Nghệ An phấn đấu đến năm 2030 có 80% làng nghề hoạt động hiệu quả

Xuân Hoàng 14/10/2023 13:35

(Baonghean.vn) - UBND tỉnh vừa phê duyệt Đề án Bảo tồn và Phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2030. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030 có 80% làng nghề và làng nghề truyền thống hoạt động hiệu quả. 

UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Quyết định số 3238/QĐ-UBND ngày 4/10, phê duyệt Đề án Bảo tồn và Phát triển làng nghề giai đoạn 2023 - 2030.

bna_Nghề dệt thổ cẩm là một trong những hoạt động nhằm thu hút khách du lịch lên miền Tây xứ Nghệ(1).jpg
Nghề dệt thổ cẩm ở Làng nghề dệt thổ cẩm bản Minh Thái, xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ. Ảnh: Xuân Hoàng

Đề án nhằm mục tiêu bảo tồn và phát triển làng nghề, nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của làng nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng của các sản phẩm làng nghề; tạo việc làm và nâng cao đời sống của người dân; bảo vệ cảnh quan, không gian và môi trường, xây dựng các khu dân cư, làng văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn bền vững.

Mục tiêu đến năm 2025, khôi phục, bảo tồn được ít nhất 01 nghề truyền thống và 01 làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền. Công nhận mới ít nhất 18 làng nghề, ít nhất 01 làng nghề truyền thống, trong đó, có 02 làng nghề gắn với du lịch. Trên 70% làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động có hiệu quả.

bna_Nghề MTĐ chủ yếu tạo việc làm cho phụ nữ trung tuổi.jpg
Nghề mây, tre đan ở xã Quỳnh Diễn, huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: Xuân Hoàng

Có ít nhất 80% người lao động trong làng nghề được đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề, kỹ năng vệ sinh an toàn lao động và kiến thức công nghệ thông tin cơ bản; phấn đấu mỗi năm tổ chức 3 - 4 lớp dạy nghề, truyền nghề tại các làng nghề.

Có ít nhất 01 làng nghề truyền thống và 06 làng nghề có sản phẩm được phân hạng theo Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP).

Có ít nhất 4% làng nghề có sản phẩm được bảo hộ sở hữu thương hiệu; thành lập ít nhất 3 hợp tác xã trong làng nghề để đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị.

Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân các làng nghề đạt khoảng 10%/năm. Thu nhập bình quân của người lao động tăng ít nhất 1,3 lần so với năm 2020. Nâng kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề đạt khoảng 7 triệu USD/năm.

Có ít nhất 90% cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường.

Đến năm 2030, khôi phục, bảo tồn được ít nhất 02 nghề truyền thống và 02 làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền. Công nhận mới ít nhất 30 làng nghề, ít nhất 03 làng nghề truyền thống, trong đó, có 04 làng nghề gắn với du lịch. Trên 80% làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động có hiệu quả.

bna_Vợ chồng ông Nguyễn Thanh Mân bên những nong tằm của gia đình.jpg
Làng nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu. Ảnh: Xuân Hoàng

Có ít nhất 90% người lao động trong làng nghề được đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề, kỹ năng vệ sinh an toàn lao động và kiến thức công nghệ thông tin cơ bản; phấn đấu mỗi năm tổ chức 2 - 3 lớp dạy nghề, truyền nghề tại các làng nghề.

Có ít nhất 01 làng nghề truyền thống và 12 làng nghề có sản phẩm được phân hạng theo Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP).

Có ít nhất 20% làng nghề có sản phẩm được bảo hộ sở hữu thương hiệu; thành lập ít nhất 20 hợp tác xã trong làng nghề để đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị.

Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân các làng nghề đạt khoảng 10%/năm. Thu nhập bình quân của người lao động tăng ít nhất 2 lần so với năm 2020. Nâng kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề đạt khoảng 8,5 triệu USD/năm. Có 100% cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường.

Nguồn kinh phí thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2025 là trên 400.710 triệu đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ hơn 24 tỷ đồng; ngân sách từ các làng nghề 376.680 triệu đồng.

Giai đoạn 2026 - 2030 là 914. 164 triệu đồng, trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ hơn 48.750 triệu đồng.

Nghệ An ưu tiên bố trí, lồng ghép huy động các nguồn lực để thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển làng nghề theo quy định tại Nghị định số 52/2018/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn; Nghị quyết số 06/2029/NQ-HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn Nghệ An và các chính sách hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật hiện hành, nhằm hỗ trợ các làng nghề phát triển.

Mới nhất

x
Nghệ An phấn đấu đến năm 2030 có 80% làng nghề hoạt động hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO