp của nhiều năm trước, thay vào đó là không khí hiu hắt, ảm đạm chưa từng thấy.

bna_van truong 2.JPG
Làng nghề mộc xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Lưu vắng bóng khách hàng. Ảnh: Văn Trường

Những năm gần đây, nhiều sản phẩm đồ mộc của làng nghề làm ra dù rất đẹp, tinh xảo nhưng tiêu thụ ế ẩm, khiến người làm nghề mộc rơi vào cảnh khó khăn. Đa số các hộ dân chỉ sản xuất cầm chừng, mỗi xưởng nhân công làm chỉ còn một vài người; thợ thì không có việc làm phải chuyển đổi nghề nghiệp.

Ông Trần Văn Tuấn - một chủ cơ sở mộc ở xã Quỳnh Hưng buồn bã: “Những năm trước, thời điểm này khách đã đến đông. Trung bình mỗi ngày chúng tôi bán được 3-4 bộ bàn ghế, tủ, giường… Tuy nhiên, đợt này, ngóng từ đầu tuần đến cuối tuần cũng chẳng có ai đến hỏi. Hàng làm xong tồn đọng nhiều, đơn hàng mới không có nên cơ sở sản xuất cũng cầm chừng. Từ chỗ có 6 lao động thợ mộc, nay chỉ còn 2 lao động mà việc cũng không đều.

bna_van truong 7.JPG
Trước đây, các cơ sở mộc ở xã Quỳnh Hưng có 7-8 lao động, nay cắt giảm chỉ còn 2-3 lao động. Ảnh: Văn Trường

Kề bên là cơ sở đồ mộc Thạch Lài, lớn nhất nhì xã Quỳnh Hưng, tại cửa hàng được bày bán nhiều đồ gỗ nội thất cao cấp đến bình dân, như bàn ghế gỗ “trắc” có giá từ 200-350 triệu đồng/bộ, gỗ hương từ 40-60 triệu đồng/bộ… Tuy nhiên, mấy tháng qua rất khó tiêu thụ.

Chị Nguyễn Thị Lài - chủ cơ sở Thạch Lài chia sẻ: Năm nay, do kinh tế khó khăn chung, người dân phải “thắt lưng buộc bụng” kéo theo sức mua yếu. Hàng hóa bị tồn đọng nên gia đình thường xuyên phải bù lỗ; hiện nay, chúng tôi đang phải tìm thị trường mới ở các tỉnh, thành khác.

Theo nhiều chủ cơ sở mộc ở xã Quỳnh Hưng, những năm trước đây, tầm tháng 9, tháng 10 hằng năm, lượng khách đến đặt và mua hàng khá đông. Bởi đây là mùa cưới hỏi, sắm sửa cho gia đình một số đồ gỗ nội thất chuẩn bị đón năm mới. Thế nhưng, từ đầu năm 2023 đến nay, các mặt hàng đồ gỗ mỹ nghệ của bà con đều rơi vào tình trạng khó khăn trong tiêu thụ, sản phẩm bị ứ đọng, ế ẩm.

bna_van truong 6.JPG
Một số cơ sở sản xuất đồ mộc ở xã Quỳnh Hưng nay vắng bóng lao động. Ảnh: Văn Trường

Năm 2011, UBND tỉnh công nhận làng nghề mộc Thuận Giang và Nam Thắng là 2 làng nghề mộc dân dụng và mỹ nghệ cấp tỉnh của xã Quỳnh Hưng. Cả 2 làng nghề đều được đầu tư máy công nghệ hiện đại. Sản phẩm đặc trưng của làng nghề mộc bao gồm: Bàn ghế cao cấp Âu - Á, giường, tủ kệ, tủ quần áo, bàn thờ tổ tiên, ông tài, ông địa…

Ông Trần Đình Trọng - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hưng cho biết: Những năm 2021 về trước, nghề mộc đem lại nguồn thu lớn của xã, đạt doanh thu trên 150 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho nhiều lao động tại chỗ. Tuy nhiên, từ gần 1 năm qua, đồ mộc mỹ nghệ “tắc” đầu ra, hầu hết các cơ sở đang bị tồn đọng hàng hóa nhiều.

bna_van truong 4.JPG
Một cơ sở đồ mộc ở xã Quỳnh Hưng vắng khách. Ảnh: Văn Trường

Do khó khăn nên đa số các cơ sở phải cắt giảm lao động, hiện nay, có gần 100 lao động là thợ mộc, nay chuyển đổi nghề nghiệp, đi xuất khẩu lao động.

Từ chỗ toàn xã Quỳnh Hưng có trên 300 hộ gia đình, 800 lao động theo nghề mộc, thì nay giảm sút chỉ còn trên 200 hộ gia đình, 500 lao động theo nghề mộc. Các lao động chuyển đổi sang các ngành nghề khác.

bna_van truong 3.JPG
Đồ mộc dân dụng "tắc" đầu ra kéo theo các cơ sở bán gỗ cung ứng cho các làng mộc cũng nằm im không bán được. Ảnh: Văn Trường

Nhiều chủ cơ sở sản xuất cho biết, kinh tế thế giới, trong nước khó khăn, thiếu đơn hàng buộc phải tiết giảm sản xuất, giảm giá sản phẩm, cho bớt công nhân nghỉ việc, đồng thời chủ động linh hoạt tìm thị trường ở các nơi khác...

Mới nhất

x
Làng nghề mộc ở Quỳnh Lưu rơi vào cảnh ế ẩm chưa từng có
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO