Các yếu tố để Singapore thành nơi Trump gặp Kim
Năng lực bảo đảm an ninh, kinh nghiệm tổ chức các sự kiện quốc tế và chính sách trung lập là ba lý do chính khiến Singapore được chọn là nơi diễn ra cuộc gặp cấp cao Mỹ - Triều.
Các chuyên gia quốc tế nhận định Singapore hội tụ 3 điều kiện quan trọng để được chọn làm nơi tiến hành cuộc đối thoại cấp cao giữa tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên. Đó là kinh nghiệm của đảo quốc sư tử trong việc tổ chức nhiều hội nghị quốc tế cấp cao; mối quan hệ mật thiết với Mỹ và năng lực bảo đảm an ninh, vốn là điều mà phái đoàn bảo vệ tổng thống Mỹ quan tâm nhất; và Singapore là một trong những nước có quan hệ ngoại giao với Triều Tiên và tiếp nhận sứ quán của nước này.
Tổng thống Trump xác nhận sẽ gặp gỡ trực tiếp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vào ngày 12/6 tới. Ảnh: CGTN. |
KINH NGHIỆM TỔ CHỨC SỰ KIỆN QUỐC TẾ
Trước cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Kim Jong Un sẽ diễn ra ngày 12/6 tới, Singapore còn là địa điểm của nhiều cuộc họp lịch sử quan trọng. Gần đây nhất là sự kiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu vào tháng 11/2015, lần đầu tiên kể từ sau nội chiến kết thúc cách đây 7 thập kỷ. Cuộc gặp này được sắp xếp trong bí mật và được phía Singapore đáp ứng ổn thỏa.
Hiện chưa rõ địa điểm cụ thể mà ông Trump sẽ gặp Kim Jong Un. Tuy nhiên, Chủ tịch Tập và ông Mã từng tiến hành cuộc họp ở khách sạn Shangri-La. Đây là một khách sạn cao cấp từng đăng cai nhiều sự kiện quốc tế cấp ca,o đòi hỏi an ninh nghiêm ngặt. Hàng năm, Diễn đàn An ninh Quốc phòng châu Á, hay còn gọi là Đối thoại Shangri-La, diễn ra ở khách sạn này và quy tụ nhiều bộ trưởng, quan chức quốc phòng các nước trong khu vực. Hội nghị thượng đỉnh ASEAN cũng từng diễn ra ở Singapore năm 2007 và sắp tới là vào cuối năm nay.
Về lợi thế quan hệ ngoại giao, Singapore là một trong những nước ở khu vực có mối quan hệ lâu đời, gần nửa thế kỷ, và vững mạnh với Mỹ. Các tàu chiến, máy bay và nhiều tàu của Hải quân Mỹ thường xuyên ghé thăm và neo ở căn cứ hải quân Changi. Ngoài ra, theo trang Quartz, hơn 30.000 người Mỹ đang sống ở Singapore trong khi 4.200 công ty Mỹ hoạt động ở đảo quốc này. Những tập đoàn lớn của Mỹ như Google, Facebook… đều đặt văn phòng châu Á tại Singapore.
Trong khi đó, Singapore là một trong số gần 50 nước mà Triều Tiên có quan hệ chính thức và đặt sứ quán. Bắt đầu thiết lập quan hệ từ năm 1975, công dân Triều Tiên có thể đến Singapore mà không cần thị thực cho đến năm 2016. Khi đó, Singapore dưới sức ép của Mỹ và Liên Hợp Quốc đã phải áp đặt cấm vận với Bình Nhưỡng, dù vẫn duy trì quan hệ trung lập và thân thiện.
Khách sạn Shangri-La là nơi diễn ra cuộc gặp gỡ thường niên giữa nhiều bộ trưởng và quan chức quốc phòng các nước châu Á tại Đối thoại Shangri-La. Ảnh: AFP. |
CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI TRUNG LẬP
Tuy nhiên, cựu đại sứ Singapore tại Mỹ Chan Heng Chee cho rằng chính sự trung lập ngoại giao của Singapore là một trong những lý do quan trọng khiến nước này được chọn. “Singapore không phải đồng minh rõ ràng theo hiệp ước với Mỹ như Nhật Bản, Australia hay Philippines. Dù Singapore thường đón tiếp tàu và máy bay Mỹ, đây không phải là động thái biểu hiện thái độ trước bất kỳ diễn biến nào, mà là sự thỏa thuận đã có từ năm 1990”, bà nhận định trên Washington Post.
Trong khi đó, nếu cuộc gặp diễn ra ở khu vực phi quân sự DMZ sẽ khiến sự kiện tỏ ra nghiêng về hướng hòa giải với Triều Tiên hơn. Đây là điều mà các cố vấn của Trump cố gắng không muốn đẩy đi quá xa.
Nhà nghiên cứu Lim Tai Wei tại Viện Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore nói: “Chính quan điểm khách quan, trung lập, chính sách ngoại giao nhất quán và không tỏ ra tham vọng gây phương hại đến nước nào khiến Singapore trở thành lựa chọn phù hợp nhất”.
Kim Jong Un được cho là sẽ di chuyển bằng chuyên cơ đến Singapore. Ảnh: Bloomberg. |
Khoảng cách địa lý chỉ khoảng 5.000 km có nghĩa nhà lãnh đạo Kim Jong Un có thể sử dụng chuyên cơ để đi thẳng đến Singapore mà không cần phải tiếp nhiên liệu giữa chặng. Chuyên gia Graham Ong-Webb tại Trường Quốc tế S.Rajaratnam nói điều này cũng có nghĩa ông Kim Jong Un “chấp nhận đi xa khỏi vùng an toàn của mình”.
Kể từ khi cầm quyền, Kim Jong Un hầu như không bước ra khỏi đất nước. Chỉ trong năm 2018 này, ông “phá lệ” khi hai lần đến Trung Quốc để gặp Chủ tịch Tập Cận Bình; và một lần bước qua biên giới Hàn Quốc để tiến hành hội nghị thượng đỉnh Hàn - Triều cùng Tổng thống Moon Jae In hồi tháng 4. Do vậy, nếu cuộc gặp lịch sử này diễn ra ở nước trung lập như Singapore sẽ chứng tỏ sự nghiêm túc của các bên trong việc cùng tìm con đường hướng đến “hòa bình thế giới” như lời của Tổng thống Trump khi phấn khích thông báo trên Twitter đêm 10/5.